Lạm thu đầu năm học: Kiên quyết không để 'đến hẹn lại lên'
Việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết, khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Trên thực tế, cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa đã làm gia tăng gánh nặng cho mỗi gia đình. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rất rõ về các khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở mỗi dịp đầu năm học mới.
* Nhiều văn bản chấn chỉnh “lạm thu”
Ngay khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022 - 2023. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
Trước đó, tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trước thềm năm học mới, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, các địa phương đã ban hành văn bản và triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý thu chi trong trường học.
- Nhiều phụ huynh TP HCM vẫn lo ngại dù các trường sẵn sàng phương án học trực tiếp
- Hội thảo 'Giấc mơ Đức số 12': Cần sự đồng hành của phụ huynh
UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập. Các khoản thu theo định kỳ gồm: Mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống. Các khoản thu theo tháng như: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ 7, dạy học 2 buổi/ngày…
Việc thu, chi các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải bảo đảm thu vừa đủ chi; chi đúng mục đích, mang tính chất phục vụ. Không nhất thiết thu đầy đủ các khoản thu tại Nghị quyết. Việc thu, chi phải bảo đảm nguyên tắc, không được điều chuyển từ khoản thu này sang khoản thu khác. Cuối năm học chi không hết phải trả lại cho cha mẹ học sinh hoặc chuyển sang năm học sau nếu cha mẹ học sinh đồng ý.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện quản lý thu, chi các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2022 - 2023. Theo đó, trước khi thu phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản; chỉ được thu sau khi đã thoả thuận với cha mẹ học sinh bằng văn bản.
Trong năm học này, đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, song việc phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cơ sở giáo dục tính toán kỹ lưỡng việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định. Các cơ sở giáo dục thực hiện giãn thu, không thu dồn vào đầu năm học gây khó khăn cho cha mẹ học sinh.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi năm học mới.
Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu, Ban đại diện phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
* Trăn trở với những khoản “tự nguyện”
Trên thực tế, bước vào năm học mới chỉ vài tuần, trên các diễn đàn, mạng xã hội, phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn về những khoản đóng góp gắn mác “tự nguyện” trong một số nhà trường.
Ngày 30/8, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Trung học Phổ thông Lê Chân (Hải Phòng) phản ánh việc nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp khoảng 1 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho giáo viên, học sinh. Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thành lập tổ công tác xác minh và kết quả cho thấy, quá trình triển khai có một số sai phạm như: tiếp nhận tài trợ trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch tài trợ, có dấu hiệu “cào bằng” trong việc vận động xã hội hóa, nhận tiền của phụ huynh khối 10 vào thời gian thực hiện thủ tục tuyển sinh đầu cấp.
Do vậy, ngoài việc yêu cầu Trường Trung học Phổ thông Lê Chân trả lại số tiền đã huy động được, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng còn yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân về sai phạm trong việc này.
Hay như tại Hà Tĩnh, Trường Tiểu học Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) vận động phụ huynh đóng góp mua 71 bộ bàn, ghế, 3 bảng. Tại buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm phổ biến mỗi em học lớp 1 phải đóng 973.000 đồng để mua bàn ghế, bảng, rèm cửa.
Việc thu cào bằng khiến một số phụ huynh không đồng tình và cho rằng, con em học trường công, đáng ra những cơ sở vật chất thiết yếu như bàn ghế, bảng phải có trước, không thể áp đặt bắt học sinh phải đóng góp để mua sắm. Lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh đã phê bình và yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Kỳ Trinh rút kinh nghiệm trong việc huy động xã hội hóa, đóng nộp đầu năm học chưa tạo được đồng thuận, gây bức xúc cho phụ huynh.
Ngoài những khoản thu do nhà trường vận động, những khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp cũng khiến phụ huynh không khỏi “đau đầu”. Tại nhiều trường học ở Hà Nội, ghi nhận từ phụ huynh cho thấy, mỗi năm đều phải đóng góp từ 1-1,5 triệu đồng/kỳ, tức từ 2-3 triệu đồng/năm học vào Quỹ phụ huynh để chi cho các hoạt động chung của lớp.
Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng góp thêm Quỹ phụ huynh trường từ 100.000-300.000 đồng/năm học. Những Quỹ này được chi cho các hoạt động của học sinh như: tổ chức sinh nhật, tặng quà Trung Thu, liên hoan, khen thưởng học sinh; tặng hoa, quà tri ân các thầy cô giáo dịp lễ, Tết; sửa sang, trang trí lớp học…
Đây là khoản thu không hề nhỏ với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên trong các cuộc họp đầu năm học, gần như không có phụ huynh nào lên tiếng phản đối bởi dẫu sao, quỹ này chủ yếu là phục vụ học sinh và chăm lo cho những thầy cô giáo giảng dạy con em mình. Việc thu quỹ theo kiểu “đổ đồng” nên tất cả phụ huynh đều “tự nguyện” đóng góp. Cùng với đó là vô số các khoản thu khác vào dịp đầu năm như: Quỹ Đoàn, Đội; Quỹ Hội chữ thập đỏ; Sổ liên lạc điện tử; tiền mua báo Đội…
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, phụ huynh hiện đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có sách giáo khoa giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hòa, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… Cộng tất cả lại sẽ là khoản lớn. Với mức lương của cán bộ, công nhân, viên chức chỉ 5-6 triệu đồng, số tiền phải đóng đầu năm học sẽ là gánh nặng cho các gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Để không xảy ra lạm thu, đầu tiên, phụ huynh cần nắm rõ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về những khoản tiền nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Phụ huynh dứt khoát từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định.
Trường hợp giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường làm sai, phụ huynh thông báo cho hiệu trưởng hoặc gọi đến Đường dây nóng của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc giám sát, quy định rõ ràng của Ban Giám hiệu nhà trường là rất quan trọng để tránh phát sinh các khoản lạm thu.
Việc xã hội hóa nhằm mục đích cải thiện chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn cũng như huy động nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, thực trạng lạm thu, chi sai các khoản thu tự nguyện và thu theo kiểu “cào bằng” khiến các gia đình khó khăn càng thêm gánh nặng.
Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm lạm thu. Cùng với đó, việc chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo mỗi nhà trường. Nếu Hiệu trưởng không cố ý “lách luật”, im lặng và sát sao hơn trong giám sát…, câu chuyện lạm thu sẽ không còn là vấn đề “nóng” trong các nhà trường mỗi khi bắt đầu năm học mới.
Việt Hà/TTXVN