Lần đầu tiên, LHP Việt Nam vắng phim Nhà nước: Nửa mừng, nửa lo
(Thethaovanhoa.vn) - 47 năm tồn tại, lần đầu tiên trong lịch sử Liên hoan phim Việt Nam không còn phim truyện điện ảnh nhà nước dự thi. Điều này được cho là phù hợp với xu thế phát triển của nền điện ảnh nước nhà nhưng cũng khiến những người quản lý và nhà sản xuất phim vui không trọn vẹn.
- Ngô Thanh Vân kêu cứu cho 'Cô Ba Sài Gòn' tại LHP Việt Nam
- Phim 18+ 'Đảo của dân ngụ cư' tranh Bông sen vàng LHP Việt Nam XX
- LHP Việt Nam: Lần đầu tiên chấp nhận phim 'Việt hóa'
Cụ thể, ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, 16 bộ phim truyện dự thi đền từ 15 đơn vị sản xuất tư nhân.
Phim tư nhân “độc chiếm”, LHP “tươi mới”
Nói là 16 nhưng kỳ thực, chỉ có 14 phim ở hạng mục này có cơ hội đoạt Bông Sen Vàng, bởi hai phim remake (phim làm lại) là Sắc đẹp ngàn cân và Bạn gái tôi là sếp chỉ có cơ hội giành giải thưởng cá nhân. 14 phim còn lại là: 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Bao giờ có yêu nhau, Cha cõng con, Cho em gần anh thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua, Cô hầu gái, Đảo của dân ngụ cư, Em chưa 18, Hotboy nổi loạn 2, Nắng, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim.
Cho rằng việc không có phim điện ảnh của nhà nước tham gia là xu thế hiện tại, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - Trưởng BTC LHPVN lần thứ XX - còn bày tỏ sự lạc quan, rằng năm nay BTC ban tổ chức đã chọn được các bộ phim tư nhân chất lượng, có sự sàng lọc để loại bỏ những phim hài nhảm. Bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định là chất lượng phim tham gia tranh giải kỳ này thực sự đã được nâng cao.
Bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam nhận định: “Nét tươi mới là đặc điểm rõ nét nhất của 16 bộ phim truyện dự thi. Đó là sự tươi mới của một thế hệ các đạo diễn trẻ, trong đó nhiều đạo diễn “trình làng điện ảnh” với tác phẩm đầu tay và ngay lập tức đã được Hội đồng tuyển chọn dự thi.”
“Còn có nét vụng về nhưng dễ dàng thấy được sự mới mẻ trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ, khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu để rồi bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn…” – bà Lý Phương Dung nói tiếp về các bộ phim này.
Làm phim theo kiểu “mò cua bắt ốc”
NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh - Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện, cho biết 16 phim truyện tranh giải được lựa chọn rất đa dạng, thể hiện bước chuyển biến mới của điện ảnh VN, thể hiện nét tươi mới của một thế hệ đạo diễn trẻ trong việc khai thác các mảng đề tài đời sống xã hội hiện đại với cái nhìn đa chiều.
Song, ông cho rằng, khán giả trẻ hiện nay thích xem phim giải trí, hài, hành động, chán phim đề tài chiến tranh lịch sử… là lý do khiến các nhà sản xuất tập trung vào mảng đề tài này.
“Tất nhiên, làm nhiều phim giải trí phục vụ nhu cầu khán giả cũng không sao, nhưng không thể đưa thể loại phim này đi giao lưu vì thế giới họ không quan tâm nước ta giải trí thế nào” – NSND Đặng Nhật Minh nói – “Nên nhớ, một bộ phim được giải thưởng tại liên hoan phim nào đó chưa nói lên được điều gì, ban giám khảo chỉ có trên dưới 10 người bình chọn. Thời gian và khán giả mới là vị giám khảo quan trọng nhất, công tâm nhất, quan trọng là sau 20 năm, 30 năm khán giả có có còn muốn xem những bộ phim đó nữa hay không?”.
Đạo diễn, nhà lý luận phê bình Tô Hoàng - bày tỏ: “Là thành viên ban giám khảo hạng mục Phim truyện, tôi có cái nhìn lạc quan hơn với tình hình phim điện ảnh hiện nay. Tuy nhiên, sự thực vẫn tồn tại tình trạng “mò cua bắt ốc”, phim hay cả về nội dung lẫn phương pháp biểu đạt vẫn còn là chuyện tình cờ, ngoài tầm tay.”
Giải thích về tình trạng “mò cua bắt ốc”, ông Hoàng nói: “Đó là việc phim này bắt chước phim kia, bắt chiếc đề tài phim nước ngoài, tình trạng lóe ra ý tưởng tốt nhưng sợ thất thu nên buộc phải chấp hành quy tắc bất thành văn là sex một tí, tiền một tí, bạo lực một tí”.
Còn nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì chia sẻ rằng, điện ảnh Việt mới chỉ phong phú về số lượng: “Hiện tượng người người làm phim, nhà nhà làm phim chỉ nên mừng một nửa” – bà Ngát nói - "Một nửa còn lại là lo âu bởi không ít người chưa am tường lắm về điện ảnh cũng làm phim dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm ít tính chuyên nghiệp và có hướng thích gì làm nấy, non yếu về tay nghề và nông cạn về ý tưởng, thiếu logic về kết cấu câu chuyện.
Bởi vậy, theo nhà biên kịch này, xét cho cùng, sự thiếu vắng phim dự thi của các nhà làm phim gạo cội thuộc hai đơn vị nhà nước (Hãng phim truyện Việt Nam và hãng phim Giải Phóng) vẫn là điều rất đáng suy nghĩ tại LHP lần này.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ 24-28/11. Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào 20h ngày 28/11 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. |
Tiểu Phong