Lê Nguyên Vỹ và nỗi niềm nghệ thuật thạch ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến cái tên Lê Nguyên Vỹ, giới văn nghệ sỹ Đà Nẵng không ai còn là xa lạ. Bởi ông từng thành công với việc in 1.000 chữ trên khoảng 4cm2 đá, bên cạnh hình ảnh còn có những tác phẩm văn học đặc biệt được in lên đá, lá cây, như Bình Ngô đại cáo.
Kỷ lục gia thạch ảnh Lê Đức Vỹ tên thường gọi là Lê Nguyên Vỹ (SN 1950, Đà Nẵng), được biết đến nổi tiếng là người đầu tiên in ảnh lên đá ở Việt Nam. Trong một lần mày mò sáng tạo tác phẩm mới, để tạo ra những tác phẩm giá trị hơn, sâu sắc hơn, ông đã thực hiện thành công việc đưa tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi in lên thạch ảnh và diệp ảnh.
Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" in lên diệp ảnh
Điều đặc biệt nhất có lẽ là bởi ông đã in hơn 300 tác phẩm Bình Ngôđại cáo lên thạch ảnh, diệp ảnh với nhiều ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Trung, trên nhiều kích cỡ đá, lá cây khác nhau để tác phẩm có thể truyền đi được xa nhất. Chính những tác phẩm của ông đã đưa hòn đá vô tri vô giác trở nên có giá trị lớn lao. Tuy nhiên, để nghệ thuật thạch ảnh đến được với công chúng là cả quá trình khó khăn chưa dừng lại.
"Bình Ngô đại cáo" in lên những viên đã có kích thước chỉ lớn hơn ngón tay cái
Cũng như hàng nghìn tác phẩm mà ông đã làm nên trước đó, từ chọn ảnh, lựa đá, phóng ảnh màu, tráng hóa chất, mỗi công đoạn luôn đòi hỏi ở ông sự cẩn thận, tỷ mẩn. Để có được tác phẩm thạch ảnh Bình Ngô đại cáo, ông cũng mất vài ba tháng trời.
Nói về lý do chọn tác phẩm Bình Ngô đại cáo in thạch ảnh/diệp ảnh, ông chia sẻ: "Sở dĩ cùng một lúc tôi đưa tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ra bản in thạch ảnh, diệp ảnh bằng ba ngôn ngữ khác nhau (Tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh) và in trên nền bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay nền là chân dung Nguyễn Trãi... bởi tôi muốn thông qua một sản phẩm du lịch để nói lên một thông điệp quan trọng với bạn bè quốc tế, người Việt ở nước ngoài về chủ quyền của đất nước.
Kỷ lục gia Lê Nguyên Vỹ
Ban đầu thạch ảnh có vẻ khó vận chuyển đối với khách du lịch nên tôi bắt đầu in tác phẩm lên diệp ảnh, lúc này du khách có thể mang những thông điệp về đất nước Việt Nam đi khắp thế giới. Không chỉ tác phẩm thạch ảnh, diệp ảnh Bình Ngô đại cáo mà tất cả những tác phẩm tôi làm nên đều mang một thông điệp nhất định, về mặt văn hóa - lịch sử, tôi không coi những tác phẩm này nhằm để mục đích kinh doanh, bởi là người nghệ sĩ tôi luôn mong muốn được đóng góp sức mình cho xã hội".
Để học nghề, Lê Nguyên Vỹ đã phải cất công tìm hiểu, mày mò hơn 15 năm trời. Năm 2006, ông chính thức trình làng tác phẩm thạch ảnh đầu tiên in hình bà xã và nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng.
Những tác phẩm thạch ảnh, diệp ảnh luôn được ông nâng niu, trân trọng
Sau đó, những tác phẩm tranh của họa sĩ nổi tiếng người Pháp Bouguereau hay bức tranh về Guevara cũng bắt đầu xuất hiện trên thạch ảnh của ông. 5 năm sau, những tác phẩm về diệp ảnh, in hình trên lá được ra mắt, gây bất ngờ cho công chúng.
Tác phẩm đầu tiên ông trình làng giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng là in hình bà xã
Chính những nỗ lực, sức sáng tạo đã mang lại cho Lê Nguyên Vỹ một gia tài đồ sộ là những kho đá, những vỏ sò và những tác phẩm có một không hai. Để có được gia tài ấy, đã có lúc ông phải thế chấp nhà cửa, xe máy, chịu cảnh nợ nần chồng chất. Năm 2007, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam vinh danh Lê Nguyên Vỹ là người đầu tiên và duy nhất thành công trong việc làm thạch ảnh ở Việt Nam, hàng nghìn tác phẩm của ông đã theo chân du khách đi đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông được xác lập Kỷ lục gia Việt Nam vào năm 2007
Trước đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã từng tạo điều kiện cho Lê Nguyên Vỹ giới thiệu sản phẩm tại bảo tàng Chăm, Đà Nẵng, tuy nhiên, vì một số lý do trong đó có việc trùng tu bảo tàng Chăm, gian hàng lưu niệm thạch ảnh đã phải chuyển về tại nhà riêng của ông, trong một ngõ hẻm tại số 169 Ngô Quyền, Q. Sơn Trà.
Sau hàng chục năm trời lặn lội với cái nghề mà ông được gọi là kỷ lục gia, với những khó khăn, thăng trầm, những tác phẩm của ông dường như vẫn còn có những bế tắc, trên hết là một sự ủng hộ từ nhiều cơ quan chức năng, Mạnh Thường Quân. Để đưa sản phẩm phát triển và mở rộng hơn nữa, có lẽ thay vì trông chờ, đến lúc kỷ lục gia cũng phải tìm cho mình một con đường tự lập riêng, đó cũng là cách thể hiện sự dấn thân cho một sứ mệnh đã chọn - nghệ thuật thạch ảnh.
Để sáng tạo ra thạch ảnh ông mất hàng chục năm trời mày mò, nhưng diệp ảnh chỉ chưa đầy 1 năm
Những tác phẩm văn thơ, hình ảnh được ông đưa lên đá rất nhẹ nhàng, gần gũi
Từ hình ảnh thiếu nữ Việt trong tà áo dài trắng ấn tượng...
... đến người nông dân Việt Nam, tất cả ông đều có thể tái hiện lên diệp ảnh
Hoàng Yến