Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022: 'Phiêu diêu' cùng tiên, rồng
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, dự án trưng bày nghệ thuật Tiên -rồng được tổ chức tại Không gian văn hóa 22 Hàng Buồm. Điểm nhấn là sắp đặt Mơ tiên tại phòng triển lãm Phiêu diêu, đem đến những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hình tượng tiên rồng của mỹ thuật dân gian Việt Nam.
1. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển của dự án Tiên -rồng. Lâu nay, các dự án của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức cộng đồng. Anh quan tâm đến những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình đô thị hóa.
Nhà nghiên cứu -nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế- tác giả của căn phòng Mơ tiên- đã có nhiều công trình nghiên cứu, dự án tập trung vào mối quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hóa qua nghệ thuật trang trí cổ truyền của người Việt. Cũng với hướng tiếp cận nghiên cứu đó, Mơ tiên trở thành căn phòng "tiếp biến" hình tượng tiên - rồng qua các tác phẩm nghệ thuật Việt từ dân gian đến hiện đại.
Bước vào căn phòng, hai bức tượng tiên nữ được làm bằng gỗ sơn son nổi bật đứng hai bên ngưỡng cửa. Hai tượng gỗ này được đặt làm phiên bản, lấy nguyên mẫu từ tượng tiên nữ trong Nhà hát Múa rối Việt Nam, thể hiện hình tượng cô tiên trong tích rối nước dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó là các phiên bản ảnh của bản in/dập của văn bia, chạm khắc hình tượng tiên rồng trong các chi tiết kiến trúc gỗ của đình làng Bắc Bộ, chùa Việt.
Trong trưng bày còn giới thiệu những tài liệu nghiên cứu mỹ thuật cổ có liên quan đến hình tượng tiên rồng, trong đó có cuốn sách mới nhất của Trần Hậu Yên Thế, còn chưa ra mắt công chúng. Như vậy, gian thứ nhất của căn phòng là hệ thống phong phú các tài liệu cổ về hình tượng tiên rồng, minh chứng cho lịch sử của hình tượng dân gian đặc sắc này.
Bước sang gian thứ hai, hình tượng rồng tiên được chuyển biến qua các sáng tác của thế kỷ 20 và 21. Trong thời hiện đại, hình tượng tiên cưỡi phượng vẫn còn được khắc trên cánh cửa khảm thờ. Ý nghĩa văn hóa và tạo hình trang trí của hình tượng tiên nữ vẫn được nối dài trong tín ngưỡng văn hóa người Việt.
2. Mở đầu cho nghệ thuật hiện đại, Nguyễn Tư Nghiêm được tác giả nhắc đến như một "họa sĩ với sự uyên bác và dũng khí khi đã nối lại mạch nguồn sáng tạo đã từng bị đứt đoạn thời Nguyễn". Ngay từ thập niên 1960 - 1970, ông đã vẽ rất nhiều tranh bột màu về tiên nữ cưỡi rồng. Ông đại diện cho thế hệ họa sĩ hiện đại thể hiện sống động những chủ đề văn hóa cổ trong sự giao thoa nghệ thuật Đông Tây.
Vũ Dân Tân là một hiện tượng độc đáo của nghệ thuật Việt Nam hiện đại sau Đổi mới. Ông có những sáng tác đa chất liệu. Nghệ thuật của ông đặc trưng cho văn hóa, xã hội Việt trong thời kỳ hội nhập và chuyển tiếp. Cảm hứng về văn hóa cổ được ông thể hiện qua những bức tranh vẽ tiên múa đầu thập niên 1990.
Hình tượng tiên nữ còn được thể hiện trong tác phẩm của nhà nghiên cứu - họa sĩ Phan Cẩm Thượng, hoặc được "hóa thạch" trong sáng tác của nghệ sĩ Vương Văn Thạo. Đặc biệt, những tác phẩm in khắc gỗ của Phạm Khắc Quang cho thấy một cái nhìn khái quát của Trần Hậu Yên Thế trong việc lựa chọn những tác phẩm đặc trưng cho mạch chảy của hình tượng được nghiên cứu.
Hai tác phẩm Làng văn hóa, Vùng vẫy (năm 2009) của Phạm Khắc Quang mượn hình tượng tiên nữ trong tích rối nước để nói về đời sống, văn hóa của làng quê Việt thời hiện đại. Sự trăn trở về biến đổi văn hóa trong làng quê và đô thị Việt xuất hiện thường trực trong các sáng tác của anh nhiều năm qua.
Có thể thấy, hình tượng tiên được mượn trong nghệ thuật đương thời để thể hiện những nội dung, ý nghĩ mới. Nhưng chính nhờ những kết nối văn hóa của hình tượng truyền thống, mà tác phẩm đương thời như được chồng thêm nhiều tầng nghĩa dày dặn, tăng giá trị nghệ thuật cũng như giá trị về tư tưởng cho tác phẩm.
Bên cạnh đó, ảnh chụp Diều tiên của Quan Hằng Cao như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, dùng hình ảnh các cô tiên thiết kế nên con diều.
Sắp đặt Mơ tiên còn nhắc đến những sáng tác của Nguyễn Quân, Nguyễn Đức Hòa, Vũ Xuân Đông… vì đã "liên vănbản" đến huyền thoại cha rồng mẹ tiên độc đáo. Đa số các tác giả và tác phẩm trong căn phòng Mơ tiên này đều xuất hiện trong cuốn sách nghiên cứu Hình tượng tiên nữ của nhóm tác giảTrần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May sắp ra mắt.
Sách này tập trung vào các khía cạnh như tiên và tiên nữ trong văn hóa, mỹ thuật Đông - Tây; hình tượng tiên nữ Việt từ góc nhìn liên văn hóa; đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu Việt; hình tượng tiên nữ trong chạm khắc đình làng Việt; đặc điểm và hệ giá trị của hệ đồ án tiên nữ… Điều này cũng đặc trưng cho hướng nghiên cứu rất cẩn trọng về tài liệu, lý thuyết, nhưng cũng luôn tiếp biến, đa chiều trong nhận thức và tìm cách ứng dụng vào thực tiễn đời sống.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/11/2022.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 đặt trọng tâm vào chủ đề thiết kế và công nghệ, với trên 40 hoạt động, sự kiện diễn ra ở các địa điểm khác nhau tại khu phố cổ, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuần lễ diễn ra từ ngày 11đến 20/11/2022. Một số hoạt động trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2023.