Libya trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh ủy nhiệm
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, hai lực lượng đối địch tại Libya là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) liên tục dồn quân đến đầu chiến tuyến. Nguy cơ xung đột đẫm máu đang bao trùm thành phố Sirte, nơi được coi là cửa ngõ dẫn tới các cơ sở dầu mỏ lớn nhất Libya.
Không những vậy, tình hình ở Libya càng rối ren hơn khi có nhiều thế lực bên ngoài can thiệp và hậu thuẫn cho các bên đối địch với nhiều mức độ khác nhau, trong đó nổi lên là Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA, trong khi Ai Cập hậu thuẫn cho lực lượng LNA ở miền Đông.
Căng thẳng gia tăng
Suốt thời gian qua, tình hình chính trị, an ninh ở Libya luôn trong tình trạng căng thẳng. Hiện quốc gia Bắc Phi này đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Theo số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho thấy hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc đụng độ giữa GNA và LNA.
- Libya: Quân đội miền Đông tấn công căn cứ không quân Misurata
- Giao tranh ở Libya khiến hơn 105.000 người phải rời bỏ nhà cửa
Kể từ tháng 4-2019, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar đã tiến hành chiến dịch nhằm giành lấy thủ đô Tripoli, vốn do Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) kiểm soát. Tuy nhiên, những tháng gần đây, GNA với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bật được LNA khỏi một số khu vực ở phía Tây Bắc và nhiều vị trí ở Tripoli. Sau loạt thắng lợi này, từ tháng 6-2020, các lực lượng trung thành với GNA đã tập trung mở cuộc tấn công nhằm vào thành phố Sirte, miền Trung Libya.
Theo quan điểm của Ai Cập, việc GNA tiến quân đánh chiếm Sirte được coi là “lằn ranh đỏ” đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Ai Cập và đương nhiên, nước này sẽ can thiệp quân sự vào Libya, thay vì “ngồi yên”. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tuyên bố sẽ dùng vũ lực để chống lại các lực lượng tại Libya được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia từ bên ngoài đất nước. Trong bối cảnh đó, ngày 20-7 vừa qua, Quốc hội Ai Cập đã phê chuẩn quyết định cho phép triển khai quân đội bên ngoài đất nước. Với quyết định này, Ai Cập đã được Quốc hội “bật đèn xanh” để triển khai quân bên ngoài lãnh thổ nhằm chống lại lực lượng lính đánh thuê Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị vũ trang của GNA nếu Sirte bị tấn công.
Thành phố Sirte có ý nghĩa rất quan trọng với cả lực lượng LNA lẫn GNA. Bởi là cửa ngõ vào khu vực phía Đông Libya, vốn là nơi có các mỏ dầu lớn của quốc gia này. Cả GNA lẫn LNA cùng các quốc gia đồng minh đều muốn chiếm được Sirte để có thể nắm được thế tấn công. Chính vì vậy, việc Quốc hội Ai Cập cho phép quốc gia này can thiệp quân sự nếu Sirte bị tấn công là điều dễ hiểu. Và ngay sau quyết định của Quốc hội Ai Cập, ngày 23-7, một máy bay vận tải C-130 Hercules của Ai Cập đã đến phía Bắc Libya.
Trước động thái này của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên kế hoạch tăng cường lực lượng và thiết bị quân sự ở Libya để đối phó với các lực lượng của Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay C-130 Hercules mang theo vũ khí, trang thiết bị quân sự và các đơn vị quân đội tới Tripoli, Misrata và căn cứ sân bay al-Watiya của Libya. Thậm chí, vào tối ngày 24-7, phát ngôn viên LNA, tướng Ahmed Al-Mismari còn công bố video, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã điều chuyển đến Libya một lực lượng lính đánh thuê Syria mới. Tướng Mismari tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang thách thức trắng trợn lệnh ngừng bắn và cấm vận vũ khí, can thiệp từ nước ngoài của thế giới Arab và Liên hợp quốc.
Nguy cơ đối đầu giữa các nước ủy nhiệm
Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, cuộc xung đột tại Libya đang bước vào giai đoạn nguy hiểm với sự can thiệp chưa từng có của lực lượng nước ngoài. Nếu Ai Cập tham chiến ở Libya thì gần như chắc chắn sẽ nổ ra cuộc chiến trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, mà chiến trường chính là Libya. Giới quan sát chiến sự Libya đánh giá, xuyên suốt cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ nguy cơ bùng nổ chiến sự từ các lực lượng bên ngoài Libya lại lớn như lúc này. Thậm chí, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định rằng, nội chiến Libya đã bước sang giai đoạn mới với sự can thiệp từ nước ngoài cùng mức độ và quy mô chưa từng có.
Ngay sau những diễn biến leo thang căng thẳng này, bà Stephanie Williams-Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Libya đã bày tỏ sự lo lắng đối với an nguy của hàng trăm nghìn dân thường, đồng thời gay gắt gọi những hành động “đạn lên nòng” này là vi phạm trắng trợn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc. Trong khi đó, vào ngày 18-7 vừa qua, lãnh đạo ba nước Đức, Pháp và Italy còn đưa ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt sự can thiệp từ nước ngoài vào Libya, đồng thời đe dọa trừng phạt nếu vi phạm các lệnh cấm của quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ quan điểm phải duy trì lệnh ngừng bắn và cần thiết áp dụng những biện pháp “hạ nhiệt” căng thẳng ngay lập tức.
Tuy nhiên, bất chấp việc Liên hợp quốc cùng nhiều nước vẫn đang nỗ lực hối thúc giải pháp hòa bình trong cuộc nội chiến dai dẳng tại Libya, thì việc một số nước khác đứng đằng sau “giật dây” đang đẩy Libya đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Cho dù đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có cuộc xung đột nào bùng phát giữa các bên nhưng tình hình ở Libya thì vẫn liên tục căng thẳng.
Ngày 24-7, cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuyên bố rằng Ankara không muốn leo thang căng thẳng ở Libya hay đối đầu với Ai Cập ở quốc gia Bắc Phi này, nhưng theo ông Kalin, Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya. Trong khi đó, Ai Cập cũng tuyên bố tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán quốc tế để chấm dứt cuộc xung đột Libya, mặc dù yêu cầu của Tướng Khalifa Haftar và LNA về việc phân phối doanh thu dầu của Libya đang khiến các cuộc đàm phán khó mà thành công.
Trong bối cảnh đó, dù Ai Cập không muốn đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nếu quân đội Ai Cập hiện diện ở Libya thì nguy cơ đụng độ giữa hai nước vẫn không hề giảm. Liên hợp quốc cảnh báo cuộc nội chiến Libya đứng trước nguy cơ bùng nổ thành cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực nếu có bất kỳ tính toán sai lầm nào được đưa ra.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)