Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...
Chiều ngày 8/11/2022, tôi có mặt sớm tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) xem bộ phim Hoa nhài của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - "cây đại thụ" của điện ảnh Việt Nam.
Đây là bộ phim được chọn chiếu khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Phòng chiếu 400 chỗ không đủ cho khán giả Hà thành quan tâm, háo hức, chờ đón Hoa nhài và ngay lập tức Trung tâm chiếu phim Quốc gia mở thêm phòng chiếu 200 chỗ. Một dòng chảy lặng thầm Hà Nội ngàn năm văn hiến vọng về.
1. Hoa nhài vấn vương, nhẹ nhàng, thoang thoảng, nhưng sâu lắng như chất người Hà Nội giản dị, kín đáo, tiềm ẩn bên trong. Tôi là một trong số những khán giả còn lưu lại cùng đạo diễn và rời khỏi rạp sau cùng...
"Cha đẻ" của những bộ phim kinh điển Thị xã trong tầm tay (1983), Bao giờ cho đến tháng 10 (1985), Cô gái trên sông (1987), Thương nhớ đồng quê (1995), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009)… lại tiếp tục tạo nên những ấn tượng mới, bất ngờ cho Hoa nhài. Ấn tượng mới dù đã hình thành một phong cách riêng, nhưng Đặng Nhật Minh - người con xứ Huế - không ngừng sáng tạo để kể câu chuyện hấp dẫn theo cách của mình.
Ấn tượng và xúc động vì đây là bộ phim được coi là cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh đã được hoàn thành khi đạo diễn chạm tuổi 85. Ấn tượng và biết ơn vì phim khởi quay trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa kịp hoàn thành vào tháng 8/2022 để kịp gửi dự liên hoan.
NSND Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn chỉn chu từ khâu kịch bản và trong số ít đạo diễn đồng thời là nhà biên kịch cho phim của mình. Ông lý giải cho việc "sắm cả 2 vai" cho một số bộ phim là do từ quan sát, trải nghiệm thực tiễn đời sống đã hình thành cảm xúc sẽ có lợi thế cho thành công. Tự làm khó với mình, xác tín quyết liệt cách làm phim không cho phép lặp lại mình, cũng không chạy theo trào lưu, càng không theo "đơn đặt hàng" mà chỉ chịu sự "chỉ đạo" từ cảm xúc của chính mình. Cảm xúc đến là viết thành truyện ngay. Có thời gian thì chuyển thể kịch bản và có điều kiện là làm phim...
Hoa nhài từ truyện ngắn đến phim đều giàu chất thơ tựa như một tản văn với những lát cắt muôn màu về cuộc sống của cư dân Hà thành hôm nay trong dòng xoáy của cuộc sống đô thị.
Phim là bức tranh lắp ghép những mảnh đời khác nhau, các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp (ông giáo già, nông dân, nghề tự do, người giúp việc...), lứa tuổi (người cao tuổi, vị thành niên), nhiều hoàn cảnh (giàu sang, nghèo hèn, bệnh tật...)... Họ cùng những mảnh ghép khác khắc họa cuộc sống của tầng lớp bình dân. Bộ phim phản ánh những biến động của Hà Nội phát triển cũng như mối liên hệ hữu cơ, biện chứng trong biến động của xã hội đương thời với nông thôn (ngoại thành và các tỉnh lân cận).
Nhân vật Đức do Nguyễn Minh Đức (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Thăng Long, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đảm nhận. Từ nông thôn ra Hà Nội, cậu bé kiếm sống bằng nghề đánh giày. Hoàn cảnh của Đức rất đáng thương: Bố mất sớm, gánh nặng cơm áo đè trĩu lên vai người mẹ tảo tần, đảm đang được Thanh Hường - diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam - thể hiện chân thực, xúc động.
Thương mẹ và 2 em nhỏ, Đức đành phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Cuộc sống đẩy đưa đã có lúc công viên là nhà, ghế đá là giường, giáp mặt bọn buôn bán ma túy, nhưng tâm hồn cậu bé vẫn sáng trong, thanh khiết, nhân hậu...
