'Linh duyên' và 'Hot boy nổi loạn 2' trước 'thế trận' phim ngoại
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần ra rạp đầu tiên, hai phim Việt là Linh duyên và Hot boy nổi loạn 2 không gặpnhiều sự cạnh tranh của nhiều phim bom tấn nhập ngoại. Vậy nhưng, 2 bộ phim này vẫn đứng trước những éo le trong việc thu hút khán giả.
- Kim Tuyến đẹp như Búp bê sứ ra mắt phim 'Linh duyên'
- Xem “Hot boy nổi loạn” với giá 20.000 đồng/vé
- Bế mạc LHP VN: "Hot boy nổi loạn" thu bộn giải
Với Linh duyên, phim được dán nhãn 16+, vốn dự kiến khởi chiếu từ ngày 9/12/2016 với tên gọi Hình nhân. Tuy nhiên, ngày công chiếu phải dời 24/2/2017 và tên gọi đươc đổi thành Linh duyên. Ngoài ra, phim phải quay thêm và sửa đổi nhiều phân đoạn theo yêu cầu của phía duyệt phim.
Đáng nói, tựa phim này cũng đã sửa đổi nhiều lần. Cái Linh duyên là lựa chọn cuối cùng, cho dù khá vô nghĩavà lại không có nhiều liên hệ tới nội dung chính.
Tương tự, với Hot boy nổi loạn 2 cũng vậy, dù đây là phim Việt đầu tiên dán nhãn 18+, nhưng phim cũng phải cắt bỏ và chỉnh sửa một ít để công chiếu từ ngày 3/3.
Một thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia (muốn giấu tên) chia sẻ rằng hiện nay “thước đo” bắt buộc dành cho phim ngoại và phim Việt là khác nhau, nếu hai phim này mà là ngoại nhập thì việc cắt sửa sẽ ít hơn rất nhiều. “Cá nhân tôi mong muốn rằng trong tương lai không xa việc duyệt phim sẽ dùng thước đo chung, sẽ sòng phẳng với cả phim ngoại và phim Việt, để phim Việt có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn nữa”, người này nói.
Cảnh trích từ phim "Hot boy nổi loạn 2"
Điều đáng lưu ý là, khán giả hiện nay đã khá sòng phẳng với cả phim ngoại và phim Việt, mức độ ưu ái dành cho phim Việt đã không còn giống như 3 - 4 năm về trước. Điều này có thể thấy rõ qua việc bán vé sa sút trong năm 2016, dù chất lượng nói chung của phim Việt đã được cải thiện và phát triển đáng kể.
Với nhiều khán giả, thời gian và kinh phí mà họ dành cho việc xem phim trong tuần là có chừng, ngoại trừ các suất đặc biệt có giá vé khác nhau, còn lại giá vé phim ngoại và phim Việt tương đương nhau, mà xem phim ngoại thì “an toàn” hơn về chất lượng.
2. Trong dự thảo Báo cáo Quốc gia định kỳ 4 năm (2012 - 2016), năm 2015 Việt Nam có đến 384 hãng phim (5 hãng phim Nhà nước và 379 công ty có chức năng sản xuất phim), có 89 bộ phim (chiếu rạp và truyền hình) ra đời, doanh thu phim nội khoảng 700 tỷ đồng, doanh thu phim ngoại khoảng 1.590 tỷ đồng.
Nhưng theo ước tính, năm 2015 số phim chiếu rạp ngoại nhập nhiều gấp 6 - 7 lần số phim nội sản xuất. Ở đây chưa tính lượng phim ngoại được xem qua đĩa, qua mạng, nhưng chắc chắn con số này nhiều vô kể, không thể tính hết.
Một vấn đề lớn khác, nhiều phim Việt hiện nay có câu chuyện tương tự như quốc tế, nghĩa là bỏ bối cảnh và lời thoại nước nào thì tạm xem là phim nước ấy, chứ bản sắc riêng rất ít.
Toàn cầu hóa có nhiều thuận lợi cho tự do cá nhân và tự do thương mại, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức về bản sắc riêng. Những hàng hóa nào ít mang dấu ấn quốc gia, dân tộc (ví dụ nước ngọt, gà rán…) thì càng dễ phổ biến quốc tế.
Nói thẳng và thật về đồng tính |
Trở lại câu chuyện ở trên, dù đã có nhiều cải tiến và phát triển, nhưng còn một khoảng cách khá xa để Linh duyên và Hot boy nổi loạn 2 có thể cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại nhập. Trong khi những khó khăn khi sản xuất và kiểm duyệt của phim Việt thì nhiều hơn.
Đã có những ý kiến cho nếu Linh duyên mà là phim ngoại nhập thì yếu tố ma quái sẽ được giữ nguyên, chứ không bị sửa thành chuyện do người làm. Tương tự, Hot boy nổi loạn 2 sẽ dừng ở mức nhãn 16+, chứ chưa tới mức thành 18+.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa