LHP Pháp ngữ lần thứ 13 tại Việt Nam: Sự đa dạng điện ảnh và văn hóa của cộng đồng Pháp ngữ
Tôi đã có mặt tại Viện Phim Việt Nam xem trọn vẹn 7 bộ phim đặc sắc tham gia Liên hoan phim Pháp ngữ lần thứ 13. Mỗi bộ phim đều mang đến những thông điệp về sự đa dạng văn hóa của 321 triệu người nói tiếng Pháp và qua ngôn ngữ điện ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc đã được thể hiện đầy sáng tạo.
1. Liên hoan có sự tham gia của 7 nền điện ảnh thành viên đến từ các nền điện ảnh Pháp ngữ, gồm: Việt Nam, Thụy Sĩ, Pháp, Canada, Tunisie, Wallonie-Bruxelles/Bỉ; với 7 bộ phim đặc sắc nhất, như: Điệu múa cuối cùng (Thụy Sỹ - Bỉ), Dưới tán những cây sung ngọt (Pháp - Tunisie -Thụy Sĩ - Đức/ Qatar); Bão lặng (Bỉ - Luxembourg); Thạch thảo (Việt Nam); Khởi nghiệp kiểu Pháp (Pháp); 14 ngày 12 đêm và Cô trông trẻ (Canada).
Bộ phim Điệu múa cuối cùng được chiếu khai mạc liên hoan gợi bao cảm xúc cho khán giả về vấn đề gia đình có tính toàn cầu.
Nội dung phim xoay quanh người đàn ông 75 tuổi yêu vợ dường như không có giới hạn tuổi tác. Vốn sống khép kín, người vợ đã bù đắp cho ông tất cả những cảm xúc yêu thương. Ông bà yêu nhau, bên nhau tưởng chừng không có giới hạn về tuổi tác khi bên nhau chia sẻ, chuyện trò. Bà chăm ông chu đáo, hiểu đến tận cùng cảm xúc. Cho đến một ngày bà đột ngột ra đi, ông thực sự hẫng hụt, buồn bã, chếnh choáng. Quan tâm, lo lắng cho ông, con cháu dù bận bịu đến mấy vẫn cố gắng chia thời gian hợp lý để chăm sóc ông. Hàng ngày, ông viết thư cho bà bộc lộ cảm xúc yêu thương, nhớ nhung.
Để thực hiện lời hứa với người bạn đời yêu dấu của mình, ông đã nhận vai diễn trong một vở múa đương đại. Ông đã bí mật, lặng lẽ giấu giếm, thực hiện cho bằng được điệu múa cuối cùng.
Cũng chủ đề gia đình là phim Bão lặng (Les Intranquilles) của điện ảnh Bỉ, Luxembourg, Pháp do Joachim Lafosse đạo diễn, sản xuất năm 2021, có thời lượng 114 phút. Nội dung phim nói về một họa sĩ tài năng Damien. Damien và Leila yêu nhau say đắm. Họ có một gia đình hòa thuận, yên ấm với đứa con trai khôi ngô, thông minh và rất hiểu chuyện. Cho đến một ngày gia đình đối mặt với bao sóng gió, phiền toái khi Damien thường xuyên bị rối loạn lưỡng cực, khó kiểm soát cảm xúc...
Bão lặng từng ghi dấu ấn tại LHP Cannes 2021 khi tranh giải chính thức cho giải thưởng cao nhất (Cành cọ vàng); nhận đề cử về diễn xuất cho cặp nam-nữ chính tại LHP Ceasar 2022.
Phim 14 ngày 12 đêm (14 jours 12 nuits) do điện ảnh Canada sản xuất năm 2019; Jean-Philippe Duval đạo diễn, có thời lượng 99 phút, lấy bối cảnh tại Việt Nam. Nội dung phim xoay quanh tình huống năm 1991, vợ chồng Isabelle (người Pháp) đến Việt Nam nhận một bé gái làm con nuôi. Vợ chồng Isabelle đặt tên bé là Clara. Gia đình Isabelle đã sống hạnh phúc ở Québec cho đến khi Clara gặp tai nạn và qua đời.
Quá đau buồn, Isabelle đã bay đến Hà Nội để khám phá quê hương của con gái và tìm gặp cha mẹ đẻ của con. Bà biết được thông tin và địa chỉ của mẹ đẻ của Clara là cô Thúy. Thúy hiện là hướng dẫn viên nói tiếng Pháp của một văn phòng du lịch.
Isabelle đã đăng ký tham gia tour du lịch do Thúy hướng dẫn để tìm hiểu về con người và cuộc sống của Thúy. Isabelle đã giấu chuyện về Clara, âm thầm quan sát cuộc sống của Thúy. Qua chuyến đi, hai người trở nên thân thiết hơn và kể cho nhau nghe những điều thầm kín nhất của mình. Isabelle khám phá ra Thúy không hề bỏ rơi con gái, mà bị chính bà của cô tước mất đứa con gái ruột vì bố đứa bé là người Pháp, người mà bà luôn coi là kẻ thù.
Bộ phim được đề cử Giải Màn ảnh Canada cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
2. Là quốc gia tham gia cộng đồng Pháp ngữ năm 1997, Việt Nam tham gia Liên hoan phim lần này với bộ phim Thạch Thảo. Phim do Mai Thế Hiệp đạo diễn, được Galaxy M&E sản xuất năm 2018, khởi chiếu ngày 14/11/2018.