Vợ chồng bác cắt tóc tốt bụng, hiền hậu do nghệ sĩ Hoàng Huy và NSƯT Bùi Minh Phương thể hiện rất chân thực chất người Hà Nội giản dị, thuần hậu. 2 ông bà sống trong căn hộ cũ kỹ có tấm lòng thơm thảo đầy đặn; chăm chỉ lao động (ông có nghề cắt tóc lưu truyền 3 đời, bà sớm hôm mở quán nước trên vỉa hè). Vì tấm lòng nhân hậu, ông bà coi Đức như con cháu, cho tá túc, lo liệu tiền viện phí cho mẹ cậu bé đánh giày...
Giáo sư Tôn Thất Triêm - người nghệ sĩ piano hòa tấu xuất sắc nhất tại 4 cuộc thi Âm nhạc quốc tế (Tchaikovsky, 1990, Glink, 1993, Glulaev, 1993), Kaliningad, 1994) - đã xuất sắc khi vào vai ông giáo người Hà Nội gốc dạy hát cho học sinh dàn đồng ca khiếm thị. Sau ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi được ông đàn, dạy hát đầy biểu cảm thăng hoa và Nụ cười là ca khúc cuối cùng người thầy đã gieo niềm tin cho những học trò khiếm thị:
Cho trời sáng lên và áng mây tươi hồng
Đẩy lùi xa bao nhiêu u ám gió mưa, bão bùng
Rừng âm u đã thức dậy đón ngày mới
Tiếng cười vui luôn luôn bên ta
Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa
Tiếng cười là bạn thân tháng năm không thể nào xóa nhòa...
2. Vẫn phong cách riêng, nhưng với Hoa nhài, Đặng Nhật Minh đã chọn cách kể chuyện, cách dẫn dắt câu chuyện giản dị, tối giản và không cực đoan. "Tối giản không có nghĩa là sơ lược, thiếu vắng những chi tiết của đời sống và không cực đoan có nghĩa là không có sự kiện nào được đẩy đến tận cùng, đôi khi chúng được bỏ lửng để khán giả tự hình dung những gì có thể diễn ra sau đó" - đạo diễn cho biết.
Kết cấu phim từ những mảnh ghép nhưng thống nhất chủ đề bởi sự xử lý tình huống tài ba của đạo diễn như nhạc trưởng trong dàn nhạc. Phim có những lát cắt ngắn, tiết tấu nhanh, chạm vấn đề cũng không phải dễ đoán và tác giả bỏ lửng nhiều phân cảnh gợi suy nghĩ cho khán giả. Đơn cử theo logic thông thường, khán giả có thể sẽ nghĩ đến mặt tiêu cực nhiều hơn: Cậu bé đánh giày ngủ trong công viên dễ bị bọn xấu lôi kéo, dẫn tới nghiện hút. Cô giúp việc bị "đuổi" vì chuyện xấu. Các con tranh giành, phân chia tài sản dẫn đến hệ lụy.
Tốc độ đô thị hóa cao bên cạnh tích cực đáng mừng còn có mặt trái. Cuộc sống vận động không ngừng là hợp quy luật. Điều đặc biệt, đạo diễn không bày quá nhiều thực trạng tối, không sa đà vào những hệ lụy mà khơi dậy phần "người" với lòng nhân ái, bao dung, chở che, không thờ ơ trước mọi cảnh đời mà dành sự quan tâm đến từng đối tượng, nhất là với đối tượng kém may mắn (ốm đau, bệnh tật, nghèo khổ...). Sợi dây liên kết, chất keo gắn kết, đan dệt, hòa quyện các nhân vật trở nên bền vững và có ý nghĩa. Dù sống trong bất cứ cảnh ngộ nào, con người giàu nội lực, tìm cách xoay xở, vượt thoát, vươn lên, sức sống dẻo dai... là phẩm chất truyền thống của nhân dân Việt Nam, trong đó có người Hà Nội.
Bác cắt tóc từ Hà Tây (hồi chưa sáp nhập Hà Nội) ra Thủ đô hành nghề cắt tóc. Vợ bác cắt tóc làm nghề bán nước ở vỉa hè vốn là người Thanh Trì mang bánh cuốn ra bán rồi nên duyên chồng vợ. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã khéo léo giải thích khái niệm "Người Hà Nội" trong phim. Ngoài ông giáo già là người Hà Nội gốc, các nhân vật khác như vợ chồng ông thợ cắt tóc, cậu bé đánh giày, cô gái làm nghề giúp việc gia đình… đều từ nông thôn ra thành thị kiếm sống. Ông đã hiểu cư dân Hà thành là từ muôn phương tụ hội để làm nên giá trị của Hà Nội hôm nay. Chiều sâu văn hóa của người Hà thành là lòng nhân ái, khoan dung, sự đoàn kết, đùm bọc, chở che, cưu mang... để cùng nhau xây dựng Thủ đô bền vững.
