Lê Công Vinh mãi là người hùng với cú đánh đầu ngược định mệnh tung lưới Thái Lan, tranh cãi không hồi kết với Văn Quyến
Danh thủ Lê Công Vinh từng là một trong những cái tên gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử làng bóng đá Việt Nam.
Danh thủ Lê Công Vinh với cú đánh đầu ngược định mệnh
Bóng đá Việt Nam đã trải qua những thời kỳ vô cùng đáng nhớ và một trong những mốc son vẫn còn được người hâm mộ nhắc tới rất nhiều, đó chính là chức vô địch AFF Cup 2008, nơi ĐT Việt Nam đã đánh bại "đại kình địch" Thái Lan để xưng vương Đông Nam Á.
Trong chiến tích của ĐT Việt Nam năm 2008, tiền đạo Lê Công Vinh nổi lên như một "người hùng" lớn nhất. Pha lập công quyết định của ngôi sao xứ Nghệ năm đó đã mang tới niềm vui vỡ òa cho hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đồng thời, đưa tên tuổi của anh lên một tầm cao mới.
Lùi lại thời gian về buổi tối ngày 28/12/2008, người hâm mộ cả nước đã nín thở khi đội trưởng Minh Phương đặt trái bóng để chuẩn bị thực hiện quả đá phạt cuối trận chung kết lượt về. Khi ấy, tỷ số đang là 2-1 nghiêng về ĐT Thái Lan. Nếu tỷ số này giữ nguyên, chúng ta sẽ bước vào 2 hiệp phụ.
Tuy nhiên, cơ hội để sớm định đoạt trận đấu đã đến với chúng ta khi Công Vinh xử lý khôn khéo để mang về quả đá phạt hàng rào. Minh Phương là người bước lên để thực hiện quả đá phạt. Cú treo bóng của Minh Phương khiến tất cả phải lặng im khi nó hướng tới vị trí mà Công Vinh đã băng vào.
Một cú đánh đầu ngược vô cùng nhạy cảm của Công Vinh đã đưa trái bóng đến vị trí cực hiểm, vừa đủ để đánh bại thủ môn bên phía Thái Lan. Lưới của đối thủ rung lên và đó cũng là lúc người hâm mộ Việt Nam vỡ òa trong niềm vui sướng khó tả.
Đó cũng là lần đầu tiên ĐT Việt Nam lên ngôi ở AFF Cup sau bao sự chờ đợi và bàn thắng "vàng" của Công Vinh đã được phát đi phát lại rất nhiều lần sau đó để khẳng định đẳng cấp của tiền đạo sinh năm 1985.
Sau đó, tên tuổi của Công Vinh đã khác rất nhiều. Anh trở thành ngôi sao bóng đá số 1 Việt Nam, đồng thời, nhận được sự mến mộ đặc biệt từ người hâm mộ làng túc cầu... Công Vinh sinh ra tại vùng đất Nghệ An trong một gia đình bình thường. Anh là con trai duy nhất trong gia đình còn có một chị và một cô em gái.
Biến cố xảy ra khi bố anh gặp tai nạn giao thông, kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn. Hoàn cảnh của Công Vinh càng khó khăn hơn khi bố anh là ông Lê Công Duệ vì muốn thay đổi cuộc sống nên đã tìm đến chất cấm và phải nhận bản án 12 năm tù.
Sự mất mát quá lớn từ người cha khiến Công Vinh trải qua một tuổi thơ cơ cực. Mẹ anh một mình gồng gánh gia đình trong sự vất vả và cam chịu. Công Vinh đến với sân cỏ hoàn toàn là tình cờ. Khi ấy, anh nghe nói rằng cứ là cầu thủ thì sẽ có tiền. Bởi thế, cậu bé năm ấy lựa chọn theo học lò đào tạo trẻ của CLB Sông Lam Nghệ An.
Tốt nghiệp lò đào tạo trẻ, Lê Công Vinh được cất nhắc lên đội 1, nhưng anh mãi là sự lựa chọn sau cùng. So với những cái tên như Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn, Công Vinh hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh suất đá chính.
