Lê Khánh - chuyện của 'một cuộc đời bị đánh cắp'
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2010, sân khấu IDECAF tái dựng vở Một cuộc đời bị đánh cắp - một kiệt tác của Nhật - và đưa cô đào trẻ măng Lê Khánh đóng vai chính làm khán giả bất ngờ. Lê Khánh quen thuộc trong mắt người xem với nhiều vai hài duyên dáng, vậy mà lần này gánh một vai bi kịch quá nặng, và từ đó xoay chuyển cái nhìn của khán giả về tài năng của cô.
1. Tại Việt Nam, vào thập niên 1980, Một cuộc đời bị đánh cắp đã được đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng cho sân khấu 5B với vai chính là cô đào Minh Trang lừng lẫy. Tên tuổi Minh Trang- Thành Lộc thêm một nét son với nhân vật Kay và Aydi. Khán giả 5B đã khóc hết nước mắt với bi kịch thấm đẫm triết lý nhân sinh.
Đến 2010, sân khấu IDECAF mời đạo diễn Trần Minh Ngọc tái dựng vở này, và ê kíp mới chính là Lê Khánh - Lương Thế Thành trong vai Kay-Aydi, còn NSUT Thành Lộc đảm nhiệm vai Xitaro chồng của Kay. Nhưng người xem không hề thất vọng với lớp trẻ, và bao nhiêu nước mắt cũng đổ xuống cho những thân phận bị cuốn xoáy trong vòng quay cuộc đời.
Cuộc đời đó là của Kay, một cô gái nghèo bị truy đuổi vì thiếu nợ, rồi chạy lạc vào gia đình hãng buôn Xuxumi. Câu chuyện lấy bối cảnh từ những năm 1905 - 1945, giai đoạn mà Nhật Bản phát triển rực rỡ nhưng cũng phải đối mặt với những hệ lụy từ chiến tranh, cũng như sự chi phối của đồng tiền. Và hãng buôn Xuxumi là bối cảnh cho những thân phận phát triển, nổi trôi, đau đớn. Ở đó, bà chủ Xidu (NSUT Hoàng Trinh) đã yêu mến cô bé mồ côi Kay, giữ lại làm người giúp việc, rồi cưới luôn cho con trai đầu là Xitaro (NSƯT Thành Lộc). Kay thầm yêu cậu em chồng Aydi, nhưng vì ơn nghĩa nên bằng lòng lấy Xitaro. Rồi cô quá giỏi giang nên quán xuyến luôn cả hãng buôn, trở thành một nhà tư bản xuất sắc. Nhưng dần dần, đồng tiền đã làm Kay thay đổi, cô tàn nhẫn hơn, lạnh lùng hơn, bỏ quên gia đình. Càng giàu có, càng cô độc, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra và làm sụp đổ mọi thứ, Kay trở thành bà lão nghèo trơ trọi không có người thân.
Ở vở diễn ấy, cuộc đời thanh xuân, hồn nhiên của Kay đã bị đồng tiền và chiến tranh lấy mất. Nhiều cuộc đời khác cũng bị cuốn theo cô. Khi bánh xe lịch sử đã nghiền nát những thân phận nhỏ bé, khán giả xem không chỉ để khóc, mà còn để thấu hiểu, đau đớn, và cảnh giác với những gì có thể xảy đến ở một xã hội kim tiền.
2. Thật sự Lê Khánh khi vào vở hãy còn quá trẻ, và so với nghệ sĩ Minh Trang đã từng đóng nhiều vai nặng ký, thì cô chưa nhiều trải nghiệm như thế. Lê Khánh có duyên hài, cho nên dù vào những vai chính kịch thì cô cũng gây tiếng cười cho khán giả, chính điều đó khiến người ta ấn tượng Lê Khánh về hài mạnh hơn. Giao nhân vật Kay cho Lê Khánh cũng là một táo bạo của đạo diễn Trần Minh Ngọc.
Và quả thật, ông có con mắt xanh. Lê Khánh đã bước vào một thử thách khắc nghiệt, để rồi khán giả bị cô cuốn đi từ lúc tuổi non tơ, tóc xanh, môi thắm, cho tới lúc trở thành người phụ nữ quyền lực với đôi mắt lạnh lùng, giọng nói đanh thép, rồi khi trở thành bà lão lưng còng hiu hắt đếm thời gian, mòn mỏi chờ mong những bóng hình thân yêu xưa cũ, hoài nhớ những phút giây đầm ấm hiếm hoi mà mình đã phủi tay ruồng bỏ… Khán giả xem một hồi, không còn “nhớ” Lê Khánh nữa, chỉ còn “thấy” một Kay quay cuồng với tâm địa của mình, quăng cuộc đời mình ra dòng xoáy mà không hề hay biết, không hề tiếc thương. Kay là nạn nhân nhưng cũng chính là thủ phạm của bi kịch.
Lớp diễn hay nhất là khi Kay đối thoại với Xitaro, người chồng an phận, nhưng kỳ thật lại là người mang lý tưởng sống nhẹ nhàng, giản dị, chọn thứ hạnh phúc bình thường. Vừa yêu thương chồng, nhưng cũng vừa xem thường ông, Kay đã chiến thắng Xitaro bằng những lập luận háo thắng nhất. Nhưng khi cuối đời, ông đã chết trong tay bà với sự tha thứ dịu dàng, và bà khóc với tất cả niềm yêu thương chân thành.
- Nữ diễn viên Lê Khánh: 'Không muốn khán giả cười bằng mọi giá'
- Lê Khánh: Nhút nhát ngoài đời, nổi loạn trên phim
- Lê Khánh: Mơ một vai diễn trên màn ảnh rộng
Lớp diễn hay nữa là khi Kay gặp lại Aydi, người yêu cũ, cũng là em chồng, đang đấu tranh cho quyền lợi của công nhân nghèo khó, và đang bị truy lùng. Tình yêu cháy lên sau bao nhiêu năm dồn nén, nhưng tình yêu đó không đủ chiến thắng sức mạnh đồng tiền. Kay gạt nước mắt để trở lại là một bà chủ kiên quyết bảo vệ quyền lợi tư bản, đẩy Aydi vào tù. Lớp diễn này rất kịch tính, tâm lý Kay xoay chuyển phức tạp, khi yếu đuối, tình cảm, khi nữ tính, ngọt ngào, nhưng rồi vẫn sắt đá, thủ đoạn. Lê Khánh không hề “lên gân”, bởi vì chỉ cần cố gắng một chút, diễn lố một chút, là sẽ thấy giả. Những tích tắc tâm lý tinh tế đều được tính toán rất kỹ, và diễn rất sâu qua đôi mắt của cô, để rồi khán giả bị thuyết phục bởi một tấn bi kịch không cần gào thét mà cuồn cuộn những đợt sóng trong đáy lòng.
Có thể nói đây là vai diễn để đời đầu tiên của Lê Khánh. Sau này cô có thêm vai Kim Liên trong vở Tiên Nga. Nhưng để diễn một vở kịch nước ngoài nặng ký như Một cuộc đời bị đánh cắp, có lẽ không có nhiều cơ hội cho những diễn viên sân khấu.
Hoàng Kim