Nội dung phim Thạch Thảo lấy đề tài tuổi học trò, nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ gia đình, bạn bè xung quanh người trẻ ở độ tuổi này. Bộ phim là chuyện tình học đường vô cùng lãng mạn, với những rung động đầu đời tinh khôi; là tình bạn bè, tình thầy trò được truyền tải nhẹ nhàng. Bên cạnh những câu chuyện dễ thương của tuổi học trò, diễn biến trong Thạch Thảo chứa nhiều kịch tính khiến khán giả thót tim. Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ làm bối cảnh cho nhiều câu chuyện về tình cảm gia đình, tình bạn ở tuổi học trò. Đặc biệt, đoàn phim đã tiến hành gieo trồng hoa từ nhiều tháng trước thời điểm bấm máy để có cánh đồng hoa thạch thảo tím ngắt trên triền đồi làm bối cảnh.
Bộ phim xoay quanh những người bạn, trong đó có hai nhân vật làm nên tên bộ phim Thạch Thảo: Thạch (diễn viên Tùng Maru) và Thảo (diễn viên Bích Ngọc). Thạch là cậu học sinh từ Sài Gòn theo anh trai (diễn viên Lê Khắc Minh) lên Kon Tum. Thạch được phân công vào học lớp do chính anh trai dạy và làm chủ nhiệm. Trong lớp, Thạch để ý đến Thảo cùng - cô bạn gái xinh đẹp cùng lớp.
Trúng phải "bùa yêu", Thạch càng quan tâm, lẵng nhẵng theo sau, đỡ cho Thảo bị nhóm bạn gái dằn mặt chỉ vì xinh đẹp. Chính vì theo Thảo, Thạch mới quyết tâm tìm hiểu, biết hoàn cảnh éo le, nhiều nỗi niềm riêng khó giãi bày của Thảo. Cũng chính từ đó, nhiều điều bí mật đã được mở ra...
3. Ngoài 4 bộ phim chính kịch, 3 bộ phim Khởi nghiệp kiểu Pháp, Dưới tán những cây sung ngọt, Cô trông trẻ đều là phim hài.
Khởi nghiệp kiểu Pháp (Les 2 Alfred, Pháp) do Bruno Podalydès đạo diễn, được sản xuất năm 2020. Bộ phim có thời lượng 92 phút xoay quanh tình huống éo le của Alexandre - một người đàn ông thất nghiệp. Anh gặp gặp rắc rối trong cuộc hôn nhân và chỉ có hai tháng để chứng minh với vợ là có thể chăm sóc hai con nhỏ, độc lập về tài chính. Trớ trêu, The Box - một công ty khởi nghiệp thuê Alexandre làm thử việc với một điều kiện là "không có con". Thêm nữa, Séverine - cấp trên tương lai của anh là một "chúa tể hắc ám" với tính cách nổi loạn.
Còn Dưới tán những cây sung ngọt (Sous les figures) là sản phẩm của điện ảnh Tunisie, Pháp, Thụy Sỹ, Đức, Qatar sản xuất năm 2022, do Erige Sehiri đạo diễn.
Nội dung phim nhẹ nhàng, không có tình tiết mâu thuẫn cao trào, thậm chí cảnh đơn điệu trong không gian các cô gái miền Tây Bắc Tunisie đang thu hái sung ngọt. Dưới tán cây sung ngọt là một cuộc sống thể hiện trong nhịp sống lao động. Xoay quanh những câu chuyện, các chàng trai, cô gái vừa hái sung, vừa tán tỉnh, trêu chọc, ghen tuông, cãi cọ, hờn giận... Câu chuyện không đầu, không cuối, cũng chẳng cần phải giải quyết. Ngày cứ trôi đi, và trang trại trở thành sân khấu ngập tràn cảm xúc, với những giấc mơ và hy vọng của từng con người.
Bộ phim được trình chiếu tại Tuần lễ Đạo diễn - Liên hoan Phim Cannes 2022.
Bộ phim Cô trông trẻ (Babysitter, Canada) do Monia Chokri đạo diễn, được sản xuất năm 2022 mang đến âm hưởng hài hiện đại, hướng đến đại chúng. Phim có thời lượng 87 phút với sự tham gia của các diễn viên: Steve Laplante, Ève Duranceau, Hubert Proulx...
Sau khi một trò đùa phân biệt giới tính lan truyền, Cédric, một ông bố trẻ, kỹ sư của công ty Ingénierie Québec đã bị chủ đình chỉ công việc. Để chuộc lỗi, anh bắt đầu viết một cuốn sách gồm những bức thư xin lỗi phụ nữ cùng với sự giúp đỡ của anh trai - Jean-Michel. Quá trình viết sách giúp Cédric hiểu rõ hơn về nguồn gốc sự phân biệt giới tính và khinh ghét phụ nữ trong anh. Trong khi đó, vợ anh - Nadine, bị trầm cảm, quyết định rút ngắn thời gian nghỉ sinh. Hai người thuê một cô trông trẻ. Sự xuất hiện của cô trông trẻ Amy với vẻ tinh nghịch và quyến rũ khiến mọi thứ bị đảo lộn...
***
Là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3 hằng năm, LHP Pháp ngữ lần thứ 13 tại Việt Nam là dịp cùng nhau sẻ chia sự đa dạng điện ảnh và văn hóa của Cộng đồng Pháp ngữ. Đến nay, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã có hành trình 53 năm với sứ mệnh là phát triển tiếng Pháp, sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, thúc đẩy hòa bình và tiến bộ xã hội, hỗ trợ giáo dục, nghiên cứu và phát triển hợp tác đa phương trên toàn thế giới. Liên hoan đã trở thành một ngày hội của những người nói tiếng Pháp và yêu tiếng Pháp tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 53 năm Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3/1970 - 20/3/2023), LHP Pháp ngữ lần thứ 13 tại Việt Nam do Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; các Đại sứ quán Thụy Sỹ, Pháp, Canada và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tổ chức.