Ký sự World Cup: Chạy lụt ở Sochi
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi lên đường từ Đức sang Nga tác nghiệp tại World Cup 2018, phóng viên TTXVN đã lường trước rất nhiều khó khăn phải đối mặt trong những ngày ăn ngủ cùng bóng đá giữa nước Nga rộng lớn. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng, giữa mùa Hè nước Nga sôi động, lại có những người phải chạy lụt, khi cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống thành phố Sochi, chỉ gần 48 giờ trước trận tứ kết giữa Nga và Croatia.
Cơn mưa nặng hạt rơi xuống Sochi rạng sáng 6/7 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân thành phố nghỉ dưỡng ven bờ Biển Đen này, cũng như kế hoạch tham quan của các cổ động viên Nga và Croatia đến Sochi sớm để cổ vũ cho hai đội trong trận đấu tứ kết vào đêm qua. Lượng mưa tương đương với khoảng 1/3 mức trung bình của cả tháng khiến nhiều khu vực ở Sochi, đặc biệt là Alder nơi có quần thể Công viên Olympic, bị ngập lụt.
Xung quanh sân vận động Fisht, nơi tổ chức trận đấu giữa Nga và Croatia, nước ngập mênh mông. Làng Olympic bên cạnh đó cũng chìm trong nước. Bên trong thành phố, các tuyến đường biến thành sông khiến giao thông trở nên rối loạn. Các con đường bị ngập sâu, buộc xe cộ phải dồn vào tuyến đường cao ráo dẫn từ trung tâm thành phố ra sân bay quốc tế Adler và ngược lại. Hệ quả là hàng nghìn xe ô tô rồng rắn nhích từng tý một trên con đường ven biển này.
Nhiều du khách từ trung tâm thành phố đi sân bay Adler để đáp chuyến bay rời Sochi đã bị mắc kẹt, dẫn đến trễ chuyến. Một số người xuống xe, tìm cách đi bộ đến ga tàu điện gần nhất, với hy vọng có thể đón kịp chuyến tàu ra sân bay. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế, nhiều người đến sân bay muộn, lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi phải mua vé chuyến khác để đi tiếp.
Vài người thiếu may mắn không thể mua được vé, đành thất thểu quay về thành phố, trên con đường vẫn… tắc nghẽn vì mưa. Trước trận tứ kết Nga - Croatia, cánh lái xe taxi ở Sochi hy vọng được dịp làm ăn "hốt bạc", khi hàng loạt chuyến bay đưa cổ động viên đến với thành phố này. Nhưng rồi, họ lại phải chôn chân giữa biển người và xe, khi con đường dẫn về thành phố cũng tắc cứng như con đường dẫn ra sân bay.
Trong cái rủi có chút may, những người đổi hoặc mua được vé chuyến bay muộn hơn đã có cơ hội xem các trận đấu giữa Pháp và Uruguay, cũng như Brazil và Bỉ, qua truyền hình tại các quán cà phê ở sân bay Adler. Các phòng chờ của sân bay Adler trở thành một Fanzone bất đắc dĩ. Dù sao đi nữa, đó cũng là một trải nghiệm khó quên khi đến với Sochi.
Bên trong thành phố, nhiều tuyến đường ngập cả bánh xe, khiến không ít xe bị chết máy, phải nhờ đến lực lượng cứu hộ. Tiếng còi hụ của xe cảnh sát, cứu thương, cứu hộ vang lên inh ỏi khắp nơi, biến thành phố nghỉ dưỡng Sochi vốn yên bình trở nên huyên náo. Việc tác nghiệp của phóng viên vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng, khi không thể di chuyển đến những địa điểm cần thiết.
Sochi vốn là một thành phố duyên hải, tựa lưng vào dãy Kavkaz nổi tiếng, hướng tầm mắt ra Biển Đen. Tuy nhiên, với việc thành phố phát triển một cách ồ ạt trong khoảng 10 năm qua, hàng loạt công trình xây dựng, nhà cửa mọc lên san sát khiến việc thoát nước tự nhiên trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi lượng mưa lớn đổ xuống. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Sochi bị ngập khi mưa lớn xảy ra, như trận mưa ngày 6/7.
Để giải quyết tình trạng ngập úng tại khu vực Công viên Olympic, đảm bảo cho trận đấu tứ kết World Cup 2018 giữa Nga và Croatia ở sân vận động Fisht diễn ra một cách an toàn nhất, Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga đã huy động hơn 100 nhân viên cùng 16 đơn vị xe máy đến đây nhằm sẵn sàng ứng cứu, xử lý vấn đề ngập lụt. Rất may, xung quanh sân vận động Fisht vốn khá cao ráo, không bị tình trạng ngập nước, và trước thời điểm trận đấu diễn ra, mưa cũng đã ngớt.
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và nhiều quốc gia đã lên tiếng đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Nga, xem World Cup 2018 là một thành công lớn. Nhưng khi trái bóng Telstar chính thức của World Cup 2018 do adidas sản xuất chưa ngừng lăn, thì mọi đánh giá vẫn chỉ dừng lại ở mức tương đối. Không chỉ con người, mà chính thiên nhiên cũng thử thách nước Nga trong một sự kiện thể thao lịch sử.
Đông Hà (từ Sochi, LB Nga)