Thế nhưng, "ông trời không phụ lòng người cố gắng", trận chung kết giải tiền SEA Games 22 – JVC Cup trở thành điểm sáng lớn nhất giúp Lê Công Vinh nổi lên như một cách tên đầy tiềm năng. Chính Công Vinh là chân sút duy nhất lập cú đúp bàn thắng giúp SLNA của HLV Hữu Thắng lội ngược dòng thắng 4-2 trước Perak.
Với chức vô địch cùng đội bóng xứ Nghệ, Công Vinh đã nhận được "tấm vé vớt" quý giá lên tuyển dự SEA Games 22. Cũng từ đây, cái tên Lê Công Vinh liên tục tỏa sáng rực rỡ tại V-League. Anh thi đấu thăng hoa và trở thành trụ cột của Sông Lam Nghệ An.
Đến tháng 2/2004, Công Vinh lần đầu tiên ghi bàn ở V-League vào lưới CLB Đồng Tháp. Sau đó, anh nhận được danh hiệu "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm" của làng bóng đá Việt, đồng thời được nhiều CLB tại V-League để theo đuổi.
Đến năm 2006 và 2007, Công Vinh vươn tầm trở thành chân sút số 1 trên hàng công SLNA và cả đội tuyển Việt Nam, sau khi người đồng hương Văn Quyến vướng vào lao lý vì sự kiện bán độ. Đây có thể được xem là 2 năm đỉnh cao của Công Vinh khi liên tiếp giành 2 Quả bóng Vàng Việt Nam.
Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 rồi VCK Asian Cup 2007 là những thành công mới và đỉnh cao là AFF Cup 2008, với cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Công Vinh. Sau cú đánh đầu ngược định mệnh ở AFF Cup 2008, Công Vinh có cơ hội tỏa sáng và phát triển bản thân nhiều hơn.
Ngôi sao xứ Nghệ được sang nước ngoài thi đấu với những hợp đồng giá trị về tiền bạc lẫn chuyên môn. Cụ thể, năm 2009, Lê Công Vinh là cầu thủ đầu tiên tham dự một giải đấu châu Âu. Anh khoác áo Leixoes SC tại giải VĐQG Bồ Đào Nha theo bản hợp đồng ngắn hạn nhưng cũng là quá đủ để thu hút sự quan tâm lớn từ truyền thông.
Năm 2013, Công Vinh chuyển sang thi đấu cho CLB Nhật Bản, Consadole Sapporo trong 5 tháng cho mượn. Tại đây, tiền đạo này khoác áo số 19 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người hâm mộ Việt Nam ở xứ sở mặt trời mọc.
Với 2 bàn thắng và 1 đường kiến tạo, Công Vinh đã ít nhiều ghi dấu ấn đậm nét tại một nền bóng đá mạnh như Nhật Bản. Tại AFF Cup 2010, Công Vinh vắng mặt do chấn thương phải phẫu thuật.
Đến AFF Cup 2012, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng đã thất bại cay đắng khi bị loại từ vòng bảng. Đó là giải đấu đáng quên của cựu tuyển thủ xứ Nghệ. Thế nhưng anh cũng đã trở lại và bùng nổ tại AFF Cup 2014, trở thành trò cưng của HLV Miura khi mang băng thủ quân của ĐT Việt Nam.
Giải nghệ ở tuổi 31 sau khi cùng ĐT Việt Nam dừng bước ở vòng bảng AFF Cup 2016, Công Vinh khép lại sự nghiệp rực rỡ của mình. Trong 12 năm cống hiến cho màu áo ĐTQG, Công Vinh đã có 84 lần ra sân, và sở hữu 51 pha lập công.
Công Vinh cũng có 13 năm thi đấu tại CLB SLNA, Hà Nội T&T (nay là Hà Nội), Hà Nội (tiền thân là Hà Nội ACB), Bình Dương, giành 3 danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2004, 2006 và 2007, 3 chức vô địch V-League 2010, 2014 và 2015.
Với Lê Công Vinh, xét ở khía cạnh đóng góp cho bóng đá và nghị lực vươn lên để khẳng định giá trị bản thân, anh xứng đáng là một tấm gương. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến tiêu cực cho rằng, nếu Văn Quyến không trót "dính chàm" thì sự nghiệp của Công Vinh sẽ không thể thăng hoa đến vậy. Đó vẫn là những tranh cãi không hồi kết cho tới tận bây giờ dù ai cũng biết, trong bóng đá, sẽ không có từ "nếu"...