Làm gì để không lộn nhào trước bão sa thải: Đầu tiên là tiền đâu?
Những người trẻ vẫn quyết định nghỉ việc dù có thể gặp bấp bênh trong tài chính.
Sau Tết luôn là thời điểm “vàng” để mọi người nghỉ việc. Tuy nhiên, trong năm nay, cho đến bây giờ, thị trường tuyển dụng được nhận xét là không quá nhộn nhịp như những năm trước. Một phần là bởi vì các công ty đang trong tình trạng cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí hoạt động.
Song, vẫn có những người trẻ quyết định nghỉ việc giữa thời gian bão sa thải. Liệu họ đã chuẩn bị những gì đặc biệt trong câu chuyện tài chính?
Dành sẵn 3 tháng lương để chi tiêu khi thất nghiệp
Ánh Dương (23 tuổi) vừa mới nghỉ việc vào đầu tháng 2 năm nay. Cô bạn chia sẻ rằng bản thân đã làm tại vị trí Idea Researcher, thuộc bộ phận Marketing khoảng 1,5 năm và cảm thấy bản thân không trau dồi gì thêm về mặt kiến thức chuyên môn nên đã nghỉ việc để tìm công việc mới phù hợp hơn. Theo Ánh Dương, đối với một người mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm sẽ đáng giá hơn sự ổn định về mặt tài chính.
Trước khi nghỉ việc, Ánh Dương đã tìm hiểu kỹ và lên kế hoạch về số tiền bản thân cần có để quyết định nghỉ việc. Ngoài tài khoản tiết kiệm, cô bạn dành sẵn 3 tháng lương để chi tiêu khi thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Thái An (24 tuổi) vừa nghỉ việc tháng 1 năm nay, trước đó cô bạn đã làm ở vị trí Merchandiser (quản lý đơn hàng). Thái An luôn có thói quen khi nhận lương hàng tháng sẽ trích ra một khoản tiết kiệm kiệm. Khoản này không chỉ là để chuẩn bị cho việc nghỉ mà còn luôn là một khoản lưu trữ sẵn sàng cho tương lai sau này. “Đối với nhiều người thì họ luôn sẵn sàng chi tiêu hết số tiền mà họ có được, nhưng mình là người sợ rủi ro nên luôn phải “chắc cốp” sẵn sàng một phương án B cho mọi diễn biến có thể xảy ra”.
Hiện nay, nhiều người trẻ khá ngần ngại trong câu chuyện nghỉ việc giữa bão sa thải. Hàng loạt công ty lớn trên thế giới, đặc biệt trong khối công nghệ đã sa thải hàng loạt nhân viên nhằm cắt giảm nhân sự. Với những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, đây có thể là lực lượng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong thời điểm này.
Tuy nhiên, theo Hoàng Yến vừa nghỉ việc đầu năm nay, vì đã tiết kiệm được 1 khoản nhỏ và biết được bản thân có nhu cầu chi tiêu khá an toàn, đồng thời đặt giới hạn cho việc nghỉ ngơi này trong thời hạn nhất định chứ không phải mãi mãi, cô bạn vẫn cảm thấy khá an toàn trong câu chuyện tài chính.
Tính toán ra sao trong thời điểm bão sa thải?
Hiện nay, trước nền kinh tế nhiều biến động như vậy, nhiều người quyết định bám trụ với công việc vốn có, thay vì nghỉ việc. Theo Hoàng Yến, đây là một tính toán không sai. “Tuy nhiên, mình cũng cảm thấy rằng việc kinh tế biến động cũng giống như cuộc sống, công việc. Điều này vẫn luôn xảy ra. Với mỗi cá nhân khác nhau, họ trải nghiệm sự biến động vào khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ như mình đã làm 1 công việc trái ngành và bản thân mình đã trải qua biến động từ 4 năm trước, khi theo đuổi công việc truyền thông”. Hoàng Yến cho rằng trong tương lai, cô sẽ nỗ lực tích lũy những kiến thức có tính bền vững bên trong và học được cách thích nghi với mọi sự biến động hơn là tập trung vào sự biến động của bên ngoài bản thân.
Bên cạnh đó, Thái An cũng nghĩ biến động chưa chắc phải là một điều xấu, biến động có thể theo chiều hướng xấu đi hoặc tốt lên. Người trẻ với khả năng quan sát và cảm nhận còn nhạy bén thì nên “nhảy” sang một môi trường có biến động tốt hơn.
“Theo mình thì chắc chắn là có khó khăn. Các công ty luôn tinh giảm nhân sự để mang lại lợi nhuận tốt nhất, mà một nơi vừa có môi trường tốt vừa có mức lương phù hợp với bản thân, thực sự là phải tìm tòi rất nhiều. Tuy nhiên, mỗi một công việc luôn đòi hỏi những kỹ năng khác nhau, điều đó cũng thúc ép những người trẻ như mình luôn phải học hỏi và trau dồi mỗi ngày để bắt kịp những nhu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng”.
Bên cạnh đó vì đã có dự định cũng như chuẩn bị, bây giờ Thái An có một vài nguồn thu nhập làm thêm. “Mình có kiếm mấy công việc freelance trên mạng, việc này không những giúp kiếm thêm thu nhập mà còn có thêm kinh nghiệm. Nhưng công việc kiểu này sẽ không thể ổn định nên chỉ xem như công cụ để học hỏi cho những công việc sắp tới”.
Còn đối với Ánh Dương, trong trường hợp không thể tìm được một công việc ưng ý, cô bạn dự tính sẽ tìm các công việc part-time hoặc các công việc đơn giản để có thời gian học thêm kỹ năng và học lên cao hơn.
“Mình nghĩ điều quan trọng khi nghỉ việc là luôn sẵn sàng về mặt tài chính vì có thể có trường hợp bị cắt giảm đột ngột. Mặc dù luật Lao động quy định người lao động có thể được đền bù nhưng tốt nhất bạn nên “dắt lưng quần” một khoản tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống không lộn nhào”.
Ảnh: NVCC