Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI: Học hỏi gì từ nền điện ảnh Hàn Quốc?
Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội, sáng 9/11 đã diễn ra hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc. Đây là hoạt động rất được mong chờ của các nghệ sĩ, những nhà làm phim tham dự LHP.
Trong thời gian vừa qua, nền điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước tiến vượt bậc. Các bộ phim của "xứ sở kim chi" không chỉ được những nước ở châu Á nhiệt liệt hưởng ứng mà rất nhiều trong số đó đã vươn tầm thế giới.
Chính vì vậy, hội thảo là dịp để những nhà làm phim của Việt Nam học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP, cho biết, với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, những xu hướng làm phim mà điện ảnh Hàn Quốc hướng tới; đồng thời chia sẻ về cách tiếp cận các LHP cũng như con đường đi tới những giải thưởng lớn mà điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được.
Bí quyết thành công của phim Hàn
Bài thuyết trình của ông Park Ki Yong, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) về chìa khóa thành công của các bộ phim Hàn Quốc đã mang đến cho người tham dự hội thảo những cách tiếp cận mới.
Ông chia sẻ: "Điện ảnh Hàn Quốc mới đây có bộ phimParasite (Ký sinh trùng) được rất nhiều giải thưởng, là bộ phim tiêu biểu của K-movies (phim Hàn Quốc). Hay mới đây là bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) nổi tiếng trên thế giới. Và chúng tôi hay nhận được câu hỏi: Bí quyết thành công của phim Hàn là gì?
Xin khẳng định, sự thành công của các bộ phim Hàn đều mang phong cách Hàn, phim kiểu Hàn nói về xã hội Hàn. Ví dụ Trò chơi con mực được người xem khắp thế giới khen ngợi vì mang đậm tính nhân văn, những cảnh quay cảm động, ấm áp so với những bộ phim sinh tồn khác.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc khẳng định dù đang rất thành công nhưng không có nghĩa là ngừng cố gắng. Ông cũng chia sẻ rằng hiện nay điện ảnh Hàn Quốc đang phát triển rực rỡ nhưng những năm tháng của quá khứ, các nhà làm phim cũng phải chật vật để tìm ra lối đi.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây nên khó khăn không hề nhỏ buộc nền điện ảnh Hàn Quốc phải thay đổi để thích nghi. "Sau đại dịch Covid-19, một yếu tố ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của điện ảnh là tốc độ. Làm phim nhanh, phản ánh thực trạng xã hội một cách nhanh nhất; nâng cao năng lực, nuôi dưỡng thế hệ nhà sản xuất phim Hàn tiếp theo; tăng cường toàn cầu hóa (khắc phục rào cản ngôn ngữ); khuyến khích nghiên cứu, phê bình học thuật; tăng cường nghiên cứu, phát triển giáo dục; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển điện ảnh… đó là những nhiệm vụ mà điện ảnh Hàn Quốc đặt ra trong giai đoạn phát triển hiện nay" - ông Park Ki Yong nhấn mạnh.
Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho thế hệ kế cận
Ông Jung Tae Sung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK - chia sẻ: "Đáng tiếc là tỉ lệ người Việt Nam xem phim Việt còn ít. Khi người dân Việt Nam chọn phim để xem thì họ có định kiến nhất định với chính phim của nước mình. Điều này dễ hiểu thôi, vì nền điện ảnh nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã có những bộ phim rất hay như Hollywood, Hàn Quốc… vì thế người dân Việt Nam chưa ưu tiên xem phim Việt Nam lên hàng đầu".
Ông Jung Tae Sun cũng chỉ ra thực trạng tải và xem phim lậu tại thị trường Việt Nam. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng tốn thời gian khá dài để loại bỏ việc xem, tải phim lậu.
Không những thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế của điện ảnh Việt Nam, ông Jung còn hy vọng, đề xuất các ý kiến cho sự hợp tác làm phim giữa Việt Nam và Hàn Quốc. "Việt Nam nên hỗ trợ các cơ hội đào tạo, học tập cho các bạn trẻ trong các lĩnh vực như quay phim, sản xuất, thiết kế sản xuất, ánh sáng… để học hỏi và hưởng lợi từ sự thành công của các hệ thống và công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Ngoài ra, các khóa học về biên kịch và phát triển dự án - xương sống của các dự án phim thành công phải được chú trọng".
Đồng quan điểm với ông Jung, đạo diễn, diễn viên Công Hậu cho biết: "Tôi khâm phục người Hàn Quốc bởi họ luôn biết cách để đào tạo thế hệ trẻ, họ tạo ra sân chơi cho người trẻ thể hiện tài năng của mình. Chúng ta cũng đang sở hữu một thế hệ trẻ đầy hoài bão và tài năng, vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn đầu tư như họ?".
Xem đây là cơ hội để phát triển điện ảnh Việt Nam, nhưng Công Hậu cũng không quên nhắc nhở về việc lưu giữ bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
Nhìn lại buổi hội thảo, có thể thấy rằng nền điện ảnh Việt Nam còn một hành trình rất dài nữa phải đi. Ở đó, những vấn đề về phim lậu, bản quyền, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực trẻ rất cần sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ban, ngành có thẩm quyền.
Tre già măng mọc là quy luật tự nhiên của tạo hóa, nhưng để thu hoạchđược những "lứa măng" chất lượng thì cần phải có sự quan tâm và đầu tư hợp lý. Cũng như muốn điện ảnh Việt Nam bước ra thế giới cần tạo điều kiện phát triển hơn nữa để thế hệ trẻ có đất diễn.
Phim Hàn tại LHP Quốc tế Hà Nội
Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI còn có chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốcđây là nơi giới thiệu đến công chúng 7 bộ phim nổi bật đã từng đạt giải cao của Hàn Quốc tại các đấu trường điện ảnh trên thế giới như: Nhà môi giới của đạo diễn Kore Ada Hirokazu, Giải diễn viên nam chính xuất sắc của Liên hoan Phim Cannes 2022. Ông cũng đã từng đoạt giải thưởng tại LHP Cannes 2013; giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2018. Bộ phim Kẻ trộm siêu thị của ông đã được chiếu Khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V, năm 2018.
Cùng tham dự LHP Quốc tế Hà Nội còn có Quyết tâm chia tay của đạo diễn Park Chan Wook - Giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2022;Thi ca của đạo diễn Lee Chang Don - Giải Kịch bản hay nhất tại LHP Cannes 2010; Thiêu đốt của đạo diễn Lee Chang Dong - Giải thưởng của Liên đoàn phê bình phim quốc tế tại LHP Cannes 2018; Tổ của chim ruồi của đạo diễn Kim Bora - Giải NETPAC tại LHP Busan và giành một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế như Berlin, Tribeca…