Làm phim thời 'thích ứng an toàn': Khó khăn tứ bề
(Thethaovanhoa.vn) - Khi dịch Covid-19 lên cao trào, nhiều loại hình nghệ thuật tập trung đông người phải ngưng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu giải trí trong công chúng không thể ngừng lại, nhất là trong thời điểm mọi người phải ở nhà để đảm bảo an toàn. Xem các chương trình truyền hình và YouTube là giải pháp phù hợp nhất.
TP.HCM đã bước vào giai đoạn mới trong phòng chống dịch, mảng phim truyền hình và phim trên mạng (web drama) đã rục rịch hoạt động như là cách đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa làm vừa thăm dò, đã nảy sinh vô vàn khó khăn.
Bể bối cảnh
Khó khăn đến từ sinh hoạt đời sống của dân chúng chưa trở lại bình thường. Nhiều hoạt động còn đóng cửa, trong khi các kịch bản phim đều được viết trước khi dịch bệnh xuất hiện. Các phân đoạn quay ngoại cảnh dù có sắp đặt nhưng vẫn phải phản ánh thực tế cuộc sống đúng kịch bản, mà thực tế cuộc sống hiện tại giờ đã khác.
Thế nên, việc quay được cảnh phim đơn giản cũng trở thành một bài toán rất khó. Chủ nhiệm phim Kiều Cảnh Bình, bộc bạch: “Đoàn phim thường tập trung ít nhất là 50 người. Vì vậy, chính quyền địa phương, nơi chúng tôi chọn làm bối cảnh phim còn e dè, không dứt khoát, hôm nay cho quay nhưng hôm sau phát hiện có F0 ngay khu vực đó là phải hủy. Rủi ro bể bối cảnh rất cao”.
Ngoài ra, tất cả các đoàn phim đều bắt buộc phải thử Covid-19 tại chỗ, nhất là cảnh quay trong các tòa nhà công ty. Đây là một khoảng chi phí phát sinh không hề nhỏ, đè nặng lên ngân sách dự toán. Chính vì thế, các dự án phim lớn còn vẫn án binh bất động. Theo nhà sản xuất Kimmy Nguyễn (bà xã của đạo diễn Lê Thanh Sơn, phim Em chưa 18), thì bối cảnh tại Sài Gòn giờ gặp rất khó khăn. Các chủ đầu tư và chủ quản sợ bùng phát bệnh nên trước đây họ đồng ý cho quay, giờ từ chối. Chính vì vậy, phải ưu tiên quay trước các cảnh trong trường quay, chọn phông xanh, ghép cảnh. Ngoại cảnh phải để sau và không biết khi nào mới thực hiện được.
Thực ra tất cả anh em nghệ sĩ đều cập nhật thông tin dịch bệnh. Họ đều biết rằng dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, nhưng vì ham nghề và vì mưu sinh, họ phải lao vào công việc. Họ thừa biết rằng người được tiêm 2 mũi vaccine, nếu không tuân thủ 5K, vẫn có thể bị lây bệnh. Ngặt một nỗi diễn viên thì không thể diễn mà đeo khẩu trang, lại bắt buộc phải tiếp xúc gần. Tại trường quay, họ thăng hoa cảm xúc, quên hết lo lắng, nhưng khi trở về nhà họ phải xông hơi, xịt khuẩn và đi ngủ trong cảm giác không biết khi nào thì virus sẽ “ghé thăm” mình.
Thấp thỏm lo âu
Các chương trình truyền hình, tiểu phẩm, kịch truyền hình có lợi thế là quay tại phim trường cố định, có điều kiện thuận lợi để kiểm soát về mặt y tế. Nhưng phim truyền hình thì buộc phải di chuyển qua nhiều bối cảnh khác nhau, khó kiểm soát, cho dù đoàn phim bắt buộc tất cả thành viên phải được tiêm 2 mũi vaccine, giữ khoảng cách và sử dụng xịt khuẩn, rửa tay.
Như trên đã đề cập, giờ đây chọn bối cảnh tại Sài Gòn đang gặp khó khăn, nhiều đạo diễn đã quyết định chuyển hướng sang các tỉnh lân cận để thay thế. Nhưng giải pháp này cũng gặp cảnh dở khóc dở cười.
Đạo diễn Xuân Phước kể: “Câu chuyện chính trong phim diễn ra tại Sài Gòn, vì bể bối cảnh, nên tôi di chuyển xuống Long An cho gần. Chúng tôi phải liên tục dừng xe để khai báo y tế ở nhiều chốt kiểm tra, mà chốt nào cũng quá đông người. Đây là một thử thách không hề nhỏ. Mất quá nhiều thời gian. Mệt mỏi và mất cảm xúc… Nhìn chung là vô cùng gian nan so với bình thường. Tiến độ làm phim bị chậm lại, tốn kém nhiều hơn, nhưng chúng tôi cũng phải thích ứng với hoàn cảnh mới”.
- Hai nhà làm phim trẻ Việt Nam giành giải thưởng trong khóa học làm phim ngắn của UNESCO
- Nhà làm phim nỗ lực vượt khó trong mùa dịch Covid-19
- Làm phim chỉ chiếu trên YouTube, vì sao?
Xem ra, để có được một phim truyền hình hoặc một phim trên mạng trong giai đoạn này, các nghệ sĩ phải chấp nhận nhiều thử thách và nguy hiểm hơn trước. Ở đây, không chỉ là mệt mỏi về mặt thể xác, mà còn căng thẳng tinh thần. Không làm việc thì nhớ nghề, mất thu nhập, nhưng khi quay lại với công việc thì thấp thỏm, âu lo.
Hiện tại, những nghệ sĩ bận rộn như Cát Tường, Quốc Thuận, Trấn Thành… thì bị chọc mũi thử Covid-19 nhiều đến mức mà họ bị đau rát khó chịu. Có người, mỗi ngày bị “chọc mũi” 5-6 lần, vì di chuyển bối cảnh quay, nên họ nói đùa rằng mũi của họ giờ đã nở to như “mũi trâu” vậy. Nhưng vì nghề nghiệp, nghệ sĩ phải chấp nhận. Và mỗi ngày, họ cũng thắp nhang lên tổ nghiệp xin rằng dịch bệnh đừng ghé qua nơi họ làm việc. Cả nước đang thực hiện các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các nghệ sĩ và các đoàn làm phim cũng vậy.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Nguyễn Huy