Lan tỏa tinh thần nhân ái, san sẻ yêu thương của dân tộc Việt Nam cùng chiến thắng Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - “Cơn bão” mang tên COVID-19 đã gây ra làn sóng ảnh hưởng, khó khăn chưa từng có trên toàn cầu. Việt Nam cũng đang trong ngững ngày nỗ lực kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19.
Trong giai đoạn khó khăn này, hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ với quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Chung sức để đẩy lùi dịch bệnh
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng nhiều địa phương khác đang trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để kiểm soát dịch COVID-19. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí thiếu thốn hơn do thời gian giãn cách kéo dài, nhiều người không có việc làm, thiếu lương thực, thuốc men. Y, bác sỹ, hệ thống y tế ở nhiều địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh quá tải do lượng người bệnh COVID-19 nhập viện rất đông, nhiều ca bệnh nặng.
Trước tình hình khó khăn đó, Bộ Y tế đã nhanh chóng ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để đáp ứng với diễn biến của dịch. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế…, người đang làm việc hay đã nghỉ hưu cùng tham gia các hoạt động chống dịch, chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, sớm quay lại cuộc sống bình thường.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra lời kêu gọi chi viện nhân lực, vật lực cho miền Nam bởi “không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau” để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ có kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam, chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước...
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng, Bộ Y tế, hàng ngàn y, bác sỹ từ Hà Nội và rất nhiều địa phương trên cả nước đã lên đường vì miền Nam ruột thịt, để lại phía sau trách nhiệm của người con, người chồng, người cha, người mẹ, góp phần giúp đỡ người dân ở những nơi đang gặp khó khăn, hiểm nguy do đại dịch. Điều đó chỉ có thể xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết với trái tim ấm áp, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào…
Thủ tướng cũng lưu ý phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người lang thang cơ nhỡ, tuyệt đối không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Với mong muốn sẻ chia cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đẩy lùi dịch bệnh, những ngày qua, nhân dân trên cả nước đã chung sức, đồng lòng gửi tiền, hiện vật, trang thiết bị y tế, thậm chí san sẻ cả nguồn vaccine phòng COVID-19 nhằm góp thêm nguồn lực cùng các tỉnh, thành phố phía Nam vượt qua đại dịch, người dân sớm quay trở lại cuộc sống bình an như trước kia.
Không chỉ hỗ trợ về nhân lực, nguồn lực để giúp an sinh xã hội mà trong giai đoạn khó khăn, nhiều mô hình thiết thực đã ra đời để giúp đỡ người dân, nhất là bệnh nhân trong cộng đồng. Số lượng người mắc COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, hàng ngàn người được điều trị tại nhà. Mô hình trạm y tế lưu động đã ra đời, với nhân lực là y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ và lực lượng cán bộ tăng cường… Đến cuối tháng 8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập được trên 400 trạm y tế lưu động. Đây được coi là cánh tay nối dài cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
Đến khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ của cả nước đã triển khai các biện pháp cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân; các phường, xã, thị trấn thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ người dân, trong đó có việc “đi chợ hộ”, phát các gói hỗ trợ này tới người dân mỗi tuần một lần. Ngoài ra, từ ngày 24/8 đến 6/9, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị 1,5 triệu túi an sinh để hỗ trợ các trường hợp khó khăn, với nguyên tắc không bỏ sót trường hợp nào, không để ai bị thiếu ăn...
Đặc biệt, lực lượng quân đội được điều động tăng cường đã lập ra các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…, vừa tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly, vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân. Ngoài ra, lực lượng quân y đã cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện yêu cầu "ai ở đâu, ở yên đó", những cách làm này là đã rất kịp thời; giúp người có hoàn cảnh khó khăn, trong khu vực phong tỏa, người bệnh đảm bảo đời sống an sinh xã hội và được chăm sóc y tế.
- Dịch Covid-19 tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp do biến thể Delta
- Dịch Covid-19 tối 4/9: Bình Dương tính phương án cho người tiêm 2 mũi vaccine được ra đường
- Dịch Covid-19 Hà Nội tối 4/9: Thêm 6 ca F0, có 2 ca trong cộng đồng
"San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch"
"San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" là chủ đề xuyên suốt của chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch COVID-19, góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả cả nước trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch. Chương trình cũng khơi dậy ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo của các nghệ sỹ để sáng tác các tác phẩm mới về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Chương trình đầu tiên bắt đầu từ tối 1/8, đến tối 1/9 là chương trình thứ tư có tên gọi “Cháy lên 2”, online tại 5 điểm cầu là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tại nhà riêng của ca sỹ Vicky Nhung. Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc và hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình.
"San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" được phát trên kênh Youtube của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các fanpage của các đơn vị, nghệ sỹ biểu diễn. Chính Facebook của Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc và nhiều gương mặt nghệ sỹ đã góp phần thu hút đông đảo khán giả đến với bữa tiệc nghệ thuật online đặc biệt này.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" có thể nói là hướng tới mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn chống dịch "ai ở đâu ở yên đấy" nhưng mặt khác, giới văn nghệ sỹ vẫn có thể làm nghề, cổ vũ tinh thần đại đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, siết chặt tay nhau, phát huy trí thông minh, tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người Việt Nam, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Chương trình cũng quy tụ được nhiều gương mặt văn nghệ sỹ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn có những người đang hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực nghệ thuật cổ điển, truyền thống và cả đương đại… Họ cũng là những hạt nhân tích cực tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19.
Không chỉ nghệ sỹ biểu diễn mà các tiết mục đều được ban tổ chức lựa chọn kỹ lưỡng để truyền cảm hứng tới nhiều lứa tuổi, công chúng một cách hiệu quả nhất. Ban Tổ chức kỳ vọng xây dựng nên một thương hiệu nghệ thuật online chính thống, chất lượng cao và thu hút được đông đảo mọi tầng lớp khán giả. Dù câu chuyện được kể ở bối cảnh nào cũng phải toát lên tinh thần “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” dưới góc nhìn của những người làm nghệ thuật.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc chia sẻ: Những người làm chương trình này đều xác định khán giả đón nhận không phải vì chương trình quá xuất sắc mà vì diễn ra đúng thời điểm, được làm một cách chỉn chu, không giống kiểu livestream thông thường của một cá nhân. Ban Tổ chức và các nghệ sỹ tham gia chương trình sẽ tiếp tục tăng tính tương tác, giao lưu trực tuyến với khán giả.
Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc tin tưởng rằng nếu làm định kỳ và có tên gọi như một thương hiệu nghệ thuật thì lượng khán giả sẽ tăng lên, nghệ thuật online sẽ giúp cho việc quảng bá tới khán giả rộng rãi hơn trong thời gian tới…
Thanh Giang - TTXVN