Ký sự 'Mắt thấy, tai nghe tại Cuba': Mảnh đất không tiếng súng
(Thethaovanhoa.vn) - 5 giờ 30 sáng ngày 3/6, ngày thứ hai ở Cuba, tôi thức dậy và một mình đi bộ dọc đường Quinta Avenida, một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô La Habana. Thành phố vẫn đang trong giấc ngủ vùi vì là ngày nghỉ cuối tuần. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe ô tô cổ phóng qua.
Một La Habana bình yên
Không khí thật dễ chịu. Trong các cây xanh um tùm dọc theo các phố, tiếng chim lảnh lót khắp nơi. Có rất nhiều tiếng chim gáy gù. Chúng nhởn nhơ kiếm ăn ngay trên các vỉa hè, chỉ khi có người đến rất gần, mới vỗ cánh bay lên cây. Từ các biệt thự dọc theo đại lộ số 5 và dọc đường đi, ánh đèn hắt lên, làm các cây “guayacan” đang nở hoa vàng càng thêm rực rỡ.
Yên tĩnh đến lạ lùng. Có thể ngửi thấy vị mặn và hít thở gió biển thổi vào từ bãi biển đường 16 của khu Miramar, cách trụ sở của TTXVN tại La Habana chừng 200 mét. Những ngôi biệt thự giấu mình trong bóng cây, tường và hàng rào vây quanh khá thấp và sơ sài, khác hẳn với những biệt thự ở Panama thường được bảo vệ bằng những bức tường kiên cố vây quanh kín mít, trên còn căng thêm dây cho điện chạy qua với hàng chữ: peligroso và treo hình một chiếc đầu lâu, dấu hiệu của “nguy hiểm chết người”.
An ninh và trật tự xã hội là một điểm mạnh không thể phủ nhận ở Cuba. Đã từng đi nhiều nước ở châu Mỹ, từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đến Mexico hay Argentina và Colombia, chưa ở nơi nào tôi cảm thấy an toàn bằng ở Cuba, nơi người dân chỉ biết đến những tiếng súng qua... phim ảnh chiếu trên Tivi.
Ở phần lớn các nước Mỹ La tinh, bạo lực, xung đột, giết người, cướp của là “chuyện thường ngày ở huyện”. Với Cuba, ngoài những vụ ăn cắp vặt, móc túi, giật đồ của khách ở mức rất thấp, việc sử dụng vũ khí nóng như súng và dao găm hầu như không tồn tại. Nhiều người ngoại quốc ở Panama, đặc biệt từ Venezuela, Costa Rica, Colombia, mỗi khi nói chuyện với tôi về Cuba, đều ao ước “giá tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nước chúng tôi được như Cuba, thì tốt biết bao”. Thành quả này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Cuba còn khá thiếu thốn, từ lương thực, thực phẩm, tới hàng hóa tiêu dùng hàng ngày.
"Điểm son" về môi trường
Không chỉ có nền chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội tốt, Cuba còn là nước đứng thứ 9 trong mười nước có môi trường trong lành nhất thế giới, sau Iceland, Thụy Sỹ, Costa Rica, Thụy Điển, Na Uy, Maurice, Pháp và Australia.
Gia đình tôi đã thuê một chiếc xe cổ mui trần, sản xuất từ năm 1952, để làm một cuộc dạo chơi thủ đô La Habana trong suốt một buổi sáng. Cảm giác thật dễ chịu, gió căng lồng ngực thở, không một hạt bụi, trời xanh, mây trắng, phượng vĩ đỏ rực trời, thành phố nhộn nhịp, về tới nhà mà cổ áo vẫn trắng tinh. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở đây khá cao, hơn nhiều nước đang phát triển khác.
Chẳng thế mà đi dọc các bãi biển dài hàng chục km ở Varadero hay Cayo Coco, mặc dù mỗi ngày đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, chỗ nào cũng sạch tinh tươm, cát trắng xóa, nước biển trong vắt, nước ngập đến cổ vẫn có thể nhìn thấy những ngón chân đỏ hỏn của mình.
Cũng phải thừa nhận ngoài các ngành sản xuất kền, mía đường, khai thác dầu lửa, sản xuất rượu rum và xì gà ở mức vừa phải, Cuba chưa phải là một nước có nhiều ngành công nghiệp lớn về sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, hóa chất, sản xuất ô tô, thiết bị điện tử… dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Số lượng xe cơ giới chạy trên đường ở thủ đô và các thành phố cũng không nhiều, chủ yếu là xe buýt chở khách, ô tô tư nhân và taxi, hầu như không có mô tô, xe máy. Cuba rất chú ý đến sự phát triển bền vững, nên rất cẩn thận với các ngành sản xuất có thể làm tổn hại đến môi trường sống và ngành du lịch - hiện đang là một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc gia, với thu nhập hàng năm đã vượt qua ba tỷ USD.
