Làn sóng Hàn Quốc năm 2021: Dâng cao, nhưng vẫn chưa chạm đỉnh
(Thethaovanhoa.vn) - Từ các bộ phim truyền hình ăn khách Squid Game (Trò chơi con mực) và Hellbound (Bản án từ địa ngục) cho đến nhóm nhạc K-pop siêu đẳng BTS, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới trong suốt năm 2021.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh cao của nội dung Hàn Quốc.
Những K-Drama mang tính phê phán xã hội
Squid Game, loạt phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc được chiếu trên Netflix đã trở thành nội dung được xem nhiều nhất mọi thời đại trên dịch vụ trực tuyến “khổng lồ” này với hơn 1,65 tỷ giờ xem trong 4 tuần đầu tiên sau khi phát sóng hồi tháng 9.
Loạt phim gồm 9 phần, kể về các thí sinh cạnh tranh trong trò chơi chết người để giành được 45,6 tỷ won (38,5 triệu USD) tiền thưởng. Sức hút của Squid Game đã khiến trang phục trong phim - bộ đồ thể thao màu xanh lá cây và mặt nạ đen - trở thành bộ đồ ăn khách trong dịp Halloween ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trên TikTok, video về những người chơi trò chơi con mực từng xuất hiện trong loạt phim này được lan truyền chóng mặt.
Có thể nhận thấy, tính thẩm mỹ đầy màu sắc của Squid Game mang lại cảm giác quen thuộc đối với khán giả nhỏ tuổi từng chơi trò chơi điện tử. Ví dụ, các biểu tượng mà lính canh đeo với loạt hình tròn, hình vuông và hình tam giác tương tự như các ký hiệu được tìm thấy trên máy chơi game PlayStation. Những lời khen ngợi truyền miệng thông qua mạng lưới toàn cầu của game thủ được cho là đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. Thêm nữa, các vấn đề được giải quyết trong loạt phim, bao gồm nghèo đói, kiểu sống vội và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, đưa ra một cách nhìn mới về các vấn đề xã hội. Ngoài yếu tố hư cấu, câu chuyện này còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về xã hội Hàn Quốc, về một số người dân đất nước này đang sống trong nghèo khó, trong điều kiện chật chội, thường xuyên không có điện, nước hoặc trong các tầng hầm…
Và sau đó Hellbound, một loạt phim kinh dị giả tưởng mới của Hàn Quốc, cũng được chiếu trên Netflix, đã vượt qua Squid Game để trở thành loạt phim truyền hình được xem nhiều nhất trên nền tảng phát trực tuyến này, chỉ một ngày sau khi phát hành hồi tháng trước.
Hellbound, mô tả tình trạng hỗn loạn và bất ổn của xã hội sau hàng loạt hiện tượng siêu nhiên khó giải thích, đã đứng đầu bảng xếp hạng 10 chương trình truyền hình phổ biến nhất của Netflix trong 10 tuần liên tiếp cho đến khi trượt khỏi danh sách vàohôm 23/12. Tuy nhiên, ngày hôm đó vẫn có 3 bộ phim truyền hình Hàn Quốc có mặt trong bảng xếp hạng, gồm Squid Game (ở vị trí thứ 6), bộ phim lãng mạn lịch sử của KBS - The King's Affection (Luyến mộ - ở vị trí thứ 7) và bộ phim lãng mạn của đài tvN- Hometown Cha Cha Cha (Điệu chachacha làng biển - ở vị trí thứ 9).
BTS tiếp tục khuynh đảo thị trường âm nhạc
Trong nền K-pop, năm nay BTS tiếp tục tạo kỷ lục khi đĩa đơn tiếng Anh thứ 2 - Butter - của họ có 10 tuần không liên tiếp “ngự trị” trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100. BTS tiếp nối thành công với 2 nhạc phẩm khác đoạt quán quân bảng xếp hạng Hot 100 là Permission toDance và My Universe - đĩa đơn hợp tác với ban nhạc rock Coldplay của Anh.
Đáng nói nữa, 7 chàng trai BTS đã giành được 4 giải tại lễ trao giải Âm nhạc Billboard và 3 giải Âm nhạc Mỹ, đồng thời năm thứ 2 liên tiếp được đề cử Grammy ở hạng mục Trình diễn nhóm/Bộ đôi nhạc pop xuất sắc nhất.
Đặc biệt, tại lễ trao giải Âm nhạc Mỹ diễn ra hồi tháng trước, BTS đã trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên giành được danh hiệu cao nhất - Nghệ sĩ của năm. Chưa kể, nhóm nhạc K-pop này đã có 4 buổi hòa nhạc cháy vé tại Sân vận động SoFi ở Los Angeles, đón hơn 200.000 người hâm mộ Mỹ đến kín sân cổ vũ trong 4 đêm hòa nhạc từ ngày 27/11 đến ngày 1/12 bất chấp đại dịch Covid-19.
