Lễ Vu lan được tổ chức trực tuyến: Đừng nghĩ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức đại lễ Vu lan trực tuyến, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực thay vì cúng lễ tốn kém, hình thức.
Tháng 7 hằng năm là tháng Vu lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của phật tử mà của nhân dân nhằm tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây là sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam.
Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến
Trao đổi với Văn Hóa về tinh thần mùa Vu lan giữa đại dịch Covid-19, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, dịch bệnh này về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến cục bộ ở một số địa phương, vì vậy tinh thần chung của Hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nhắc nhở thực hiện tốt việc phòng, chống dịch.
Giáo hội khuyến cáo các Ban Trị sự thực hiện theo tình hình thực tế và yêu cầu của địa phương. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nơi vẫn tổ chức đại lễ Vu lan nhưng có những tỉnh Giáo hội có văn bản yêu cầu không tổ chức. Trong đợt dịch trước, Giáo hội đã tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến. Đến mùa lễ Vu lan, khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn, Giáo hội tiếp tục khuyến khích các khóa lễ Vu lan, lễ hội Bông hồng cài áo tổ chức dưới hình thức trực tuyến. “Việc cầu siêu cho cửu huyền thất tổ và các anh hùng liệt sĩ diễn ra theo tinh thần giãn cách xã hội, không tập trung đông phật tử và được truyền hình trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, bao gồm mạng xã hội Butta và các kênh khác. Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các nhà sư làm lễ. Như vậy vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân...”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Vào tối 1.9 (tức 14 tháng 7 âm lịch) Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức lễ Vu lan ba miền qua cầu truyền hình trực tuyến không khán giả, từ ba điểm cầu tại chùa Quán Sứ, chùa Giác Ngộ và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên). Thông qua hình thức tổ chức này, khán giả ở mọi vùng miền và Việt kiều đều có thể theo dõi các nghi lễ, được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Các phật tử và đông đảo người dân cũng sẽ có mùa lễ trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch.
Báo hiếu thế nào cho đúng trong mùa Vu lan?
Trong văn bản mới nhất của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện đại lễ Vu lan, Giáo hội đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh an sinh xã hội, tham gia ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh. Việc từ thiện vốn được làm thường xuyên nhưng thời gian này cần tập trung cao hơn. Đạo Phật có tứ ân, ta không chỉ ơn cha mẹ, ơn Tam Bảo mà còn ơn Tổ quốc, ơn các anh hùng liệt sĩ.
- Mâm cỗ cúng Vu Lan, Xá tội vong nhân rằm tháng 7
- Rằm tháng 7, Lễ Vu Lan, xá tội vong nhân trong tâm thức người Việt
- Bài cúng Rằm tháng 7, Lễ Vu lan, Lễ Xá tội vong nhân
Vừa nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, nhưng nhiều người dân và phật tử cũng lo lắng cho rằng không trực tiếp tới các chùa hành lễ sẽ không trọn vẹn lòng thành kính. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng cần có những cách tuyên truyền, vận động nhân dân, phật tử có cách nhìn nhận đúng đắn. Bởi Phật ở trong tâm. Không phải sắm sửa lễ nghi thật lớn mới là lòng thành. Thượng tọa Thích Đức Thiện nói rằng, không cần lo tổ chức trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không. Vu lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc. Ai mà cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên. Như thế thì dù có ở đâu cũng có thể bày tỏ tấm lòng thành. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Trưởng ban-Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phân tích nguồn gốc của lễ Vu lan trong đạo Phật, nhấn mạnh, lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuần lễ Vu lan vào dịp tháng 7 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 7. Tinh thần của đại lễ Vu lan trong đạo Phật là dạy con người sống thực hiện việc báo ân - báo hiếu, Phật dạy con người có 4 ân nặng (tứ trọng ân): Ân phụ mẫu sinh thành (ân cha mẹ), Ân thầy bạn dạy răn, Ân quốc gia xã hội, Ân chúng sinh đồng loại. Như vậy, lễ Vu lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn mang tính xã hội, tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống văn hóa thiêng liêng, là ngày lễ có sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và các nước Á Đông theo Phật giáo.
Trên thực tế, vào dịp lễ Vu lan, không ít người dâng lễ cúng linh đình, thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết đạo hiếu và ý nghĩa báo ân trong mùa Vu lan. Lễ Vu lan tổ chức vào rằm tháng 7 trùng với tết Trung nguyên theo phong tục Trung Hoa là ngày mở cửa ngục (xá tội vong nhân) nên dân gian hay gọi tháng 7 là tháng cô hồn. Vì theo thuyết này vào dịp rằm tháng 7 là dịp mọi người tiến cúng phẩm vật không chỉ cho gia tiên tiên tổ mình mà còn tiến cúng cho thập loại cô hồn (tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân). Tinh thần này được thể hiện rõ trong văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du, một tác phẩm thể hiện hài hòa tinh thần báo ân, báo hiếu của Đạo Phật và tư tưởng hiếu đạo của Đạo Nho.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết, tại Quảng Ninh 100% các chùa đều tổ chức lễ Vu lan trực tuyến, không tập trung đông người. Thượng tọa cũng nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ rềnh rang, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ không tốt, thậm chí hắt hủi cha mẹ, ông bà. Theo ông, đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. “Trong kinh Phật dạy: “Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.
Theo Báo Văn hóa