Lá chắn tên lửa Nga sẵn sàng với viễn cảnh đối đầu quân sự tại Bán đảo Triều Tiên
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc Triều Tiên tuyên bố kế hoạch tấn công đảo Guam bằng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo đã “khóa mục tiêu và lên đạn”, thì lực lượng quân đội Nga tại vùng Viễn Đông vẫn thể hiện sự bình tĩnh, duy trì nhiệm vụ như thường lệ.
- Xuất hiện hệ thống siêu tên lửa Nga khiến tên lửa Mỹ Patriot phải cúi đầu
- Mỹ thừa nhận, lá chắn tên lửa ở châu Âu không thể đánh chặn tên lửa Nga
- Tàu sân bay Mỹ có thể trở thành miếng mồi của tên lửa Nga
Hãng tin Sputnik (Nga) mới dẫn nguồn giấu tên cho biết Lực lượng vũ trang Nga tại Vùng Viễn Đông, bao gồm đơn vị phòng không, vẫn hoạt động như thường lệ. Chưa có mệnh lệnh nào liên quan tới việc tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng vũ trang Nga tại Vùng Viễn Đông đã chuẩn bị cho mọi viễn cảnh đối đầu quân sự tại Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, luôn có nguy cơ rằng tên lửa Triều Tiên có thể hướng đến Nga trong tình huống gặp lỗi kỹ thuật hoặc tính toán sai mục tiêu.
Không phận Nga trong khu vực tiềm tàng nguy hiểm này được bảo vệ bởi trụ sở Tư lệnh phòng không và tên lửa số 11 ở Khabarovsk. Đây được coi là một trong những đơn vị có năng lực nhất trong quân đội Nga.
Vladivostok hiện là "nhà" của lực lượng phòng không số 93 bao gồm 4 hệ thống S-300 và hai tổ hợp S-400. Cùng kết hợp lại họ sở hữu gần 50 bệ phóng.
Bên cạnh đó, đơn vị phòng không số 25 đặt trụ sở tại Komsomolsk-on-Amur nắm trong tay 8 hệ thống S-300PS và 2 hệ thống S-300V với tổng là 80 bệ phóng tên lửa.
Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga có khả năng tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa và đánh chặn trên không. Chủ lực của hạm đội này là tàu tuần dương tên lửa Varyag được trang bị hệ thống phòng không Fort có tầm bắn trong phạm vi 200km và đạt độ cao tới 27km.
Hạm đội Thái Bình Dương cũng bao gồm trung đoàn tên lửa số 1532 đóng quân tại Petropavlovsk-Kamchatsky sở hữu 3 hệ thống tên lửa S-400.
Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok nhận xét với Sputnik: “Lá chắn tên lửa tại Vùng Viễn Đông Nga không có tiềm năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng cùng thời điểm, hệ thống S-300 và S-400 được triển khai tới khu vực này có thể dễ dàng đánh chặn tên lửa tầm trung của Triều Tiên”.
Chuyên gia này cũng khẳng định rằng để nhanh chóng phát hiện động thái phóng tên lửa cần có sự ra mặt của thiết bị thuộc Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, như hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm.
Trong thời gian Mỹ và Triều Tiên khẩu chiến qua lại kịch liệt, Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/8 khẳng định Moskva phản đối Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân và nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên là “rất cao”.
Theo Hà Linh/Báo Tin Tức