Lần đầu tiên sẽ tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc.
Thông tin này do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra tại cuộc họp triển khai các hoạt kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (ngày 27/7/1947-27/72020) diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội.
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tháng 5 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch hướng dẫn các địa phương triển khai kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm là chương trình "Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020", dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/7 tại Hà Nội; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, dự kiến diễn ra ngày 21/7 tại tỉnh Quảng Nam.
Tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tặng quà cho gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ, lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang; trao tặng 20 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Nam và trao tặng 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, vào 7 giờ 30 ngày 27/7, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương sẽ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, tặng quà cho gia đình người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện, cả nước có 4.968 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trong tổng số 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các Mẹ đều đã "như chuối chín cây", nhiều địa phương hiện không còn Mẹ Việt Nam anh hùng. "Sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chúng ta chưa từng tổ chức một cuộc gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng. Chương trình gặp mặt lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với người có công nói chung và Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 5 năm tiến hành giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, tính đến nay việc giải quyết đã cơ bản hoàn thành theo tinh thần Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Từng hồ sơ tồn đọng đã được xem xét, giải quyết công khai, minh bạch, thấu tình đạt lý. Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
- Kiên Giang xây dựng Đền tưởng niệm người có công
- Trường hợp liệt sĩ trở về sau 33 năm: Đề xuất dừng chế độ người có công với thân nhân
- Trường hợp liệt sĩ trở về sau 33 năm: Chờ ý kiến Cục Người có công
Tại cuộc họp, ông Đào Ngọc Dung cho biết đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng, nhất là việc giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; đồng thời tiếp tục hướng dẫn giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn vướng mắc tại địa phương; hoàn thành hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và việc xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng...
Hạnh Quỳnh - TTXVN