“Trước đây, làn sóng Hàn Quốc chỉ là một hiện tượng khu vực ở một số quốc gia châu Á tiếp giáp về địa lý và văn hóa” - nhà phê bình âm nhạc Kim Young Dae, nói trong một chương trình phát thanh -“Nhưng giờ, nó là một hiện tượng toàn cầu xảy ra không theo khuôn mẫu cụ thể nào, kể cả ở những quốc gia không có nền văn hóa tương tự như Mỹ, Kazakhstan và Indonesia”.
Nhìn tổng cộng 13 album của các nhóm nhạc K-pop khác như Blackpink, Twice, Seventeen, Enhyphen, ITZY, NCT 127, TXT và Monsta X đã lọt vào bảng xếp hạng album Billboard 200, trong đó có một số album đạt vị trí cao, nhà phê bình Kim Young Dae nhấn mạnh những thành tựu này cho thấy đã có sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của phương Tây về văn hóa Hàn Quốc trong những năm gần đây.
“Người phương Tây rõ ràng có định kiến về người châu Á. Họ nghĩ nhữngnội dung người châu Á làm ra thườngvui nhộn nhưng rất kỳ lạ hoặc lập dị” - Kim Young Dae nói và trích dẫn bản hit trên toàn thế giới năm 2012 Gangnam Style của Psy làm ví dụ.
Chưa tới đỉnh cao của “Làn sóng Hàn Quốc”
Thực tế, trong 3-4 năm gần đây mọi thứ đã thay đổi đến mức các nhóm nhạc thần tượng K-pop được coi là tiêu chuẩn mới về thẩm mỹ hay hiện đại.Không còn nghi ngờ gì nữa, đằng sau thành công của 2 loạt phim truyền hình Hàn Quốc là sự phát triển của các nền tảng phát trực tuyến và việc “bạo tay” đầu tư kinh phí sản xuất,cũng như quyền tự do nghệ thuật cần thiết, để nhắm tới mục tiêu là thị trường quốc tế.
Theo Kang Yoo Jung, giáo sư Đại học Kangnam của Seoul, đại dịch Covid-19 đã buộc các nhà sản xuất phải tìm cách để duy trì hoạt động, trong khi các nền tảng phát trực tuyến tiên tiến “đang chiếm lĩnh sự thống trị của Hollywood trong thị trường giải trí toàn cầu và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tiềm năng cao đã nhanh chóng nắm bắt sự thay đổi”.
Tuy nhiên, Kang Yoo Jungcho rằng mọi người cần chú ý đến thành công của Hellbound hơn là Squid Game để thực sự hiểu nội dung của Hàn Quốc đã tiến xa đến mức nào.
- 10 nhân vật quyền lực nhất K-biz 2021, BTS vượt sao ‘Squid Game’
- 'Squid Game' tạo sức hút lớn cho dịch vụ phim trực tuyến
“Squid Game ăn khách bất ngờ giống như Gangnam Style của Psy. Nhưng khi những thành công như vậy liên tiếp xảy ra thì chúng trở thành một hiện tượng. Các quốc gia châu Âu ban đầu phớt lờ sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc, coi BTS là một phần của văn hóa tuổi teen nhưng sau đó các nhà phê bình chuyên nghiệp trong khu vực bắt đầu phân tích hiện tượng này, cố gắng hiểu tại sao nhiều câu chuyện mới mẻ trên thế giới lại đến từ Hàn Quốc” - Kang Yoo Jung nói.
Song theo Kang Yoo Jung, đỉnh cao của “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) vẫn chưa đến. “Nếu như BTS mở đường cho nhạc pop Hàn Quốc thì bộ phim đoạt giải Oscar Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho đã giúp đưa các lĩnh vực văn hóa Hàn Quốc khác lên vị trí vững chắc. Và bây giờ là sự khởi đầu của thời kỳ hoàng kim cho văn hóa phát trực tuyến”.
Nhà phê bình âm nhạc Kim Young Dae đồng ý với quan điểm này : “Thoạt nhìn, những gì chúng ta thấy bây giờ có vẻ là đỉnh cao của làn sóng Hàn Quốc. Nhưng xét trong nhiều trường hợp khác nhau, sẽ có nhiều cơ hội để nó phát triển hơn”. Theo Kim Young Daedự đoán, xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ và khó có thể thay đổi trong những năm tới.
“Thách thức” văn hóa Mỹ Các chuyên gia cho rằng những thành công phi thường trong năm qua một lần nữa chứng minh: Văn hóa đại chúng Hàn Quốc hiện đã bám rễ vững chắc vào thị trường giải trí toàn cầu vốn bị Mỹ thống trị trong gần một thế kỷ qua. |
Việt Lâm (tổng hợp)