Lễ Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: Mỹ có nhiều lý do để 'ngán' siêu tăng Armata T-14
(Thethaovanhoa.vn) - Washington có nhiều lý do để lo ngại về xe tăng Armata T-14 của Nga hơn so với lý do đơn thuần liên quan tới khả năng chiến đấu đáng nể của nó.
Các nhà thiết kế vũ khí Nga đã chứng minh rằng họ có khả năng phát triển các thế hệ tiếp theo của hệ thống vũ khí, Giáo sư K. Nikolas Gvosdev, một chuyên gia về an ninh Nga-Mỹ nhấn mạnh việc Mỹ có lý do chính đáng để lo sợ siêu tăng Armata của Nga.
"Sau thời kỳ hậu Xô Viết, việc hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng là một việc làm đầy ý nghĩa đối với Nga" - giáo sư nhận định - "và một phần của chiến lược tái thiết ngành công nghiệp Nga chính là trẻ hóa công nghiệp quốc phòng và tận dụng lợi thế về nhu cầu đang tăng khi thế giới phát triển theo xu thế đa cực".
Siêu tăng Armata tiến qua Quảng trưởng đỏ trong lễ diễu binh vừa diễn ra hôm nay
Theo Gvosdev, phần phô diễn sức mạnh của Armata T-14 trong buổi diễu binh trước Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít vừa diễn ra hôm nay chắc chắn đã thu hút sự chú ý của "một số khán giả mục tiêu". Nếu như đối với dân chúng trong nước, Armata được xem như biểu tượng của việc Nga đã giành lại vị trí nhà sản xuất vũ khí tối tân, màn phô diễn này cũng sẽ "đánh tiếng" đối với một loạt các khách hàng tiềm năng của Moskva rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang phát triển mạnh và có khả năng sản xuất các hệ thống quân sự tiên tiến, ngang ngửa với vũ khí của phương Tây.
Các cường quốc mới nổi trên thế giới đã coi mạng lưới các văn phòng thiết kế, nhà máy, nhà máy công nghiệp và các căn cứ thử nghiệm của Nga như là nơi có khả năng cung cấp vũ khí quân sự thay thế phương Tây. Và họ chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội này để tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Nếu Nga có thể tìm kiếm thành công những đối tác mua vũ khí nhất định, họ sẽ đứng trước cơ hội lớn, vừa kiếm được nguồn tài chính chi trả cho quá trình xây dựng nền quân sự trong nước, đồng thời có tiền đầu tư thêm vào phát triển các loại vũ khí tinh vi hơn, giáo sư nhấn mạnh.
Thêm vào đó, hiện tại có một số quốc gia đang tìm cách hạn chế việc Mỹ "tự do hành động" trên thế giới. Họ cũng nhận thức được rằng, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Washington "luôn nhắm vào những nơi ít tốn kém và ít tốn công sức khi thực hiện chính sách can dự".
Do vậy, nếu được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến, các nước này khiến Mỹ nghĩ rằng “các chi phí can dự như khả năng thương vong hoặc thiệt hại có thể trở nên quá cao”, từ đó, hạn chế khả năng trở thành mục tiêu của Mỹ. "Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào vũ khí quân sự, đặc biệt là những hệ thống mà Washington không muốn bán, như là một cách để tạo ra những cản trở đối với Mỹ khi họ được đánh giá là mối nguy hiểm lâu dài" - Nikolas K. Gvosdev nói thêm.
Xe tăng Armata T-14 là sản phẩm của chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí kéo dài 10 năm của Nga. Armata T-14 có một tháp pháo được điều khiển từ xa qua hệ thống máy tính gắn trong xe, gắn trên nó là một khẩu pháo nòng trợn 125mm với khả năng bắn tên lửa bên cạnh đạn pháo bình thường.
Tổ lái của xe gồm 3 người, được bảo vệ tối đa trong một khoang chứa đặc biệt nằm ở phần phía trước thân xe, cách xa các hệ thống hỏa lực.
Thân xe Armata có thể tùy biến. Nó có khả năng trở thành phần thân của một chiếc xe chiến đấu bộ binh hạng nặng, xe kỹ thuật, xe gắn pháo phản lực nhiều nòng và các biến thể khác.
Phan Vân Anh
Theo Sputnik News