Leo Messi trốn thuế nhưng vẫn vĩ đại
(Thethaovanhoa.vn) - Có sự khác biệt về định nghĩa về nghề kế toán giữa những quốc gia Nam Mĩ và châu Âu. Và đó là cỗi rễ của vụ Messi trốn thuế và nhận án 21 tháng tù.
Trong một công ty quản lý đại diện cho một ngôi sao thể thao thì quy mô dù nhỏ hay lớn vẫn có mấy người quan trọng là luật sư và kế toán. Họ là người thực thi những chỉ đạo của sếp, thường là đại diện của ngôi sao thể thao.
Khởi nguồn của của vấn đề này là gì nếu không phải là quan niệm về thuế. Hay nói đúng hơn là cách sử dụng thuế nộp bởi các cá nhân hay tập thể - điều mà người ta có thể dễ dàng thấy rằng nó có sự khác biệt rất lớn ở các xã hội có mức độ phát triển khác nhau.
Messi đã vướng vào rắc rối về thuế
Messi và gia đình anh là trường hợp điển hình của sự trải nghiệm ở hai nền văn hóa, hai xã hội với những thể chế khác biệt và trở thành mầm mống của những quyết định sai làm khó tha thứ.
Messi rời Argentina tới Tây Ban Nha khi còn nhỏ, nhưng cha anh thì chẳng có lý do gì để phải chịu ảnh hưởng gì từ những nền văn minh khác ngoài Argentina cả.
Tháng 7 năm 2010, hàng ngàn CĐV Argentina đổ bổ sang Brazil, và phần nhiều trong số họ là những người lao động vất vả nhưng họ tiết lộ rằng điều họ phải tốn công sức nhất là gom được những đồng đô la Mỹ để có thể chi tiêu trên hành trình ở Brazil.
“Anh cần phải trả nhiều hơn, thậm chí có lúc gấp rưỡi so với giá niêm yết trong ngân hàng để mua đồng đô la Mỹ trên những thị trường chợ đen. Còn những ai có ngoại tệ mạnh, chỉ cần mang ra chợ đen bán cũng kiếm bộn”, chàng CĐV người Buenos Aires đã kể như thế khi anh loay hoay tìm chỗ ngủ và nấu ăn trên hè phố bãi biển Rio nổi tiếng Copacabana. Năm ngoái, khi chính phủ quyết định thả nổi đồng peso, giá trị của nó mất thêm 30% sau khi đã mất đi một giá trị lớn.
Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống mới đắc cử Mauricio Macrisau đã nói rằng tham nhũng ăn sâu vào mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.
Nhưng chính ông có tên trong vụ “Hồ sơ Panama” và bị điều tra, để rồi ông phải phân trần rằng toàn bộ các công ty thuộc các thành viên trong gia đình ông thành lập ở Bahamas không có liên quan gì tới ông cả.
Còn cựu nữ Tổng thống Fernandez bị Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio triệu tập đến tòa để lấy lời khai liên quan tới một vụ bán tiền USD của Ngân hàng Nhà nước Argentina (BCRA) trước khi bà này kết thúc nhiệm kỳ hồi đầu tháng 12/2015.
Giữa năm 2014, Phó Tổng thống Amado Boudou đã bị cáo buộc tham nhũng trong vụ làm ăn với một công ty in tiền khi ông còn là Bộ trưởng Tài chính hồi năm 2010.
Các vụ phanh phui tham nhũng trong ngành an ninh khui ra cả trăm sĩ quan có các hành vi vi phạm những tiêu chuẩn về sự liêm chính.
Argentina của giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 là bài học điển hình về nợ công cho toàn thế giới mỗi khi IMF hay World Bank muốn một quốc gia nào đó trước khi vay tiền phải tham khảo.
Argentina là một trong những quốc gia phát triển bậc nhất Nam Mĩ, văn minh và có nguồn gốc từ châu Âu là chủ yếu. Nhưng bức tranh kinh tế, xã hội và chính trị ấy cho thấy Argentina đang trong một giai đoạn khó khăn và giai đoạn ấy, tiếc rằng, nó kéo dài hàng thập kỷ để cho trong tâm trí của người Argentina rằng tiền đóng thuế của họ không hẳn là để phục vụ xã hội, thực hiện các chính sách cho người nghèo nếu không muốn nói rằng sẽ có những ai đó đánh cắp tiền thuế của họ.
