Kỳ thú hang động Sêrêpốk
Khám phá hang Dơi
Được anh Vương Văn Hiển, nhân viên Ban quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp hướng dẫn, chúng tôi tìm đến hang Dơi-một trong những hang nằm trong hệ thống hang động ở đây.
Vừa đi, anh Hiển vừa giới thiệu sơ qua về hệ thống hang Dơi: “Hang động ở đây nhiều lắm, cách mấy chục mét lại có một cái, chồng chéo, liên hoàn tạo nên một quần thể hang động huyền bí, tập trung chủ yếu ở tiểu khu 1246. Trong các hang có vô số ngõ ngách, không biết chỗ nào là tận cùng, đá xếp thành từng chồng, tạo cảnh quan rất độc đáo…”.
Sau gần 1 giờ đi bộ, anh Hiển nói: “Hang Dơi đây nè”. Theo hướng anh chỉ, một cái miệng hang lộ rõ, giữa những phiến đá tổ ong nằm chễm chệ trên nền đất như các vị thần canh gác cửa. Để vào được miệng hang, chúng tôi phải leo xuống bằng thang dây dài hơn 20m.
Trong không gian tĩnh lặng, với ánh sáng từ bên ngoài hắt vào và của đèn pin, chúng tôi đã được thấy sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Đó là những tảng đá muôn hình muôn vẻ, có tảng hình thoi, hình trụ, hình tam giác, có tảng dài và thẳng nằm xếp chồng lên nhau.
Những dải nhũ thạch chảy dài từ trên cao xuống nền hang, tạo nên những hình thù kì dị, lạ mắt. Phần giữa hang, vòm động được nâng cao, sâu hút như một cung điện trong cổ tích. Từ trên cao, những hạt nước nhỏ xuống rơi tí tách, đều đặn, nhẹ nhàng, thánh thót, hợp thành âm thanh êm dịu.
Theo ông Y Doen ở buôn Choáh, xã Buôn Choáh (Krông Nô) thì sở dĩ gọi là hang Dơi, bởi trước đây, dơi ở trong hang nhiều lắm, chỉ cần đứng ở cửa hang giậm chân thì lập tức đàn dơi bay ra đen nghịt. Chiều chiều, dơi bay về hang, rợp kín bầu trời. Những người đi rừng mỗi lần đi ngang hang dơi lại thấy chúng bám trên những tảng đá thành từng đám đen ngòm. Sau này, do tình trạng phá rừng diễn ra và nạn săn bắt dơi ráo riết của con người nên đàn dơi bắt đầu ít dần. Đến nay, đàn dơi còn lại rất ít và cũng chỉ quẩn quanh trong hang, ít khi ra ngoài.
Các hang động thuộc khu vực Krông Nô tuy còn hoang sơ nhưng cũng đã thu hút sự tò mò, khám phá của không ít du khách, nhất là các chuyên gia địa chất. Theo đó, năm 2012, Bảo tàng Địa chất Việt Nam phối hợp với Hiệp hội hang động Nhật Bản tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu hệ thống hang động ở khu vực Krông Nô.
Kết quả cho thấy, ở khu vực Krông Nô hiện có hàng chục hang động lớn, nhỏ, chiều dài hệ thống hang khoảng 25 km, rộng khoảng 5 km, kéo dài từ miệng núi lửa tại buôn Choáh, xã Buôn Choáh, dọc theo chiều dài sông Sêrêpốk. Bên trong hang còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về địa chất thành tạo, đa dạng sinh học (không ngoại trừ khảo cổ)…
Hiện có 3 hang động có giá trị tiềm năng du lịch lớn có thể đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Cụ thể, hang động số 1 nằm cạnh Cụm du lịch sinh thái thác Đray Sáp, miệng hang rộng khoảng 1m, chiều dài hang khoảng 200m, chiều cao trung bình khoảng 2m, nhiều đoạn cao thấp khác nhau; hang có đường thông ra ngoài, đi lại thuận lợi. Hang động số 2, cách vị trí thác Đray Sáp khoảng 3km, có đường mòn xe ô tô đi đến miệng hang.
Miệng hang rộng, chiều ngang khoảng 15m, đi vào khoảng 50m chia thành hai nhánh, mỗi nhánh có độ dài khoảng 300m, chiều cao khoảng 6m, đường đi rộng, thoáng mát, không đọng nước, tuy nhiên hang không có đường thông đi ra.
Hang động số 3 thuộc lâm phận Công ty Lâm nghiệp Đức Lập (xã Buôn Choáh), là hang xa nhất cách vị trí thác Đray Sáp khoảng 30km. Miệng hang rộng khoảng 8m, chiều dài hang khoảng 200m, chiều cao khoảng 10m. Tuy nhiên, trong hang này việc đi lại không thuận lợi do kết cấu tầng đá bên trên mỏng, chủ yếu là đá bọt, độ gắn kết thấp; vị trí hang lại xa dân cư.
Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam thì đây là hệ thống hang động trong đá núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á và có niên đại khoảng từ 3,5- 0,5 triệu năm trước Công nguyên. Điểm đặc biệt là chúng được hình thành trong đá basalt chứ không phải trong đá carbonat (đá vôi) như đa số các hang động khác; lại tập trung nên giàu tiềm năng về di sản địa chất và hội tụ khá đầy đủ các tiêu chí cơ bản của công viên địa chất.
Các hang động này quyến rũ không kém các động Hương Tích (Hà Nội), Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình)… Hơn nữa, đường đi đến các hang rất thuận lợi, có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, kết hợp khám phá hệ thống thác nước. Vì vậy, nếu được đầu tư, khai thác các điểm hang động một cách hợp lý, có quy hoạch cụ thể thì đây sẽ trở thành điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá.
Dựa trên kết quả khảo sát của Bảo tàng Địa chất Việt Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp tiến hành nghiên cứu, khảo sát lại hệ thống di sản địa chất tại khu vực Krông Nô. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, xây dựng Công viên địa chất Krông Nô thành di sản địa chất quốc gia. Việc xác lập danh hiệu “Công viên địa chất quốc gia hay quốc tế” cho khu vực Krông Nô là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ tương lai.