Làm trái ngành không còn nặng nề, phải hay trái có chí ắt thành công
Sinh viên ra trường làm trái ngành ngày càng phổ biến. Suy nghĩ về điều này cũng không còn nặng nề so với quan điểm của các thế hệ trước.
"Tôi làm việc tại công ty truyền thông. Không phải tất cả nhân sự trong văn phòng đều tốt nghiệp từ trường đào tạo về lĩnh vực này, thế nhưng, nếu không hỏi có lẽ mọi người sẽ không thể biết họ làm trái ngành. Vì các bạn ấy vẫn chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, làm được mọi việc bất kể xuất thân từ trường nào. Tôi là designer (người thiết kế) nhưng học trường kinh tế, đồng nghiệp cạnh tôi chịu trách nhiệm mảng content (nội dung) nhưng tốt nghiệp trường ngân hàng,... Chúng tôi vui vẻ và cố gắng với công việc của mình, thiếu ở đâu lại nỗ lực học ở đó. Nhận ra làm trái ngành cũng đâu có tệ".
Chia sẻ của một thành viên tại Cột Sống Gen Z nhận được nhiều sự chú ý của mọi người. Học ngành này, làm nghề khác không phải chuyện hiếm. Trước đây, nhắc đến việc sinh viên ra trường làm trái ngành nhiều người có cái nhìn không thoải mái, nhưng hiện nay, từ người học tới nhà tuyển dụng, gần như đều không còn nặng nề vấn đề này.
"Thay đổi theo thời, cố chấp sẽ thụt lùi"
Học hết 4, 5 năm trên giảng đường đại học, bất kể cử nhân nào cũng muốn được làm đúng chuyên ngành học để có thể phát huy tối đa năng lực cũng như những kiến thức đã tích lũy. Thế nhưng, để tìm một công việc đúng ngành nghề mong muốn là thử thách không dễ dàng. Nếu đã chưa thể làm việc đúng ngành, nhiều người lập tức "đá chéo sân", đi tìm những công việc khác nếu bản thân thấy phù hợp. Và thực tế, rất nhiều bạn trẻ chọn được công việc trái ngành hợp với mình, đạt được mức thu nhập cao, thậm chí dự định gắn bó, phát triển lâu dài với sự lựa chọn "tay trái" này.
Bạn Ngọc Ánh (sinh năm 1998), học chuyên ngành Kinh tế môi trường, sau khi tốt nghiệp, do chưa tìm được công việc đúng chuyên môn, Ánh quyết định làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thời trang. Với niềm yêu thích làm đẹp cho mình, cho mọi người, cùng sự khéo léo trong quá trình tư vấn cho khách hàng, Ánh nhanh chóng đạt được doanh số cao, nhận được mức thu nhập ổn định hàng tháng từ 11-12 triệu đồng, có tháng nhiều hơn. Chia sẻ với chúng tôi về công việc hiện tại, cô nàng cho biết: "Ban đầu, khi quyết định rẽ hướng làm về thời trang, mình cũng e ngại vì nó chẳng liên quan gì đến ngành học ban đầu. Nhưng đến nay, mình lại yêu thích công việc trái ngành này. Thời gian đầu tuy có vất vả nhưng bản thân cũng tự nhủ vì mình là tay ngang nên càng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn mọi người".
Không còn tâm lý nặng nề khi phải làm trái ngành, đón nhận những điều sẽ đến, chấp nhận đương đầu với khó khăn là cách mà thế hệ nhân sự mới đang làm. Tại thị trường lao động, làm trái ngành còn trở thành xu hướng mới. Dễ thấy trong một công ty, không phải tất cả 100% nhân sự đều đang công tác theo đúng ngành học ban đầu. Hoàng Minh (sinh năm 1999) cũng là một nhân sự như thế. Vốn là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, Minh bén duyên với nghề truyền thông - marketing một cách tình cờ và đã tìm thấy được đam mê của bản thân từ công việc trái ngành này:
"Mình ra trường lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của mọi người. Thời điểm đó, công ty cũ cũng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm nhân sự. Lúc đầu, bản thân rất buồn vì công việc không thuận lợi, nhưng trong thời gian này, mình nhận ra bản thân yêu thích sự sáng tạo, những công việc đòi hỏi sự năng động, ứng biến khiến mình bị thu hút. Cuối cùng, mình đã tìm ra được hướng đi mới trong việc phát triển sự nghiệp của bản thân, đó là đi theo xu hướng của thời đại mới với ngành truyền thông. Thời đại thay đổi, nếu bản thân cứ cố chấp buộc phải tìm việc đúng ngành, nhất định không chịu lấn sân e rằng mình sẽ bị thụt lùi. Vì vậy mình chấp nhận thử thách".
"Đá chéo sân" không phải thất bại, phải hay trái đều có thể thành công
Chia sẻ về chủ đề này cùng báo Thanh niên, GS-TS Phan Thanh Sơn Nam cho rằng: "Xưa nay, không ít người nghĩ rằng tốt nghiệp đại học xong, đi làm trái ngành là do không tìm được việc làm đúng ngành. Thật ra, chuyện không tìm được việc làm đúng ngành chỉ là một lý do nhỏ trong rất nhiều lý do và không có ngành nào gọi là trái ngành... Dù vẫn yêu thích ngành mình học, chưa bao giờ hối hận về chuyện chọn ngành học ngày xưa nhưng có một cơ hội khác tốt hơn. Công việc mới dù không đúng ngành mình học, nhưng điều kiện làm việc vui hơn, thu nhập lại cao hơn, cớ sao lại không chọn".
Cựu sinh viên khoa Hóa thành công trong lĩnh vực không liên quan đến Hóa nhiều vô số, học kinh tế đâu nhất thiết chỉ có thể làm kinh doanh,... Không ít nơi sếp các công ty về máy tính, điện tử, ngân hàng toàn là người "ngoại đạo". Nhiều quan điểm làm trái ngành là thất bại, lãng phí những tháng ngày học đại học. Tuy nhiên, khi nhìn nhận theo góc độ tích cực, bất cứ điều mà ta học được đều không lãng phí. Bạn không dùng những kiến thức, kỹ năng bạn có bây giờ không có nghĩa tương lai bạn sẽ không dùng tới.
Làm trái ngành, trái nghề vẫn luôn là đề tài khiến nhiều bạn trẻ trăn trở, thế nhưng, thay vì nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, thế hệ trẻ đón nhận một cách tích cực. Đối với học sinh, sinh viên còn đang lo lắng về ngành nghề mình chọn, chuyện tương lai không ai nói trước, thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng dù bạn học ngành gì, nếu bạn học hành chăm chỉ với thái độ tích cực, không ngừng phát triển bản thân thì dù cuộc đời có đẩy bạn đi tới đâu chăng nữa, dù làm trái ngành thì cũng khó thất bại.