Làng mai vàng Phước Định rộn ràng đón Xuân
Làng nghề mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long từ nhiều năm qua đã cung cấp lượng lớn mai vàng cho thị trường hoa Tết tại địa phương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Làng nghề hiện có hơn 150 hộ với hơn 50.000 gốc mai các loại. Về làng nghề những ngày giáp Tết, không khí lao động tất bật và nhộn nhịp. Người lo lặt lá mai, cắt tỉa cành. Người lo chuẩn bị đưa cây đi chợ hoa xuân để tiêu thụ. Ai cũng phấn khởi trông chờ bán được nhiều gốc mai vàng để đón một mùa Xuân sung túc.
Nhộn nhịp lặt lá mai
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp rằm tháng Chạp hằng năm là người dân khắp nơi lại lặt lá để cây mai cho hoa đúng dịp Tết. Tại làng nghề mai vàng Phước Định, nơi có hơn 50.000 gốc mai vàng lớn nhỏ các loại, không khí lặt lá mai nhộn nhịp hơn hẳn. Nhà có vài chục cây mai, các thành viên trong gia đình cùng nhau làm, nhà nào có cả
Với khoảng 200 gốc mai, những ngày qua, gia đình anh Lê Văn Hòa tất bật tỉa lá, sẵn sàng cho mai nở kịp dịp Tết để bán. Đây được xem là nguồn kinh tế chính của gia đình. Anh Lê Văn Hòa cho biết, để có được một cây mai đẹp, bán được giá trong ngày Tết, đòi hỏi người trồng mai phải mất nhiều thời gian và công sức chăm sóc, uốn tỉa và định thế cơ bản. Cây mai được đánh giá cao phải hội tụ đủ 4 yếu tố: “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ”. Do đó, bên cạnh việc quan tâm tạo dáng, sửa thân, cứ đến mùa tỉa lá mai, bà con làng nghề lại quan sát thời tiết, rồi xem sự phát triển của cây mai chọn ngày lặt lá cho phù hợp, giúp mai nở đúng ngày và nở nhiều để “bắt mắt” thương lái.
Theo người dân địa phương, nghề trồng mai từ một thú vui, một món ăn tinh thần giờ đây đã thực sự trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nên cây mai được chăm sóc rất tỉ mỉ. Cứ dịp rằm tháng Chạp, các nhà vườn bắt đầu chuẩn bị lặt lá, vừa để mai ra hoa, vừa tạo điều kiện cho cây mai phát triển tốt. Tùy vào quan sát của chủ vườn, công việc lặt lá mai có thể sớm hoặc chậm hơn vài ngày. Tuy nhiên, việc lặt là phải dứt điểm vào khoảng ngày 16 hoặc chậm lắm là 18 âm lịch, cây mai cho hoa đúng ngày Tết.
Với số lượng gốc mai ở mỗi nhà từ vài chục đến vài trăm cây, công việc lặt lá mai đòi hỏi phải thuê mướn thêm nhiều nhân công. Nhờ đó, người dân ở địa phương có thêm một khoản thu nhập kha khá trong những ngày giáp Tết. Chị Lê Thị Thủy (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cho biết: “Tầm ngày 12 là lặt đối với cây mai nụ nhỏ, đến ngày 14, lặt mai nụ lớn. Mỗi ngày chịu khó lặt cũng gần 200.000 đồng. Mấy ngày cận Tết, có công việc làm thì phấn khởi lắm, tôi góp lại mua sắm bánh mứt Tết hay chi tiêu trong nhà cũng đỡ".
Hồi hộp chờ sức mua
Làng nghề mai vàng Phước Định hiện có 158 hộ trồng mai với hơn 52.000 cây mai vàng, trong đó có 800 cây mai đại, 19.200 cây mai trung và 32.000 cây mai tiểu. Đặc trưng của mai Phước Định là người dân tìm mua cây mai năm cánh nguyên thủy về chăm sóc, uốn tỉa, tạo dáng sau nhiều năm mới đem bán. Do những ưu điểm nổi bật về kiểu dáng, độ tuổi nên những cây mai ở Phước Định có giá khá cao. Nhờ đó, người dân nơi đây nhiều năm nay cũng có thu nhập kha khá từ nghề trồng mai, nhất là thời điểm cận Tết.
Theo các hộ dân làng nghề, thời điểm hiện tại thị trường mai vẫn còn trầm lắng, thương lái và người dân các tỉnh đến xem và đặt hàng mai chưa nhiều. Nguyên nhân là do xu hướng mua mai những năm gần đây thương lái chờ tỉa lá xong, mai có nụ mới đến mua để chọn được cây chất lượng, dễ tiêu thụ.
Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã mai vàng Phước Định chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa cho nụ nhiều và lớn, người dân làng nghề rất phấn khởi. Mặc dù hiện tại thị trường còn trầm lắng nhưng bà con ai cũng phấn khởi lặt lá mai để cho hoa nở kịp Tết. Bà con làng nghề kỳ vọng ít ngày nữa khi mai bắt đầu bung nụ to và ra hoa sẽ có đông thương lái đến xem và chọn mua với giá cao. Trồng một năm, bà con chỉ trông vào vụ Tết, bán được cây, đón Tết sung túc, đồng thời cũng có thêm niềm vui và động lực đầu tư phát triển thêm trong năm sau”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ Phạm Minh Phú cho biết, địa phương đã đề xuất và được đầu tư nhiều hơn trong vấn đề giao thông để người dân làng nghề thuận tiện vận chuyển, mua bán cây mai. Xã quan tâm hỗ trợ hoạt động của Hợp tác xã Mai Vàng Phước Định, quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống của địa phương. Qua thực tế, nghề trồng mai trong xã, nhất là sự phát triển của Hợp tác xã Mai vàng Phước Định đã mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động bà con trong khu vực đầu tư trồng những cây mang vàng cổ thụ, có giá trị kinh tế cao, đồng thời phối hợp với ngành du lịch định hướng hỗ trợ kết nối phát triển du lịch gắn với làng nghề, góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu mai vàng Phước Định đến với du khách trong và ngoài tỉnh, mở rộng hơn thị trường tiêu thụ để làng nghề phát triển bền vững hơn.