LHQ kêu gọi thế giới ưu tiên giải quyết khủng hoảng sức khỏe tâm thần
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới cần đưa vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần thành một trong những ưu tiên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang có gần 1 tỷ người sống chung với các vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần và vừa trải qua đại dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua.
Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh việc chưa chú trọng tới giải quyết các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, ví dụ tình trạng ở một số nước hiện nay chỉ có trung bình 2 bác sĩ về sức khỏe tâm thần/100.000 người dân, đang gây ra những hệ lụy trầm trọng hết sức khó lường đối với xã hội và chi phí điều trị chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần tiêu lên tới khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.
Tổng Thư ký Guterres cho rằng cần phải tăng cường các dịch vụ y tế liên quan sức khỏe tâm thần, đặc biệt với giới trẻ, và lồng ghép vấn đề này vào hệ thống y tế chung dựa vào cộng đồng, đảm bảo để những người có nhu cầu được dễ dàng trợ giúp một cách hiệu quả. Ông cũng kêu gọi cần giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với những người mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, khiến họ càng khó nhận được sự hỗ trợ y tế cũng như hòa nhập với xã hội.
Quan trọng hơn, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước phải ngăn ngừa những nguyên nhân gốc rễ gây ra các bệnh về sức khỏe tâm thần, ví dụ như nạn nhân của bạo lực, lạm dụng, cưỡng bức. Tình trạng bất bình đẳng và xung đột, chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng là những nguyên nhân khiến các bệnh liên quan sức khỏe tâm thần càng dễ xảy ra.
- Đặt sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu
- Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về sức khỏe tâm thần trên thế giới
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2019, ước tính trên phạm vi toàn cầu có khoảng 12% dân số mắc chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây nên một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, khiến hàng trăm triệu người mắc bệnh ở nhiều mức độ khác nhau.
Trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, WHO ước tính tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu tăng hơn 25% trên toàn cầu, trong khi hệ thống y tế liên quan điều trị các bệnh về sức khỏe tâm thần ở hầu hết các nước, đặc biệt các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, bị gián đoạn để tập trung ứng phó đại dịch.
Hải Vân - Quang Huy/TTXVN