Lấp lỗ hổng kiểm soát an toàn xe máy
Mô tô, xe máy chiếm hơn 90% phương tiện tại Việt Nam và số lượng nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe máy chiếm hơn 60%. Điều này đặt vấn đề cấp thiết để lấp khoảng trống an toàn giao thông xe máy, cũng như chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng giao thông an toàn cho xe máy…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), phương tiện mô tô, xe máy chiếm số lượng lớn, hơn 70 triệu xe tại Việt Nam; hàng năm tăng trung bình từ 10 - 15%. Đây cũng là phương tiện chiếm 60% tổng số phương tiện gây tai nạn trong 10 tháng năm 2024.
Báo cáo của từ Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao. Tại thời điểm tháng 9/2024 đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy lên tới 770 xe trên 1.000 dân, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, xe máy có lợi thế hơn so với các phương tiện vận tải khác. Nhưng một nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp, yếu tố liên quan đến phần lớn số vụ tai nạn giao thông.
Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cảnh báo: Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rủi ro va chạm do cơ giới hoá. Đơn cử, hiện nhóm người 16 -18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50 cc hợp pháp trong khi nhóm tuổi này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, dù có hệ thống đăng ký xe mô tô xe máy nhưng số lượng xe máy thực tế lưu hành thấp hơn so với số lượng thực tế đăng ký, chưa phản ánh số lượng xe máy thực sự lưu hành. Tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, con số này chỉ dưới 75% tổng số xe đăng ký do phần còn lại hoặc đưa về các tỉnh thành phố dùng thêm một vài năm nữa trước khi được tháo rời, bán phụ tùng linh kiện…
Việc thống kê phân tích tai nạn giao thông xe máy trên lượng luân chuyển gặp khó khăn và chưa có kết quả, do không có số liệu về công tơ mét của mô tô, xe máy. Thực trạng này xuất phát từ bất cập trong quy định pháp luật khi chưa yêu cầu kiểm định kỹ thuật và khí thái với xe máy, trong khi đây là một nội dung cần phải làm với phương tiện cơ giới đường bộ.
Ngoài ra, dù đã có tiêu chuẩn mô tô xe máy, nhưng các mức an toàn cho xe máy ở Việt Nam được xem là còn khá thấp khi chưa có đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO), chưa có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) hoặc phanh phối hợp Combined Brake....
Thực tế, xe máy dù là phương tiện cơ giới nhưng chưa phải chịu kiểm định an toàn kỹ thuật, sắp tới mới có kiểm định về môi trường, điều này dẫn tới tình trạng một số xe máy đã cũ nát, không bảo đảm an toàn vẫn lưu hành. Bất cập trong thực thi dẫn tới việc nhiều xe máy điện, xe điện lưu hành không đúng với thông số kỹ thuật đăng ký như công suất, tốc độ lớn hơn...
"Một vấn đề nữa, những yếu kém trong quy hoạch không gian đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông cho xe máy, tổ chức giao thông, kết nối giữa xe máy với các phương thức vận tải công cộng khác còn hạn chế... Điều này tạo nên những bất lợi lớn cho vận tải công cộng và tạo ra ưu thế cho xe máy, dẫn tới thực trạng người dân sử dụng xe máy cho các chuyến đi dài, có lưu lượng giao thông lớn, phức tạp, tốc độ lưu thông cao dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ", đại diện Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay.
Viện trưởng Khuất Việt Hùng, Viện chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Việt Nam và một số nước đã có tương đối đầy đủ quy định về an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe máy nhưng còn thiếu. Chẳng hạn, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025 có nhiều điểm mới, song chưa có quy định về giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe phân khối dưới 50 cc…
Thêm vào đó, những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế... dẫn tới tình trạng giao thông hỗn hợp và rất khó tách làn cho xe máy. Tới đây, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng giao thông an toàn cho xe máy.
Song song đó, thực tế một số vụ tai nạn giao xảy ra do vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường... Điều cho thấy, các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý phương tiện xe máy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng, cần đề xuất các quy định về xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ quản lý an toàn kĩ thuật phương tiện, hoạt động của các phương tiện đến quản lý người điều khiển, đặc biệt là quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện như điểm của giấy phép lái xe…
Các quy định này được đánh giá không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh. Sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy.