'Lan và Điệp' - thăng hoa từ quá khứ
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 40 năm, bộ đôi Thanh Kim Huệ và Chí Tâm đã tái ngộ khán giả trong vở cải lương kinh điển Lan và Điệp (đạo diễn Gia Bảo) vào cuối tuần trước tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Bằng một diện mạo mới, vở diễn đưa người xem đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa với đủ mọi gia vị đáng nhớ và bền bỉ theo năm tháng.
Giữ nguyên cốt lõi thành công của bản thu thanh, Lan và Điệp (đạo diễn: Gia Bảo) tiếp tục làm nên sức hấp dẫn bằng chuyện tình giữa cô Lan và anh Điệp được kể bằng những lời ca tuyệt đẹp của cố soạn giả Loan Thảo.
Hai giọng ca thăng hoa
Người mê cải lương dù đã thuộc lòng từng câu từng chữ, nhưng vẫn một lần nữa rung động bởi tài hoa diễn xuất của hai giọng ca bất hủ. Dường như thời gian không hề làm Thanh Kim Huệ đánh mất phong độ. Giọng ca của chị vẫn khỏe, trong trẻo và hồn nhiên như năm 14 tuổi, khi lần đầu được đóng vai chính. Chính cái giọng ca trong trẻo hồn nhiên ấy đã làm nên vai Lan thành công rực rỡ, khiến người nghe không khỏi vừa yêu mến lại vừa tiếc thương cho kiếp hồng nhan.
Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, Thanh Kim Huệ còn cho thấy một nội lực diễn xuất và kỹ thuật điêu luyện. Nhất là ở lớp diễn gặp lại Điệp, chị đã thể hiện quá hay bài Tứ đại oán. Mỗi cái luyến láy, nhả chữ đều được chị chăm chút tỉ mỉ, mộc mạc, chân thực mà tinh tế. Chị cố ý sử dụng làn hơi yếu ớt như người đang hấp hối, nhưng phát âm thì lại rất tròn vành rõ chữ, chất giọng khỏe, đủ lực lên bổng xuống trầm kéo cả khán phòng im phăng phắc dõi theo từng cung bậc cảm xúc rồi vỡ òa thành tràng pháo tay vang dậy.
Với Chí Tâm, anh chừng mực trong cách ca, cách diễn, thể hiện đúng chất một anh Điệp học trò hiền lành, tử tế. Tuy nhiên, cái khéo là anh nắm bắt rất tốt ranh giới để nhân vật của mình không trở thành hèn yếu, nhu nhược. Sự chuyển biến trong tâm lý của Điệp được Chí Tâm khắc họa rất rõ, từ cam chịu khi bị gài bẫy, cho đến đối mặt, phản kháng và rồi đau đớn vì mất người yêu. Đặc biệt là chất giọng ngân vang có độ rung của anh dễ dàng khiến người nghe đồng cảm, là sự phối hợp tuyệt vời cùng giọng ca của Thanh Kim Huệ.
Hài, âm nhạc và cái kết mới
Bên cạnh những giá trị cốt lõi, vở diễn còn có nhiều thay đổi khi chuyển thể từ bản thu thanh vỏn vẹn 90 phút thành một tác phẩm sân khấu.
Để tạo nét mới mẻ, đồng thời lấp đầy thời lượng 180 phút, đạo diễn Gia Bảo và cố vấn nghệ thuật là NSƯT Thanh Điền đã mạnh dạn tạo đất diễn hài cho các nhân vật trong gia đình ông Phủ. Nhân vật ông bếp Sạt của Minh Nhí đảm nhiệm vai trò hoạt náo, liên tục tung ra những mảng tiếng rất duyên cùng Thúy Liễu do Hồng Đào thủ vai. Thanh Điền và Thanh Hằng cũng tung hứng rất ngọt trong vai ông bà Phủ, giúp vở diễn thêm nét tươi tắn mà không bị dài dòng, lê thê.
Bên cạnh đó, bản dựng mới cũng có thêm một số lớp diễn mới, chẳng hạn ca khúc Lan và Điệp mở màn do Hoài Lâm trong vai bé Xuân thể hiện; đoạn độc diễn của Tú Sương nói lên tâm sự của Lan trong chốn thiền môn; hoặc bài vọng cổ khi Điệp đi tìm Lan do Vũ Luân trình bày…
Đặc biệt là loạt nhạc phẩm Lan và Điệp 1, 2, 3, 4 xuất hiện giữa các cảnh làm khán giả cũng bồi hồi nhớ lại những giai điệu quen thuộc, gắn bó với vở cải lương trong mấy chục năm qua.
Có một chi tiết Gia Bảo đã làm rất khéo, khi anh cho Lan trút bỏ lớp áo nhà chùa, chỉ còn lại chiếc áo đời bên trong, trước lúc cô có những cử chỉ thân mật với Điệp. Đây là một cảnh từng gây khá nhiều tranh cãi trong các bản dựng trước đó. Cách giải quyết của Gia Bảo là hợp lý và cho thấy sự tinh tế trong công tác đạo diễn.
Thành công của Lan và Điệp một lần nữa cho thấy sức sống bền bỉ của một tác phẩm từng là món ăn không thể bỏ qua với giới mộ điệu ngày nào.
Sau TP.HCM, Lan và Điệp sẽ có suất kế tiếp vào tối mai 23/8 tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng). |
Hoàng Kim