Phải hiểu Hà Nội đến tận ngõ ngách, đạo diễn mới đưa văn hóa Hà Nội hôm nay hiện diện trong phim. Quán nước, hay quán chè chén xuất hiện ở Hà Nội rất sớm, lúc đầu, chủ yếu phục vụ dân lao động, sau này, trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của công chức, sinh viên... Quán chè trên vỉa hè của vợ bác cắt tóc đơn sơ với phích nước, bình trà, ấm tích, lọ kẹo lạc/vừng/cao su, vài chiếc ghế, vài bao thuốc lá, chiếc điếu cày… Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Chỉ cần bám vào một mặt bằng rất nhỏ quanh một gốc cây trên vỉa hè Hà Nội là một gia đình có thể sinh sống, nuôi con cái ăn học thành người. Mỗi lần ra nước ngoài điều làm tôi nhớ nhất là đời sống trên những vỉa hè của Hà Nội".
Phim "Hoa nhài" có thời lượng 90 phút do Công ty TNHH Điện ảnh và Truyền thông Khánh An sản xuất, cùng ê-kíp sáng tạo: Kịch bản và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh; quay phim: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Việt Hùng; thiết kế mỹ thuật: Đặng Thanh Dương; âm nhạc: Paul Chihara; dựng phim: Linh HK; Giám đốc sản xuất: Vũ Trung Kiên; Giám đốc hình ảnh: Vũ Đức Tùng...
Là người dựng phim, Linh HK - cựu sinh viên - chia sẻ với tôi: "Em cảm thấy cực kì may mắn khi được làm việc với một cây đại thụ lớn của điện ảnh Việt Nam. Khi biết bộ phim nói về một đề tài mà mình thích, lúc đó em rất hào hứng và tự hứa với lòng mình là phải dựng làm sao cho bộ phim được tốt nhất. Bác Đặng Nhật Minh rất tỉ mỉ và chi li trong từng khung hình phim, nhưng em thấy điếu đấy là rất cần cho một đạo diễn phim điện ảnh".
Ngoài những diễn viên chuyên nghiệp như: Hoàng Huy, Bùi Minh Phương, Nguyễn Minh Hải, Thanh Hường, Trần Doãn Hoàng... bộ phim còn có sự tham gia của giáo sư, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm, đạo diễn Lê Mạnh Hiệp, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang...
3. Bộ phim những ký ức khó quên đối với những ai đã từng sống ở Hà Nội, gắn bó với Thủ đô, kể cả những du khách nước ngoài dù chỉ đến đây một lần. Tôi xin mượn lý giải tên chủ đề phim làm phần kết cho bài viết này: Từ xa xưa, người Việt Nam thường ví những vẻ đẹp phẩm chất, đạo đức của người Hà Nội như hương thơm của hoa nhài thoang thoảng, sâu lắng, lan xa. Đó cũng chính là lý do tôi đặt cho tên bộ phim là Hoa nhài.
Tôi muốn khẳng định rằng những điều tốt đẹp trong tâm hồn người Hà Nội vẫn hiện diện trong cuộc sống của Thủ đô như 2 câu ca dao quen thuộc:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An...
Vài nét về tác giả
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với tư cách là nhà làm phim tài liệu vào năm 1965 và chuyển sang làm phim truyện từ năm 1978. Năm 2005, ông được tặng Giải Thành tựu trọn đời tại LHPQT Gwangju (Hàn Quốc). Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 sản xuất năm 1985 được Giải Đặc biệt tại LHP Quốc tế Hawaii (Mỹ) và năm 2008 được Đài truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 phim Châu Á hay nhất mọi thời đại. Năm 2013, ông nhận giải Điện ảnh Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung tại Hàn quốc. Tháng 10/2016, ông nhận Giải Kỳ Lân Vàng (Lycornd’O r) tại LHPQT Amiens (Pháp) cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình cùng một chương trình Hồi cố (homage) gồm 8 phim truyện của ông. Ông đã nhận 4 giải thưởng Bông sen Vàng và 5 giải Bông sen Bạc tại các kỳ LHP Việt Nam.