LHP Quốc tế Berlin tôn vinh Wim Wenders giải Thành tựu trọn đời ngay tại quê nhà
(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày này, nhà làm phim Đức Wim Wenders (69 tuổi) đang tràn ngập hạnh phúc với những sự tôn vinh dành cho mình. Trước hết là tại LHP Quốc tế Berlin (bế mạc vào ngày 15/2), ông được trao giải Gấu Vàng Thành tựu trọn đời với đóng góp xuất chúng cho nền điện ảnh.
Năm nay, Wenders còn được đề cử giải Oscar với bộ phim tài liệu mới nhất, The Salt of the Earth, và vào tháng 3, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York sẽ tôn vinh ông với lịch chiếu hơn 10 bộ phim của ông, mở đầu với kiệt tác Paris, Texas (1984). Trong khi ở thành phố quê hương ông, Dusseldorf, Bảo tàng Kunstpalast sẽ triển lãm ảnh của ông vào tháng 4. Triển lãm ảnh này được xem như một minh chứng cho tài năng nghệ thuật đa dạng của Wenders.
Với những sự kiện đó, dường như Wenders hiện diện ở mọi nơi trong thời gian này. Ông nói với tờ Welt am Sonntag rằng, ông xúc động với giải thưởng của LHP Quốc tế Berlin: “Được tôn vinh tại quê nhà, tại chính thành phố của mình, thật tuyệt vời”.
Nhà làm phim Wim Wenders
Ngoài việc chiếu 10 bộ phim của Wenders đã được xử lý lại bằng kỹ thuật số, LHP Quốc tế Berlin năm nay còn còn chiếu bộ phim truyện nhựa mới của ông, mang tựa đề Every Thing Will Be Fine, do James Franco thủ diễn chính. Tác phẩm điện ảnh này kể về một nhà văn đặt nghi ngờ về cuộc sống và công việc của mình sau khi viết câu chuyện về một vụ tai nạn ô tô cướp đi sinh mạng một đứa trẻ, tuy nhiên nhân vật chính lại không mắc tội.
“Phim không bàn đến việc liệu người đàn ông này có đáng bị đổ lỗi vì vụ tai nạn hay không, mà bàn đến những người đã tạo nên bất cứ tác phẩm sáng tạo nào, đặc biệt là những nhà làm phim và nhà văn, bởi họ sử dụng hoặc ‘khai thác’ cuộc đời thực” – Wenders nói.
Thành công ở dòng phim tài liệu
Các sự kiện tôn vinh năm nay đánh dấu một thời kỳ “đỉnh” trong sự nghiệp của Wenders. Song phải nói rằng vài năm trở lại đây, phim truyện nhựa của ông không được công chúng đón nhận nhiệt tình, không gặt hái thành công thương mại và thường bị giới phê bình chỉ trích. Tuy nhiên, Wenders vẫn không ngừng tái tạo mình, đặc biệt là với các bộ phim tài liệu. Chẳng hạn qua phim The Salt of the Earth, ông muốn tỏ lòng kính trọng nhiếp ảnh gia Brazil Sebastiao Salgado. Và 15 năm qua, Wenders gặt hái thành công lớn nhất với phim tài liệu, trong khi những bộ phim truyện như Palermo Shooting hay Land of Plenty đã gần như biến mất khỏi tâm thức của công chúng.
Sau thành công của bộ phim Wings of Desire hồi cuối những năm 1980, tác phẩm điện ảnh Until the End of the World (1991) được ông dàn dựng rất công phu, nhưng lại trở thành một thảm họa về tài chính và nghệ thuật. Sau đó, Wenders ít làm phim truyện hẳn đi. Ông chỉ quan tâm tới thể loại phim này theo những cách nhất định, song được trù tính khá kỹ.
Cảnh trong Pina, bộ phim tài liệu tôn vinh nhà biên đạo múa Đức nổi tiếng Pina Bausch
Năm 1989, Wenders hợp tác với nhà thiết kế thời trang Nhật Bản Yamamoto Isoroku làm bộ phim tài liệu về ông này, mang tựa đề Notebook on Cities and Clothes, và sau đó chuyển hướng sang làm phim tài liệu. Wenders bắt đầu đi khắp nơi, khảo sát nhiều cách để ghi lại những mối quan tâm của mình. 10 năm sau, ông gặt hái thành công với Buena Vista Social Club, bộ phim kể về một nhóm nghệ sĩ đã lớn tuổi song vẫn rất năng động ở Cuba. Bộ phim này ăn khách khắp thế giới. Trước khi được đề cử Oscar năm nay với phim The Salt of the Earth, Wenders đã được đề cử giải này với phim tài liệu Pina, một sự tôn vinh biên đạo múa Pina Bausch.
Một tên tuổi trên trường phim quốc tế
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là sức mạnh trong các bộ phim truyện của Wenders đã đưa ông trở thành một tên tuổi nổi tiếng trên trường phim quốc tế. Wenders đã có được những bước tiến nghệ thuật đầy ý nghĩa sau khi tung ra tác phẩm điện ảnh đầu tay hồi cuối những năm 1960. Lúc ấy, Wenders là một chàng trai cực kỳ nhút nhát và hướng nội, song những bộ phim đen trắng Alice in the Cities và Kings of the Road của ông đã lát đường cho thời kỳ New German Cinema.
Và không phải ngẫu nhiên mà Wenders làm phim về nhiếp ảnh gia Salgado. Ông luôn lĩnh hội các phương thức thể hiện sự sáng tạo khác và bản thân ông cũng là một nhiếp ảnh gia đầy đam mê.
Cảnh trong phim Paris, Texas, kiệt tác điện ảnh của Wenders được trình chiếu tại LHP Quốc tế Berlin năm nay
Wenders có tài làm những bộ phim với nhiều thể loại khác nhau, nhờ vào khả năng thẩm mỹ tinh tế và sự tính toán cẩn trọng của mình. Điều này đã được thể hiện rõ từ những bộ phim đầu tay của ông. Wenders còn nhận được nhiều lời ca ngợi với cách sử dụng âm nhạc trên màn bạc.
Song năm nay, rõ ràng là công chúng không chỉ có cơ hội đánh giá về nghệ thuật của Wenders trong các bộ phim tài liệu của Wenders. Và phim Every Thing Will Be Fine nhắc nhở khán giả rằng, ông đã đúng khi không từ bỏ cách làm phim đầy kịch tính.
Việt Lâm