Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: 'Song lang' giành 1 'vàng' và 4 'xuất sắc'
(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông đã nhiều lần khẳng định tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21: “Tiêu chí nghệ thuật sẽ được đưa lên hàng đầu”. Việc phim Song lang được trao Bông sen vàng và 4 giải cá nhân xuất sắc đã cho thấy tiêu chí “vị nghệ thuật” được gìn giữ.
Nhìn vào mặt bằng của 16 phim tranh giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh, về chất lượng nghệ thuật tự thân và sự phù hợp các tiêu chí của giải thưởng đặt, Song lang nổi trội hơn cả.
- Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI: Những lát cắt đa sắc về cuộc sống qua ngôn ngữ điện ảnh
- Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Đi tìm 'Bông sen vàng'
Trước khi Song lang thắng giải cao nhất tại Việt Nam, phim cũng đã chu du nhiều liên hoan phim quốc tế, đoạt được khoảng 50 giải thưởng, trong đó LHP quốc tế Tokyo, LHP quốc tế Bắc Kinh, LHP Seattle Queer, LHP quốc tế ASIAN… Tại giải Cánh diều gần đây, Song lang đoạt Cánh diều Bạc và hai giải cá nhân là Nam diễn viên xuất sắc (Liên Bỉnh Phát), Quay phim xuất sắc (Bob Nguyễn).
Phim lấy bối cảnh TP.HCM thập niên 1980, khi cải lương vẫn còn đủ sức thu hút khán giả, nên đào kép còn thế giá cao. Tái dựng lại bối cảnh này không hề đơn giản, chứng tỏ hiểu biết thực địa, sự lành nghề của họa sĩ Ghia Fam, nhà quay phim Bob Nguyễn, cùng cả ê-kíp. Những ai sống ở TP.HCM thời này đều có thể trầm trồ về khả năng tái hiện sống động và chân thực này.
Qua phim Song lang, người xem có thể hiểu phần nào giá trị của nghệ thuật cải lương, nhưng thăng trầm và luyến tiếc. Đạo diễn Leon Quang Lê cũng đã nhờ đúng người trong việc cùng tạo ra cốt truyện, đó là nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, chị rất am tường cải lương cả khía cạnh lý thuyết, lịch sử và trình diễn.
Nhưng, bên cạnh câu chuyện của Song lang, cũng cần khẳng định: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (bế mạc tối qua 27/11) tại thành phố Vũng Tàu đã gần như đạt được những mong muốn mà Ban tổ chức đặt ra từ đầu.
Cầu thị và vị nghệ thuật
Điểm sáng nhất của LHPVN lần thứ 21 là tinh thần cởi mở và cầu thị, phần lớn các câu hỏi của báo giới đều được trả lời nhanh chóng. Các lãnh đạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay phiên nhau túc trực tại liên hoan để giải quyết các vấn đề, những câu hỏi không thể hoặc chưa thể trả lời cũng thường được hồi đáp tức thì. Họ cũng dành gần 2 tiếng trong một hội thảo để giới thiệu về tiềm lực điện ảnh của tỉnh nhà, đồng thời lắng nghe góp ý, hỏi đáp… với mong muốn các đoàn phim, thậm chí LHPVN thường xuyên chọn tỉnh này làm địa điểm.
Nhiều tiếng nói từ Ban tổ chức cho thấy rằng LHPVN lần thứ 21 không muốn phải “cân đối” giải thưởng, mà đặt niềm tin vào sự công minh của các ban giám khảo, nhằm chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất. Từ LHPVN lần thứ 20, Ban tổ chức đã loại bỏ hạng mục phim truyện video để chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và nghệ thuật của phim truyện điện ảnh.
Tuy những phim giàu tính nghệ thuật như Song lang còn ít, nhưng hoàn toàn có thể nói 16 phim tranh giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh đã phản ánh được phần lớn diện mạo của nền điện ảnh trong hai năm qua. Liên hoan cũng đã nỗ lực loại những phim kém chất lượng ngay từ đầu; nhiều hãng phim cũng chủ động “giấu” những phim yếu kém của mình.
Dù không “bít cửa” với các phim làm lại (remake) từ quốc tế, nhưng mùa giải này khá vắng bóng. Không chỉ vắng bóng ở hạng mục tranh giải, mà còn vắng bóng ở cả hạng mục phim toàn cảnh. Tất nhiên phim làm lại có cái hay và cái khó của thể loại này, nhưng so với phim làm mới thì rõ ràng có nhiều thuận lợi hơn về kịch bản, dàn dựng và cả đầu tư sản xuất. Tất nhiên nếu tranh giải thì phim làm lại không được dự giải phim xuất sắc và kịch bản xuất sắc.
Việc phim Hai Phượng được chính thức đại diện Việt Nam tham dự vòng loại giải Oscar hạng mục Phim truyện quốc tế cũng phần nào cho thấy quan điểm và tầm nhìn hiện nay của Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh. Những phim như Song lang, dù hay, nhưng còn quá kén chọn khán giả, Hai Phượng có hiệu ứng xã hội rộng rãi hơn, doanh thu cao cũng kích thích được nhiều nhà sản xuất, nhà đầu tư khác vào cuộc với điện ảnh.
Cần mở rộng thêm phần hội
Ngay cả với báo chí và giới làm nghề cũng chưa chắc xem hết 30 phim điện ảnh của hạng mục tranh giải và chiếu toàn cảnh. Danh sách phim này sẽ là một hấp lực với công chúng địa phương, đặc biệt là sinh viên, học sinh, nếu bố trí lịch hợp lý và truyền thông từ sớm, giá vé tượng trưng hoặc miễn phí, họ sẽ đi xem rất đông.
