Lão danh cầm Vĩnh Bảo: Người đầu tiên 'trình' nhạc tài tử đến UNESCO
(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 96, lão danh cầm Vĩnh Bảo lẫy lừng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa và Nam Bộ ngày nay bởi ngón đàn tranh điêu luyện vẫn còn mẫn tiệp, nhanh nhẹn. Ông từng từ chối tham gia quân đội của chính quyền Ngô Đình Diệm, không muốn định cư ở nước ngoài, nhưng lại hay "xuất ngoại" để làm duy nhất một việc mà ông đã và đang làm trong hơn 70 năm qua: truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ở khắp năm châu. Đặc biệt là nhạc tài tử Nam Bộ...
Hơn 40 năm trước, chính tay danh cầm nom vẻ bề ngoài như thi sĩ Bùi Giáng đã cùng GS Trần Văn Khê thu âm nhạc tài tử Nam Bộ theo lời mời của UNESCO tại Pháp. Ngoài ra, đôi bạn "tài tử" Bảo - Khê còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, hội thảo và cùng "song tấu" nhạc tài tử Nam Bộ trên sóng phát thanh tại Pháp thời bấy giờ...
Thu âm một lần được 5.000 quan Pháp
Những năm 1946-1947 nhạc sư Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê dạy chung trường. Nhưng tuyệt nhiên GS Khê không biết nhạc sư Vĩnh Bảo có thể chơi thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn gáo, đàn bầu, đàn cò… lẫn nhạc cụ Tây phương như piano, violin, mandoline…
Đến năm 1949, GS Trần Văn Khê qua Pháp, tình cờ 6 năm sau, trong một lần gặp gỡ với bác sĩ Kim Tương - là học trò của nhạc sư Vĩnh Bảo - cho nghe cuốn băng nhạc sư chơi đàn, GS Khê hỏi ra mới biết người chơi đàn là ông bạn dạy tiếng Pháp cùng trường ở Sài Gòn năm nào. Từ đó, ông bắt đầu liên lạc với nhạc sư Vĩnh Bảo và "lôi kéo" danh cầm người Sa Đéc này vào con đường truyền bá âm nhạc dân tộc đến với thế giới.
Chuyến "xuất ngoại" đáng nhớ để truyền bá âm nhạc dân tộc, trong đó có nhạc tài tử Nam Bộ đến với thế giới của nhạc sư Vĩnh Bảo là vào năm 1970. Theo như lời ông kể, khi đó, Trường Đại học Illinois (Mỹ) đã cử một số giáo sư đầu ngành sang thuyết phục nghệ sĩ Vĩnh Bảo qua xứ sở cờ hoa với tư cách giáo sư biệt thỉnh về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thù lao mà Đại học Illinois trả cho nhạc sư Vĩnh Bảo là 2.500 USD/ngày, mặc dù ông chỉ đề nghị trả 200 USD/ngày.
Sau chuyến biệt thỉnh ở Mỹ, nhạc sư Vĩnh Bảo tiếp tục bay qua Paris (Pháp) theo lời "rủ rê" của GS Trần Văn Khê. Tại Pháp, ngoài những buổi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt cho công chúng và học sinh Pháp nghe, nhạc sư Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê đã nhận lời mời của hãng ghi âm Ocara của Pháp thu âm đĩa nhạc tài tử Nam Bộ.
Ông kể, khi đến phòng thu, thấy căn phòng bày biện rất nhiều nhạc cụ phương Tây ngay lập tức ông bị cụt hứng, không muốn đàn nữa.
"Tôi nói với anh Khê. Tôi hết hứng đàn rồi. Thôi bỏ. Ta đi cà phê đi. Tôi và anh Khê xuống đường uống cà phê được 15 phút thì ông phó giám đốc xuống, trả tiền cà phê cho tụi tôi rồi mời chúng tôi quay lên phòng thu. Lên đến nơi, tôi thấy họ dẹp hết nhạc cụ phương Tây. Tôi có tìm hiểu thì được biết lúc tôi tỏ thái độ "phản cảm" với nhạc cụ phương Tây và bỏ đi, ông ấy có nhìn thấy và trong lúc chúng tôi ngồi cà phê bên dưới ông ấy đã cho người dẹp hết. Rồi tôi ngồi vào đàn. Đàn hơn một giờ đồng hồ, đàn cả chục bài nhưng không hư bài nào. Lần đó họ trả cát-sê cho tôi là 4.000 quan Pháp. Đàn xong ông giám đốc còn viết séc, bồi dưỡng thêm cho tôi 1.000 quan nữa. Tôi thấy cảm kích trước tấm lòng của họ. Không phải dành cho tôi mà dành cho thứ nhạc của dân tộc mình mà tôi chơi cho họ nghe và phổ biến đến công chúng Pháp".
UNESCO đề nghị mua bản quyền nhạc tài tử
Sau khi thu âm nhạc tài tử Nam Bộ và trình tấu nhạc tài tử Nam Bộ tại một số đài phát thanh ở Pháp, nhạc sư Vĩnh Bảo còn thu âm tiếp một đĩa nhạc đàn tranh nhạc tài tử Nam Bộ theo đề nghị của tổ chức UNESCO.
"Tôi không biết lý do nào UNESCO khi đó đã quan tâm đến nhạc tài tử Nam Bộ. Tôi chỉ nhớ mình tôi đã chơi đàn tranh gần như tất cả các bài tài tử Nam Bộ "nguyên gốc" trong cái đĩa đó và in ra 12 bản gửi cho họ" - nhạc sư Vĩnh Bảo hồi tưởng.
8 tháng sau, ông nhận được thư của GS Trần Văn Khê. Trong thư, GS Khê cho biết, UNESCO đề nghị mua bản quyền những tác phẩm mà nhạc sư đã thu âm chỉ với một lý do là họ thích nhạc tài tử Nam Bộ Việt Nam.
"Anh Khê nói với tôi, ta làm đĩa tặng UNESCO để nhờ họ phổ biến ra với thế giới thôi. Nhưng bây giờ họ liên lạc với tôi bảo mua. Họ bảo tôi là các anh thích lấy tiền đô la, tiền quan của Pháp hay tiền Việt? Anh Khê hỏi tôi: Anh thích tiền gì? Bao nhiêu? Tôi bảo tôi không biết đâu. Họ muốn trả bao nhiêu, bằng tiền gì cũng được. Với lại lúc đó thú thực tôi không quan tâm lắm...
(Còn tiếp)
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa