Lần đầu tiên nhà đấu giá Christie rao bán tranh do trí tuệ nhân tạo vẽ
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin nhà đấu giá Christie chuẩn bị rao bán một tác phẩm nghệ thuật không phải do con người tạo ra đang thu hút sự chú ý trong giới.
- Chuyên gia cảnh báo, 5 năm tới, khủng bố sẽ biến trí tuệ nhân tạo thành vũ khí
- Facebook ra mắt Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Montreal
- Trí tuệ nhân tạo tự học, siêu vũ khí mới của thế kỷ 21
Vào tháng 10 năm nay, Christie sẽ mở bán một tác phẩm nghệ thuật do đơn vị tổng hợp nghệ thuật của Pháp có tên Obvious sáng tạo. Được biết nội dung bức vẽ mang màu sắc u ám là về một linh mục mặc áo lễ, với nhiều phần khác nhau của bức tranh vẫn để dang dở một cách có chủ ý. Nhưng ý đồ này không thực hiện bởi một nghệ sĩ, mà là trí thông minh nhân tạo (AI). Nói cách khác, Obvious đã tạo ra một thuật toán, rồi tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra bởi một máy tính sử dụng thuật toán đó.
Trong một câu chuyện trên trang web của Christie, Obvious đã trình bày quy trình của mình, mô tả cách thức họ tạo ra tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trên thế giới dựa trên AI và được đem lên sàn đấu giá. Nhóm này đặt tên phương thức là GAN, viết tắt của "Generative Adversarial Network" (Tạm dịch là "Mạng lưới sản sinh đối nghịch").
“Thuật toán bao gồm hai phần” - Hugo Caselles-Dupré, một thành viên thuộc Obvious, chia sẻ với Christie - “Một là máy sáng tạo (Generator), phần còn lại là máy phân biệt (Discriminator). Chúng tôi đã cung cấp cho hệ thống một bộ dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 đến 20. Máy phát tạo ra một hình ảnh mới dựa trên bộ tranh dữ liệu, sau đó máy phân biệt cố gắng phát hiện sự khác nhau giữa hình ảnh do con người tạo ra và hình ảnh do máy phát tạo ra. Mục đích là để đánh lừa máy phân biệt cho tới khi nó nghĩ rằng những hình ảnh mới tạo ra chính là những chân dung được vẽ trong thực tế cuộc sống. Đến cuối cùng, chúng ta thu được kết quả”.
Việc tác phẩm mang tên Chân dung của Edmond Belamy (mặc dù không có sự xuất hiện của Edmond Belamy) được chào bán ở Christie có thể khiến nhiều người mua truyền thống nghĩ rằng nhà đấu giá nên trung thành với các sản phẩm do con người thực hiện, chứ không phải máy tính.
Tuy nhiên, bản in trên vải của bức tranh này trông giống một tác phẩm nghệ thuật thực sự (thuộc khoảng thế kỷ 17) tới mức Richard Lloyd, chuyên gia của Christie sẽ tổ chức sự kiện bán hàng (dự kiến từ ngày 23-25/10 ở New York), cho rằng nghệ thuật từ AI có thể là phương thức tiếp theo để thị trường nghệ thuật theo đuổi và nắm bắt.
"Sau tất cả, nó thực sự là một bức chân dung" - Lloyd nói - "Nó có thể không được vẽ bởi một người đàn ông với mái tóc giả màu hoa tiêu, nhưng nó chính xác là loại tác phẩm nghệ thuật chúng tôi đã bán suốt 250 năm qua".
Duy An
Theo Artsy