Với hơn 800 đại biểu trong nước và gần 50 đại biểu quốc tế, (nhiều người rất nổi tiếng), nếu tổ chức truyền thông sớm thì nhiều nơi sẽ xung phong tự làm các buổi giao lưu, đó sẽ là các hoạt động phụ trợ rất tốt, lại ít tốn kém cho ban tổ chức. Ví dụ như buổi giao lưu nghệ sĩ điện ảnh với chiến sĩ lực lượng vũ trang, nếu kết hợp chiếu các phim giàu tính hành động như Hai Phượng, Người bất tử, 11 niềm hy vọng… trước buổi giao lưu, sẽ tăng hào hứng cho các chiến sĩ. Thậm chí là mời các nhóm chỉ đạo võ thuật, đóng thế giao lưu cùng các chiến sĩ tinh nhuệ, sẽ tăng sự phấn khích.
Nhiều công ty lữ hành, truyền thông, quảng cáo, quán ăn, nhà hàng, tài xế taxi, xe Grab… tại địa phương còn chưa kịp nắm được thông tin, lịch trình về liên hoan phim. Nếu có sự phối hợp sớm hơn, chắc chắn với sự nhanh nhạy của mình, họ sẽ tìm cách khai thác để tăng lợi nhuận, điều này cũng đồng nghĩa họ làm phụ trợ cho chính liên hoan phim.
Dù vậy, thực tế, ngoài công việc chuyên môn, hơn 800 đại biểu trong nước và gần 50 đại biểu quốc tế cũng đã có dịp tham quan, nghỉ ngơi tại một thành phố du lịch đa dạng.Và, tại liên hoan đã có ý kiến bên lề rằng LHPVN nên chọn một trong những địa chỉ du lịch như Vũng Tàu, Hạ Long, Đà Lạt, Huế, Hội An,… để làm thường niên cho dễ thu hút. Ưu điểm của các thành phố du lịch là có sức hút tự thân, nhiều người muốn đến, cũng như đã quen với việc đón tiếp nhiều lượt khách, nên tổ chức dễ gọn gàng.
Kết quả LHPVN lần thứ 21 * Phim điện ảnh - Bông sen Vàng: phim Song lang - Bông sen Bạc: các phim Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Truyền thuyết về Quán Tiên - Giải thưởng của BGK: 100 ngày bên em - Biên kịch: Đoàn Nhất Trung (phim Cua lại vợ bầu) - Đạo diễn: Leon Quang Lê (phim Song lang) - Quay phim: Nguyễn K'Linh (phim Người bất tử) - Họa sĩ thiết kế: Ghia Fam (phim Song lang) - Âm nhạc: Trần Mạnh Hùng (phim Truyền thuyết về Quán Tiên) - Âm thanh: Vũ Thanh Long (phim Song lang) - Nam/nữ diễn viên chính: Hoàng Yến Chibi (phim Tháng năm rực rỡ), Trấn Thành (phim Cua lại vợ bầu) - Nam/nữ diễn viên phụ: Mai Cát Vi (phim Hai Phượng), Isaac (phim Song lang) - Phim do khán giả bình chọn: Chú ơi, đừng lấy mẹ con! (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ) * Phim tài liệu - Bông sen Vàng: phim Chông chênh - Bông sen Bạc: các phim Chư Tan Kra, Joris Ivens và ngọn gió Việt Nam - Giải thưởng của BGK: các phim Ở nơi cửa ngõ Hoàng Sa, Trại Davis, Điểm tựa bình yên - Biên kịch: Tạ Thị Huệ (phim Lão gàn Hồ Mơ) - Đạo diễn: Trần Tuấn Hiệp (bộ 3 phim Ở nơi cửa ngõ Hoàng Sa, Ông Hai Lúa, Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) - Quay phim: Tạ Đức Nguyên (phim Tâm tình của gốm) - Âm thanh: Nguyễn Vinh Khoa (phim Nhớ biển) * Phim khoa học - Bông sen Vàng: không có - Bông sen Bạc: các phim Cuộc chiến chống đại dịch SARS, Ô nhiễm nhựa ở biển - Biên kịch: Lê Danh Trường (phim Ghép tạng) - Đạo diễn: không có - Quay phim: Nguyễn Thanh Bình (phim Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên) - Âm thanh: Dương Thế Vinh (phim Trầm cảm sau sinh) - Giải thưởng của BGK: các phim Trầm cảm sau sinh, Ghép tạng * Phim hoạt hình - Bông sen Vàng: phim Người anh hùng áo vải - Bông sen Bạc: các phim Vầng sáng ấm áp, Sắc màu những ô cửa, Bí mật của những đứa trẻ - Biên kịch: Phạm Thị Thanh Hà (phim Vầng sáng ấm áp) - Đạo diễn: Vũ Duy Khánh (phim Vầng sáng ấm áp) - Họa sĩ tạo hình: Bùi Mạnh Quang (các phim Ngôi sao xanh kỳ lạ, Truyền thuyết thác Pongour) - Họa sĩ diễn xuất: nhóm họa sĩ của phim Người anh hùng áo vải) - Âm nhạc: Lương Ngọc Châu (phim Người anh hùng áo vải) - Âm thanh: Nguyễn Duy Long (phim Bí mật hang Duôn) - Giải thưởng của BGK: Bí mật hang Duôn, Tàn thể: Tiền truyện |
Văn Bảy