Liễu và phận thôn nữ rời quê
(TT&VH) - Ngày 24/6, cánh đồng xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ diễn ra đám tang chị Nguyễn Thị Liễu, nữ công nhân xấu số tử vong vì không thoát khỏi bánh xe oan nghiệt của gã bảo vệ công ty nơi mình làm việc.
Đám tang của nữ công nhân vắn số buồn thảm hơn trong tiết trời mưa như trút nước. Cảnh nhớp nháp của bùn đất làng quê nghèo khổ không ngăn được bước chân của tình làng nghĩa xóm và hàng trăm công nhân đến chia tay đồng nghiệp lần cuối. Trong tiết trời ủ dột, những giọt nước mắt đổ xuống không chỉ cho chị Liễu mà còn cho cả hoàn cảnh tang thương của gia đình chị. Căn nhà chị Liễu chị ở dột nát, tuềnh toàng hết mức có thể, trong nhà không có lấy cả cái tivi hay bộ bàn ghế tử tế. Từng mảng tường bong tróc, nền nhà ướt át bởi bùn đất. Chỉ còn nước mắt xót thương của người thân, nỗi đau hằn trên gương mặt khắc khổ của người chồng và tiếng khóc ngằn ngặt đòi mẹ hai đứa con nhỏ.
Cuộc đời người công nhân vô danh, nghèo khó kia có lẽ sẽ chẳng mấy người biết đến nếu không có sự kiện thảm thương gây ra bởi gã bảo vệ vô nhân tính. Một mô-típ khá quen thuộc về cuộc sống nhiều thôn nữ khoác áo xanh công nhân. Học hành có hạn, có người hết cấp 3, người chỉ hết cấp 2, gia cảnh nghèo khó, các em nộp đơn xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Làm công nhân, hẳn chả mấy ai ôm mộng làm giàu, bởi lương công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất bây giờ thì ai cũng biết ở mức nào. Thì cũng chỉ mong có chút vốn liếng để sau này làm ăn, hay kiếm tấm chồng. Nếu thuận buồm xuôi gió, cuộc sống sẽ cứ thế trôi qua trong nhịp khó nhọc và bấp bênh như hàng vạn chị em công nhân khác. Liễu cũng thế thôi, có lẽ không học hết cấp 3, vì năm 2002, đúng “năm 17 tuổi, chị đi lấy chồng”. Nhịp đời chị cũng sẽ như bao nhiêu thân phận người thôn nữ khác, nếu không đột ngột đứt đoạn có một buổi sáng oan nghiệt.
Sự thiếu thốn của đời sống công nhân bao nhiêu năm vẫn là nỗi buồn của xã hội. Chỉ cần nhìn những chợ cóc tràn lan ở những khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ thấy ngay sự nghèo nàn đến nao lòng. Lương thấp, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, công nhân chỉ dám ăn uống kham khổ với mớ rau nhàu úa, những miếng thịt tím tái, con cá đã ươn mềm... vào cuối phiên chợ chiều sau buổi tăng ca để tái tạo sức lao động. Để rồi ngày mai lại lặp lại nhịp đời buồn tẻ và khó nhọc như thế. Thậm chí, thứ thịt chợ chiều ấy nhiều khi công nhân cũng thỉnh thoảng mới dám mua để cải thiện. Như đồng lương của chị Liễu và hơn 300 công nhân mà công ty Giai Đức kia trả mỗi tháng là 1 triệu 420 nghìn đồng, nếu tính tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt trong 30 ngày, thì số tiền lương còm cõi kia sẽ bị xé nhỏ như thế nào? Chị còn phải lo cho gia đình, và 2 đứa con nhỏ nữa.
Như thế vẫn còn may, nỗi buồn công nhân thôn nữ còn thê thảm hơn khi giữa những nơi phồn hoa, giữa bộn bề đường phố cận kề khu công nghiệp đình đám, bóng những người con gái xanh xao, gầy gò đến lạc điệu. Có em vừa bị đuổi việc vì vi phạm nội quy “đi vệ sinh quá lâu”, có em không đủ sức khỏe để tăng ca, có em thì vì công ty phá sản, ông chủ đột nhiên biến mất, nên mấy tháng lương chưa chi trả cũng bị biến theo... Các em đến từ đâu? Những thôn nữ từ miền Tây sông nước, từ miền Trung Thanh Nghệ Tĩnh, và cả những làng quê Bắc bộ, đất chật người đông, ruộng không còn đủ cấy.
Những thôn nữ rời làng, để tìm một đời sống khác, nhưng vẫn quanh quẩn kiếp buồn đời thôn nữ rời quê.
Nguyễn Gia