Làn sóng #MeToo tại Hàn Quốc: Đến lượt đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk
(Thethaovanhoa.vn) - Phong trào #MeToo ở Hàn Quốc đang "nóng" lên từng ngày, nhiều nghệ sĩ là những nhân vật "có máu mặt" trong làng giải trí xứ Kim chi tiếp tục bị tố cáo.
- Hưởng ứng trào lưu #MeToo, hàng loạt sao Hàn bị cáo buộc lạm dụng, cưỡng hiếp
- Nhóm đứng sau chiến dịch chống quấy rối tình dục #MeToo được Time chọn là nhân vật của năm 2017
Cuối tuần qua, nam diễn viên nổi tiếng Jo Min Ki đã treo cổ tự vẫn sau khi bị tố đã cưỡng bức hàng chục diễn viên và sinh viên nữ. Tuy nhiên chiến dịch #MeToo không hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
"Trục xuất" ra khỏi sách giáo khoa?
Nhà làm phim Hàn Quốc từng đoạt giải Sư tử Vàng Kim Ki Duk nhiều khả năng bị đưa ra khỏi sách giáo khoa trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhân viên nữ "tố" ông cưỡng dâm họ sau một loạt cáo buộc lạm dụng.
Được biết, tuần trước Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã yêu cầu Ban Sách giáo khoa xem lại những sách giáo khoa có mô tả về nhà làm phim nổi tiếng này. Trước đó, Kim Ki Duk đã được đề cập đến trong một số cuốn sách giáo khoa sau khi đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Quốc tế Venice hồi năm 2012
Hiện Kim Ki Duk đang đối diện với những cáo buộc cưỡng dâm sau khi chương trình điều tra truyền hình PD Notebook đưa các cuộc phỏng vấn của 3 nữ diễn viên, trong đó họ tiết lộ về những hành vi không đứng đắn của Kim Ki Duk. Một trong số họ tiết lộ rằng cô đã bị đạo diễn và nam diễn viên Cho Jae Hyun tấn công trong quá trình họ quay bộ phim do Kim Ki Duk đạo diễn.
Hôm 9/3, đạo diễn này lại tiếp tục đối diện với lời cáo buộc mới. Trong một chương trình truyền hình sáng của kênh MBC, một cựu trợ lý đạo diễn từng làm việc với Kim Ki Duk tiết lộ đạo diễn đã cưỡng bức một nhân viên nữ trong quá trình quay các bộ phim của ông.
Hiện đạo diễn Kim Ki Duk đang ở Hong Kong (Trung Quốc) xúc tiến dự án điện ảnh mới và chưa thấy ông lên tiếng gì về những lời cáo buộc mới.
Trong khi đó, cuối tuần qua nhà xuất bản Three Chairs tuyên bố họ sẽ thu hồi các ấn bản phẩm do nhà thơ nổi tiếng Ko Un (84 tuổi) sáng tác, xóa bỏ hết các bài thơ của ông trong sách giáo khoa và đóng cửa một thư viện mang tên ông do chính quyền thành phố Seoul sáng lập, sau khi xuất hiện những cáo buộc về hành vi không đứng đắn của ông.
Nhà thơ nữ Choi Young Mi cho biết, Ko Un thường thích sờ soạng các phụ nữ trẻ, và nhiều nhà văn, biên tập viên và nhà xuất bản là nạn nhân bởi "thói hư tật xấu" của ông.
Công bố này được đưa ra một ngày sau khi nam diễn viên, giảng viên trường Đại học Cheongju, Jo Min Ki, được phát hiện đã chết tại một bãi đỗ xe gần căn hộ của anh. Jo Min Ki để lại một lá thư tuyệt mệnh viết tay dài 6 trang, trong đó anh xin lỗi các sinh viên và đồng nghiệp của mình về những hành vi không đứng đắn. Jo Min Ki đã bị 20 đồng nghiệp tố cáo anh đã quấy rối họ.
Cuộc săn lùng phù thủy thời hiện đại?
Việc Jo Min Ki kết liễu cuộc đời theo cách bi kịch ấy đã gây sốc nhiều người. Một số người cho rằng cái chết của Jo Min Ki có thể tạo một bước ngoặt khiến chiến dịch #MeToo giảm nhiệt đồng thời cũng bày tỏ lo lắng về hướng đi của chiến dịch này.
"Trong một đất nước dân chủ, người dân có quyền được xét xử công bằng và không bị công chúng phán xét" – Kim Seon Taek, Chủ tịch Hiệp hội những người nộp thuế Hàn Quốc, viết trên trang mạng xã hội cá nhân.
Kim Seon cho rằng phong trào #MeToo đang đi chệch hướng và "làm mất thanh danh". "Những ai bị cáo buộc có hành vi không đứng đắn đang bị giới truyền thông và công chúng phán xét, chứ không phải luật pháp và điều này trái với hiến pháp" – Kim Seon Taek viết. Ông cho rằng lời tiết lộ của các nạn nhân và phản ứng sau đó của giới truyền thông là một kiểu "săn lùng phù thủy".
Nhưng có một số người không đồng tình với quan điểm của Kim Seon Taek. Kang Hak Jung, Giám đốc Viện Nghiên cứu các Quan hệ Gia đình, cho rằng cái chết của Jo Min Ki có thể khiến các nạn nhân "chùn bước", không muốn "tố" những kẻ gây tội nữa.
"Tôi chẳng hề mong muốn cái chết của Jo Min Ki đóng vai trò làm "hạ nhiệt" của #MeToo. Bởi đây là phong trào nhằm đưa xã hội trở thành nơi an toàn hơn và không có tội phạm tình dục. Theo tôi chiến dịch này vẫn phải giữ vững cho đến khi đạt được mục tiêu" - Kang Hak Jung nói.
Còn Bang Gui Hee, giáo sư trường Đại học Soongsil Cyber, cho rằng có rất nhiều lý do đằng sau cái chết của Jo Min Ki: có thể do anh ta ăn năn, hối lỗi với những gì mình đã làm hoặc cũng có thể do những nguyên nhân khác tác động.
"Jo Min Ki là một nhân vật của công chúng và bị thất sủng sau khi nhiều sinh viên của mình tuyên bố họ bị Jo Min Ki quấy rối và tấn công. Có thể còn nhiều lý do khác nữa khiến Jo Min Ki có lựa chọn cực đoan như vậy" - Bang Gui Hee nhận định.
Một số nhân vật bị cáo buộc vẫn im lặng Sau cái chết của Jo Min Ki, phong trào #MeToo ở Hàn Quốc vẫn “nóng”, trong bối cảnh một số nhân vật bị tố cáo vẫn im lặng hoặc thậm chí là phản pháo. Nhà làm phim Cho Geun Hyun, đạo diễn phim Heungboo: The Revolutionist (2018) vẫn im lặng sau khi bị nhiều diễn viên trẻ tố cáo quấy rối họ. Trong các cuộc phỏng vấn với các diễn viên trẻ tham gia một dự án video nhạc, Cho Geun Hyun đã nhiều lần khuyến khích các diễn viên “đổi tình” lấy một vai diễn trong dự án. Trong khi đó, nghệ sĩ trống Nam Goong Yeon đã phủ nhận những cáo buộc quấy rối, thậm chí nghệ sĩ này còn đe dọa kiện các nạn nhân. |
Việt Lâm (tổng hợp)