LHP Cannes 2021: Khẩu trang, phòng dịch Covid-19 và những vấn đề cấp bách toàn cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Các ngôi sao sẽ không hôn nhau trên thảm đỏ tại LHP Cannes năm 2021. Ngoài đại dịch Covid-19, bình đẳng giới và khí hậu cũng đang được chú ý tại LHP Cannes năm nay – được khai mạc vào ngày hôm nay (6/7) và kéo dài đến ngày 17/7.
Toàn cảnh LHP Cannes xem TẠI ĐÂY.
Sau khi bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch, LHP Cannes đang trở lại để tôn vinh tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất thế giới.
* Phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt
“Những người tham gia LHP đã ở Pháp 10 ngày để thực hiện cách ly, các nhà báo cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa rất cẩn trọng. Tất cả đều rất xúc động. Thế giới điện ảnh đang quay lại với nhau” - Giám đốc LHP Thierry Fremaux cho biết.
Trong những tháng đầu của đại dịch, Palais des Festivals, địa điểm chính của LHP ở miền nam nước Pháp, đã chật kín giường bệnh. Đầu năm nay, nơi này hoạt động như một trung tâm tiêm chủng.
Và giờ đây, sau khi bị hoãn lại vào tháng 5 đến với hy vọng sẽ kiểm soát được đại dịch, LHP danh giá nhất thế giới đã bắt đầu diễn ra.
- Sự trở lại đáng mong chờ của Liên hoan phim Cannes
- Liên hoan phim Cannes: Chọn 'đường đi khó' trong đại dịch
- Đạo diễn Spike Lee trở thành Chủ tịch Ban giám khảo của LHP Cannes
Đeo khẩu trang là bắt buộc trong toàn bộ khu vực LHP, cùng với việc xét nghiệm nhanh Covid-19 thường xuyên.
Giám đốc LHP đã thông báo rằng ông sẽ không chào đón các nhà làm phim và các ngôi sao bằng nụ hôn truyền thống trên má.
Nhưng ngoài đại dịch, các vấn đề như đại diện cho phụ nữ và bảo vệ khí hậu đã và đang trở thành tiêu đề chính.
* Năm “khả quan nhất từ trước đến nay” về bình đẳng giới
Số lượng phim do phụ nữ làm đạo diễn tranh giải chính là vấn đề thường xảy ra tại LHP Cannes và năm nay cũng không ngoại lệ khi chỉ có 4 phim trong số 24 phim tranh giải là của các đạo diễn nữ.
Trong toàn bộ lịch sử LHP Cannes, chưa bao giờ số lượng phim của các đạo diễn nữ tranh giải Cành cọ Vàng nhiều hơn con số 4. Chưa kể, cho đến nay mới chỉ có một nữ đạo diễn từng đoạt giải Cành cọ vàng, đó là Jane Campion với bộ phim The Piano hồi năm 1993.
Các cuộc biểu tình do phụ nữ tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào #MeToo tại LHP năm 2018 thực sự chưa có tác động rõ ràng đến đội hình cạnh tranh giải, mặc dù hiện có nhiều phụ nữ hơn trong các ủy ban tuyển chọn.
Như Sophie Monks Kaufman, đồng chủ tịch của nhóm gây áp lực Times Up UK Critics đã chỉ ra, “tỷ lệ đại diện cho nữ năm nay kém hơn so với năm 2019 khi lượng phim tham gia tranh giải đã tăng từ 21 lên 24”.
“4 đạo diễn nữ trong cuộc đua tranh giải năm nay - tôi là người đầu tiên nghĩ rằng như vậy là chưa đủ” - Giám đốc LHP Fremaux nói với AFP.
Ông Fremaux nhấn mạnh: “Sẽ không bao giờ có bộ phim nào được chọn dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của đạo diễn. Nhưng nếu chúng tôi đang lưỡng lự giữa hai bộ phim và một bộ phim là của đạo diễn nữ thì chúng tôi sẽ chọn phim của nhà làm phim nữ. Cannes là LHP theo chủ nghĩa toàn cầu”.
Thực tế là các chương trình khác của LHP có sự lựa chọn cân bằng hơn, với khoảng 40 nhà làm phim nữ giới thiệu tác phẩm của mình trong chương trình. Tuy nhiên, các nhà tổ chức nhấn mạnh rằng lựa chọn năm nay là “tốt nhất từ trước đến nay với năm 2019” về đại diện giới tính.
3 trong số các nữ đạo diễn tranh giải Cành cọ vàng năm nay là người Pháp, gồm Mia Hansen-Love với phim Bergman Island, Catherine Corsini với The Split và Julia Ducournau với Titane.
Nhà làm phim nữ thứ 4 trong cuộc đua tranh là đạo diễn người Hungary Ildiko Enyedi, người đã giành giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 2017 với bộ phim được đề cử Oscar On Body and Soul.
Năm nay, Enyedi tranh giải Cành cọ Vàng với phim The Story of My Wife do Lea Seydoux thủ diễn chính.
* Ban giám khảo đa dạng
Thành phần Ban giám khảo xét chọn giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm nay cũng đánh dấu những nỗ lực của ban tổ chức LHP nhằm hướng tới sự đa dạng hơn.
Ban giám khảo năm nay gồm 5 phụ nữ và 3 người đàn ông thuộc 7 quốc tịch đến từ năm châu lục, gồm đạo diễn người Pháp gốc Senegal Mati Diop, ca sĩ người Pháp gốc Canada Mylene Farmer, diễn viên kiêm nhà sản xuất phim người Mỹ Maggie Gyllenhaal, đạo diễn kiêm nhà biên kịch người Áo Jessica Hausner, diễn viên Pháp Melanie Laurent, đạo diễn kiêm nhà phê bình phim Brazil Kleber Mendonca Filho, diễn viên Pháp gốc Algeria Tahar Rahim và nam diễn viên Hàn Quốc Song Kang Ho.
Trưởng ban giám khảo là Spike Lee - nhà làm phim Mỹ da màu đầu tiên đảm nhiệm cương vị này.
* Những nỗ lực mang tính biểu tượng cho hành tinh
Mặc dù trọng tâm của năm qua là kiểm soát tình hình đại dịch, tình trạng khẩn cấp về khí hậu vẫn là vấn đề cấp bách của nhân loại.
Thực tế mà nói, ngành công nghiệp điện ảnh không có thành tích đáng kể khi nói đến bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong năm nay LHP Cannes vẫn đang thúc đẩy những nỗ lực mới nhằm giảm lượng khí thải CO2 và chất thải.
Cùng với một chương trình đặc biệt gồm các bộ phim tập trung vào bảo vệ khí hậu, chai nhựa đã được loại bỏ hoàn toàn, các loại xe điện và hybrid chiếm 60% trong đội xe chính thức của hãng, thậm chí số lượng thảm đỏ cũng được giảm bớt.
Bất chấp các biện pháp mang tính biểu tượng, các liên hoan phim “khét tiếng” là nơi tổ chức các sự kiện tạo ra hàng tấn chất thải, với các ngôi sao bay từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự.
Chẳng hạn như nam tài tử Hollywood Leonardo DiCaprio đã bay từ Mỹ bằng máy bay riêng đến Cannes để nhận giải thưởng về môi trường tại LHP năm 2016. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây anh cũng đã tập trung vào chiến dịch bảo vệ môi trường.
Nhưng với việc hạn chế đi lại do Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác nhau, nhiều nhà làm phim thậm chí không thể tham gia LHP năm nay.
Việt Lâm
Tổng hợp