Messi là một người Tây Ban Nha, người Argentina không ưa Messi thường nói như thế. Nhưng Tây Ban Nha cũng không phải là chuẩn mực bậc nhất trong các xã hội châu Âu.
Khi Beckham tới Real Madrid, đội bóng không chỉ đại diện cho tầng lớp giàu có ở Thủ đô Tây Ban Nha, mà nó còn có sự gắn bó mật thiết với tầng lớp quan chức chính phủ, lập tức có một đạo luật thuế ra đời với những ưu đãi đặc biệt để rồi mức thuế thu nhập chỉ là 24% dành cho những đối tượng người nước ngoài có tài.
Messi vốn dĩ lại chịu ảnh hưởng lớn lao của xứ Catalan đang muốn tách khỏi Tây Ban Nha
Khi Beckham ra đi, đạo luật đó bị xóa bỏ và mới đây, thuế thu nhập ở Tây Ban Nha là 52%. Tức là nếu ai kiếm được 10 triệu euro thì người đó phải đóng cho nhà nước Tây Ban Nha 5,2 triệu euro. Mức thuế này ngang ngửa hoặc xấp xỉ với hàng loạt những nước Bắc Âu hoặc Tây Âu, nơi mà các chính sách xã hội cao vút và tham nhũng chưa bao giờ là vấn nạn như Hà Lan, Áo, Thụy Điển…
Trong một động thái mới nhất, cảnh sát Tây Ban Nha vừa thực hiện hiện một cuộc điều tra với 50 tòa thị chính và hàng loạt các vụ bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng.
Đây là vụ bê bối “vĩ đại” nhất kể từ năm 2010, thời điểm mà khoảng 100 nhân vật trong đó có các nhà tài phiệt, ông chủ thầu và cả những thị trưởng phải đứng trước vành móng ngựa vì tham nhũng, hối lộ…
Một người nước ngoài sẽ nghĩ gì khi phải đóng hàng chục triệu euro tiền thuế thu nhập cho một chính quyền xa lạ như vậy là điều mà người ta có thể đặt câu hỏi.
Messi vốn dĩ lại chịu ảnh hưởng lớn lao của xứ Catalan đang muốn tách khỏi Tây Ban Nha vì họ cho rằng họ đang phải cõng cả nền kinh tế Tây Ban Nha trong khi Catalan nếu đứng một mình sẽ giàu có và các chính sách công, phúc lợi xã hội sẽ trở nên tối ưu.
Hoàn cảnh sinh anh hùng. Hoàn cảnh cũng sinh tội phạm. Đó là điều thật khó có thể phủ nhận dù cho nếu vượt qua được hoàn cảnh thì vĩ đại hơn nhiều.
Hãy nhìn sang Conte, HLV của tuyển Italy vừa gây ấn tượng mạnh mẽ ở EURO trước khi sang Chelsea mà dưới chân của ông là những tấm thảm đỏ. Conte cũng đã phải ra tòa vì biết dàn xếp tỉ số ở đội bóng của mình mà im lặng.
Italy là xã hội của những công trình, phong cảnh những thương hiệu, nền nghệ thuật vĩ đại nhưng cũng là đất nước của mafia, tham nhũng và thiên đường của những “công ty hai ngón”. Đất nước ấy, nền bóng đá ấy cũng sản sinh ra những con người vĩ đại với đầy đủ các mâu thuẫn tồn tại trong họ.
Có một câu nói khá phổ biến từ những người yêu bóng đá Italy rằng sự yêu ghét trong bóng đá chỉ nên gói gọn trên sân cỏ, nơi mà các HLV phải thể hiện trí lực, còn cầu thủ thể hiện tài năng là kỹ năng rê dắt, chuyền và sút bóng.
Nếu cũng nhìn như thế, Leo Messi vẫn là một biểu tượng, vì anh không chỉ là thiên tài mà trên sân cỏ, anh chưa bao giờ lừa dối hay gian lận ai điều gì!
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần