Làng cổ Kayakoey - Thiên đường đã mất
(Thethaovanhoa.vn) - Đã có một thời huy hoàng của Kayakoey trên đất Thổ Nhĩ Kỳ với hàng ngàn dân, hôm nay chỉ còn lại ngọn gió heo hút thổi qua những ngõ phố ma mị không một bóng người. Tội đẩy hàng ngàn người dân khỏi quê hương là một hiệp định giữa Athens và Ankara.
Cư dân ngày xưa của Livissi
… kể lại cho con cháu vào những tối mưa gió, khi cả nhà quây quần bên nhau, rằng họ từng sống trên thiên đường. Đó là một ngôi làng cổ đại 5.000 năm tuổi, với những ngôi nhà đá quét vôi xanh trắng, hai nhà thờ và hai cối xay gió nằm giữa một rừng ô liu, thuốc lá, và loại vả ngon nhất thế giới.
Livissi, ngày đó còn mang tên Karmylassos, là một ngôi làng thơ mộng của Hy Lạp trong lòng đế chế Ottoman, với vẻn vẹn 6.500 cư dân, chủ yếu theo Chính thống giáo Hy Lạp. Họ chung sống hoà bình với các tín hữu Hồi giáo xung quanh.
”Chúng tôi cho nhau vay tiền, cùng thu hoạch mùa màng và thăm hỏi nhau trong các dịp lễ tôn giáo”, Mehmet Goekce, một người dân Livissi nhớ lại. “Một cuộc sống chan hoà tin cậy”.
Cho đến khi chiến sự nổ ra. Một cuộc chiến tranh đẫm hận thù hồi 1992, biến Livissi thành một làng ma. Hàng trăm ngôi nhà nay vắng chủ, lạnh lẽo, nứt nẻ hoang tàn như quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tại lại bị khơi lên lần nữa do các đàm phán về cơ chế tiếp nhận người tị nạn Trung Đông.
Làng cổ Livissi, hôm nay là Kayakoey thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, ngày xưa là nơi 6.500 dân gốc Hy Lạp sinh sống trong 3.000 ngôi nhà đá, nay thành làng ma
Ngày nay Livissi tên là Kayakoey
... và nằm không xa khu du lịch Fethiye ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày xưa cũng thuộc đất Hy Lạp. Chỉ vài tiếng rời bờ Địa Trung Hải xanh thẳm, xuyên qua một rừng bách là du khách nhìn thấy ngọn đồi Kayakoey.
Đây đó có vài ki ốt bán đồ ăn nhanh, tận dụng sự tò mò của thiên hạ, còn thì tất cả chìm đắm trong không khí âm u. Có lẽ nơi đây chỉ hấp dẫn người chụp ảnh: đường lát đá cuội thô, một cái giếng sâu, nhà cửa mọc đầy cỏ dại và bong tróc lớp màu cuối cùng, một nhà thờ vòm đã mất chuông… Ngay cả những người bán hàng ăn cũng mất nốt trí nhớ, vì sao Kayakoey lại như hôm nay. Một tấm biển đầu làng cho biết giữa Hy Lạp và Thổ có “trao đổi dân cư (?)” theo Hiệp ước Lausanne 1923.
Khái niệm “trao đổi dân cư” thực ra không sai, nhưng nó là uyển ngữ cho sự kiện lịch sử đẫm máu hồi 1923. Theo cách định nghĩa của hôm nay, các nhà sử học gọi quá trình đó là cuộc “thanh tẩy chủng tộc”: 1,5 triệu dân Hy Lạp theo Chính thống giáo phải rời bỏ đế chế Ottoman, đổi lại thì Thổ nhận về 400.000 tín đồ Hồi giáo. Cơ sở đầu tiên và duy nhất của cuộc đổi chác này là tín ngưỡng. Cả hai nhà nước đều tìm được câu chữ đẹp đẽ cho hành vi này: tăng cường tính thuần nhất trong cộng đồng, giảm thiểu xung đột bắt rễ sâu trong tôn giáo v.v.
Một trong những người ký Hiệp ước Lausanne 1923, ngoại trưởng Anh George Curzon, đã lên tiếng khi ngòi bút còn ướt mực: “Đây là một giải pháp cực kỳ tồi tệ và đáng nguyền rủa”, và “thế giới sẽ phải trả giá cao trong một trăm năm tới”. Giải pháp đó tác động đến mọi cộng đồng Hy Lạp trên đất Thổ, trừ Istanbuls. Từ xưa nay người Hy Lạp vẫn sống ở đó, kể cả sau khi bị đế chế Ottoman xâm chiếm. Đa số dân không nói tiếng Hy Lạp. Nhưng họ phải ra đi.
Những năm 1920 của thế kỷ 19 ở Kayakoey tràn đầy sức sống, cho đến khi họ thành nạn nhân của cuộc thanh tẩy chủng tộc
“Bà tôi gói ghém vài thứ vào một cái chăn”
… như Despina Mavrikou kể lại trên tờ báo Hy Lạp “Kathimerini”. Dân làng bị cấm đem theo đồ vật có giá trị, vì vậy bà gửi lại vàng, đồ trang sức và thậm chí hai con gái cho hàng xóm người Thổ. Hai đứa trẻ được cải trang thành trẻ con Thổ. Vài tháng sau bà đón được hai con về Hy Lạp, và người hàng xóm cũng tìm được cách gửi cho bà mọi đồ quý.
Nhưng không phải cuộc chia ly nào cũng kết thúc có hậu, vì đã từ lâu hai nước có hiềm khích. Hy Lạp từ 1917 chống lại đế chế Ottoman là quân liên minh của Đức-Phổ. Lực lượng dân tộc chủ nghĩa Hy Lạp ngày ấy đã nêu khẩu hiệu giành lại các miền đất từng thuộc Hy Lạp từ cổ đại, kể cả Constantinople (tức Istanbul hiện nay).
Bản thân đế chế Ottoman cũng không kém máu dân tộc chủ nghĩa. Và thế là 1919 nổ ra chiến tranh Thổ - Hy Lạp với hệ quả vô cùng bi thương cho thường dân hai phía. Hy Lạp thắng như chẻ tre và tiến sát Ankara, nhưng 1921 Mustafa Kemal chặn đứng và đánh bật lại người Hy Lạp ở bờ sông Sakarya. Hàng vạn người Hy Lạp bị giết. Livissi cũng rơi vào thảm cảnh đó.
Cuốn Sách Đen của người Hy Lạp nêu rõ: “Tháng 4-1918 Livissi thành đất hoang. Chỉ 25 trong số 900 gia đình ở lại”.
Nhà thờ Chính thống giáo của dân Hy Lạp xưa
Tháng 12-1922
… Hiệp ước Lausanne chấm dứt vận mệnh của ngôi làng đã ít nhiều bị bỏ hoang. Chỉ còn những kẻ hôi của đến đây để lấy đồ gỗ và gạch đá làm vật liệu xây dựng. Người Hồi trên đất Thổ có nhiều thời gian hơn. Chuyến tàu thuỷ đầu tiên rời cảng Thessaloniki tháng 5-1923. Nhiều người Thổ “tiếp quản” cơ ngơi của dân Hy Lạp vừa bị biến thành nạn kiều.
Nhà thờ Chính thống giáo bị đổi thành nhà nguyện cho Allah. Nhưng các cư dân mới không trụ lại lâu. Hồi giáo là cơ sở duy nhất gắn bó họ với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra họ không có điểm nào chung với hàng xóm mới. Livissi lại bị bỏ hoang.
Người ta đồn ở đây lắm ma. Nhưng đối với những người dân ngày xưa thì ngôi làng hoang biến thành mảnh đất của kỷ niệm. Trong số du khách tới đây có đông người Hy Lạp. Nhiều người khóc khi đứng trên nền nhà của tổ tiên. Riêng Despina Mavrikou thì tràn trề hạnh phúc.
“Tôi không đi, tôi bay, chân tôi hết hẳn đau”, bà kể lại về chuyến hành hương của mình. Cùng cháu ngoại, bà tìm ra cái giếng cổ. “Chúng tôi tắm và uống nước giếng, phát điên vì hạnh phúc”. Rốt cục bà đã thực hiện được lời hứa và đến thăm thiên đường đã mất của bà mình.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần