“Làm nhân viên hạnh phúc, vật chất đủ đầy”: Triết lý giúp doanh nhân vực dậy công ty phá sản ở tuổi 77, trở thành tỷ phú nổi danh
Cách vận hành độc đáo “nói thì dễ, làm mới khó” này đã giúp ông trở thành một doanh nhân huyền thoại.
Ông Kazuo Inamori là một nhà từ thiện, doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng sinh năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Không chỉ nổi tiếng là nhà sáng lập Kyocera và công ty tiền thân của hãng điện thoại số 2 Nhật bản KDDI, ông còn trở thành “huyền thoại” khi vực dậy thành công Japan Airlines (JAL) ở tuổi 77.
Thời điểm đó, Kazuo Inamori hoàn toàn chưa có bất cứ kinh nghiệm nào trong ngành. Bằng những triết lý và bí quyết vận hành tài tình, ông đã đưa hãng hàng không này trở lại có lãi vào năm sau và lên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào năm 2013. Điều này tạo nên một “kỳ tích chấn động” cả nước Nhật.
Trong lịch sử huy hoàng vào những năm 80 của thế kỷ trước, Japan Airlines còn giữ vững danh hiệu hãng hàng không làm ăn tốt nhất thế giới, cả ở mảng vận tải hành khách và hàng hóa. Người Nhật luôn lấy làm tự hào khi hãng hàng không quốc gia làm dịch vụ tốt có tiếng. Họ còn được biết đến là hãng hàng không có đội máy bay Boeing 747 nhiều nhất trong lịch sử tính đến lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, những quyết sách lãnh đạo sai lầm đã dần khiến JAL càng về sau càng đi xa khỏi những thành công. Bản chất là hãng quốc gia nên JAL cũng phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều với các hãng bên ngoài.
Ông Hiroshi Sugie (cựu phi công với thâm niên 40 năm làm việc cho JAL) tiết lộ, mọi việc bắt đầu đi chệch hướng khi ban quản lý của hãng thực hiện các kế hoạch mở rộng hoạt động và đầu tư ra ngoài lĩnh vực hàng không.
Điển hình là những thương vụ đầu tư vào ngành khách sạn của Hội đồng quản trị JAL, trong đó có việc chi đến 190 triệu USD để mua khách sạn ở Manhattan (Mỹ) có tên Essex House, sau đó cải tạo công trình này hết thêm 100 triệu USD vào những năm 1980.
“Với chừng đó tiền, cho dù khách sạn kín phòng trong 30 năm thì công ty cũng chưa đạt bất cứ lợi nhuận gì”, ông Sugie nói. “Nó quá là đắt đỏ.”
Sau đó, JAL tiếp tục gặp nhiều trục trặc trong nội bộ và chịu ảnh hưởng từ những sự kiện toàn cầu. Công ty ngày càng chìm trong nợ nần. Đến năm 1992, công ty đã nợ đến hơn 505 triệu USD. Sau một thời gian, khối nợ dần tăng lên tới 21,8 tỉ USD, tức nhiều hơn 100 lần giá trị của hãng. Cuối cùng, tới năm 2010, JAL phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Với quyết tâm vực dậy JAL, Nhật Bản đã tung ra khoản cứu trợ cuối cùng trị giá hơn 8 tỉ Yên và bổ nhiệm ng Kazuo Inamori - người được coi như “huyền thoại sống” của giới chủ doanh nghiệp Nhật, làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng.
Thời điểm đó, vị doanh nhân đã gần 80 tuổi. Trọng trách nặng nề khiến ông Inamori phải lập tức nghiên cứu kỹ về ngành hàng không và bắt tay thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí và cải tổ mạnh mẽ.
Việc đầu tiên ông làm là lập tức cơ cấu lại toàn bộ hãng, cho dừng nhiều đường bay không hiệu quả, cùng với đó là quyết định sa thải 16.000 nhân công, giảm 30% lương của các nhân viên còn lại.
Để mọi người không bị “sốc tâm lý”, ông nhẹ nhàng tiếp xúc và giải thích để họ hiểu được sứ mệnh cũng như trách nhiệm của JAL đối với nước Nhật. Với những người ở lại, ông đưa ra đảm bảo sự chắc chắn về công việc để họ có thể yên tâm cống hiến lâu dài.
Không chỉ dùng lời nói, vị doanh nhân còn chứng minh bằng hành động.
Đầu tiên, ông quyết định mình sẽ không nhận lương tại JAL để làm gương.
“Việc tôi làm việc không lương đã tác động mạnh đến các nhân viên. Họ thấy rằng tôi đã hết mình trong công cuộc xây dựng lại công ty như thế nào, dù trước đây tôi không có mối liên quan nào với JAL”, ông Inamori về sau kể lại.
Tiếp theo đó, ông tích cực cải thiện chương trình phúc lợi cho nhân viên. Với quan điểm “Con người quan trọng hơn của cải”, ông yêu cầu tất cả các nhân viên phải đi học kỹ năng lãnh đạo. Đây là tiền đề để họ có cái nhìn khách quan hơn như một nhà quản lý, từ đó có thể hiểu và thông cảm hơn cho các quyết định của lãnh đạo.
Để gỡ rối trong việc quản lý của công ty này, ông Inamori cũng sử dụng hệ thống quản lý Amoeba mà ông đã áp dụng với Kyocera. Cụ thể, ông chia lực lượng lao động của JAL thành các đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị sẽ có một quản lý được phân quyền ở một mức độ nhất định.
Trong thời gian áp dụng quy định này, ông Inamori kiểm tra kỹ lưỡng từng biến chuyển của các bộ phận ở mỗi tháng để đưa ra những điều chỉnh và rút ra những bài học phù hợp.
Dù nội bộ tiến hành những thay đổi mạnh mẽ như vậy, JAL dưới sự lãnh đạo của ông vẫn đặt chất lượng phục vụ và an toàn của hành khách lên hàng đầu.
Sau 2 năm, từ hãng hàng không vừa phá sản, JAL một lần nữa trở thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lợi nhuận của hãng năm 2011-2012 lên đến 1,75 tỉ USD.
Sau năm 2012, JAL tiếp tục mở rộng phát triển, thực hiện đợt chào bán cổ phiếu công khai đầu tiên, mua thêm nhiều máy bay, mở các đường bay mới trên khắp thế giới.
Tới năm 2013, sau khi chứng kiến JAL đã “trở lại đường đua”, hoàn thành việc sắp xếp lại nhân sự và giải quyết vấn đề tài chính cho JAL, ông rời khỏi hội đồng quản trị JAL và trở thành cố vấn danh dự của hãng vào năm 2015.
Sau những dấu ấn đậm nét của mình, ông Inamori chia sẻ với Bloomberg về bí quyết thành công, trong một cuộc phỏng vấn cùng năm: “Các nhà lãnh đạo công ty không ở đó để làm việc vì cổ đông, mà để làm cho nhân viên hạnh phúc”.
Triết lý quản lý của ông luôn ưu tiên nhu cầu của nhân viên hơn nhu cầu của cổ đông. Ông cũng cho rằng, các công ty nên trao cho nhân viên nhiều quyền tự chủ hơn và để những hiểu biết sâu sắc của họ về nhu cầu thị trường đang thay đổi sẽ điều hướng kinh doanh. Chính điều đó đã tạo nên động lực cho sự phát triển của công ty.
Tại công ty, ông thúc đẩy các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, theo đuổi lợi nhuận thích hợp, sự minh bạch trong quản lý, cũng như lối sống có đạo đức của cá nhân.
“Tôi bắt đầu kinh doanh với 28 nhân viên và 3 triệu Yên. Sau 46 năm, công ty đã phát triển với lợi nhuận hàng năm là 100 tỉ Yên. Để công ty phát triển được như vậy, tiêu chuẩn để tôi đưa ra các quyết định chính là quan điểm luân lý, đạo đức mà tôi được dạy ngày bé. Nói đơn giản, đó là suy nghĩ: Sống với chính mình, làm điều đúng đắn một cách đúng đắn theo đúng nghĩa con người”, Inamori chia sẻ.
Ông cho rằng, nếu thực hiện đúng triết lý này, từng thành viên của doanh nghiệp sẽ hạnh phúc và công ty cũng sẽ phát triển.
Triết lý này được ông hiện thực hóa ở việc kinh doanh một cách chính trực, không dối trá, lừa lọc. Nhân viên và lãnh đạo của công ty luôn phải sống chân thành, dù gặp khó khăn cũng phải dũng cảm đương đầu và vượt lên chứ không được buông xuôi, làm điều xảo trá. Cùng với đó, phải tôn trọng chính nghĩa, lấy công bằng làm trọng, luôn nỗ lực rèn luyện tính khiêm nhường, nỗ lực không thua kém ai, không ghen tị và hận thù.
“Trong kinh doanh, theo đuổi lợi nhuận là đương nhiên nhưng cần biết lợi nhuận bao nhiêu là đủ, không quá ham hố; không dùng tiêu chuẩn suy xét chỉ dựa trên thiệt hay lợi mà suy xét trên cơ sở đạo lý”, ông nói.
Ông Inamori nói rằng triết lý kinh doanh của ông thật ra chính là những nguyên tắc đạo đức mà ai cũng biết. Bản thân ông trước nay đều đề cao và biến những nguyên lý đó thành cốt lõi cho hoạt động kinh doanh.
*Theo Aboluowang
5 triết lý ‘thành công không vật chất’ của 50 bậc thầy thông thái nhất thế giới