Nỗi lo về ngành nông nghiệp
Mặt khác, một trong những cảm nhận sâu sắc của tôi trong chuyến thăm Cuba lần này, là sự mất mát lớn của nền nông nghiệp của Cuba, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chù quan lẫn khách quan, trong đó có cuộc bao vây cấm vận của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua làm đất nước này thiệt hại tới 125 tỷ USD.
Cuba trước đây, đi dọc chiều dài của đất nước, từ Pinar del Rio tới Santiago de Cuba, chỗ nào cũng thấy những ống khói của các nhà máy đường đang hoạt động hết công suất, những cánh đồng mìa bạt ngàn, những nông trường bưởi, cam, quýt, ổi trĩu quả, nhừng đàn bò béo tốt đang ung dung gặm cỏ. Tuy nhiên, trong chuyến đi vừa rồi, từ La Habana về Ciego de Avila, dài trên 500 km, mãi tới tỉnh Santi Spiritu tôi mới thấy ống khói của một nhà máy đường và hầu như không còn thấy các nông trường “citrico” ( cây ăn quả có múi) nữa.
Các đàn bò sữa dọc đường đi cũng ít đi hẳn. Ngay trong khách sạn 5 sao, các loại nước quả như cam, ổi, dưa hấu, cũng không còn ngọt và thơm như trước. Sản lượng đường đã tụt từ 7,8 triệu tấn năm 1970 xuống còn hơn một triệu tấn hiện nay. Cuba đã không thể cung cấp đủ mỗi ngày một lít sữa bò cho trẻ em dưới bảy tuổi như trong các thập kỷ 70-80 mà đã phải thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bột nhập khẩu. Cũng là quá ưu việt so với nhiều nước, nhưng so với Cuba, đó là một bước lùi rõ rệt.
Khi tôi đem nhận xét này nói với một đôi vợ chồng người Cuba trên chuyến xe buýt đi nghỉ dưỡng ở Cayo Coco, thì anh chồng thừa nhận: “ Anh nói rất đúng. Chúng tôi hầu như mất hẳn nền nông nghiệp vì dịch bệnh trong nhiều năm. Không chỉ giảm về số lượng, mà chất lượng hoa quả có múi cũng kém đi nhiều. Cuba đất đai màu mỡ, dân số không nhiều nhưng lương thực, thực phẩm vẫn thiếu. Đó là một nghịch lý lớn. Ngay ngành mía đường, bây giờ chúng tôi có muốn khôi phục lại cũng khó, vì phần lớn các nhà máy đã hỏng sau nhiều năm không hoạt động. Lại còn tiền nhập xăng dầu, thiết bị máy móc nữa chứ”.
Thể thao Cuba không còn mạnh như xưa
Khó khăn về kinh tế cũng khiến nền thể thao của Cuba không còn giữ được vị trí đỉnh cao như trước nữa. Trong thập kỷ 70-80, Cuba là một trong bốn nước có thành tích thể thao cao nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc tại một số kỳ thi đấu quốc tế và olimpich. Cuba từng là nhà vô địch thế giới ở nhiều môn thể thao như đấm bốc, bóng gậy (beisbol), bóng chuyền nữ, đấu kiếm, vật, judo, điền kinh với những cái tên mãi mãi đi vào lịch sử như Teofilo Stevenson, Felix Savon (đấm bốc), Juantorrena (chạy 400 và 800 mét), Sotomayor (nhảy cao), Ivan Pedroso.
Nhưng từ sau khi Liên Xô sụp đổ, với những khó khăn chồng chất về kinh tế của thời kỳ đặc biệt trong thập kỷ 90 và những năm tiếp theo, nền thể thao Cuba đã đi xuống rõ rệt, mặc dù các cơ sở hạ tầng vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Dù vậy, so với các nước đang phát triển, thậm chí cả với những nước phát triển, Cuba vẫn là một “thế lực” ở môt số bộ môn . Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV của Cuba có mặt ở 17 nước khác nhau, trong đó có những nước lớn như Brazil và Chile. Ngay tại Olympich ở Brazil năm 2016 vừa qua, Cuba vẫn đứng hàng thứ 18 thế giới. Chỉ con số 189 huy chương vàng Olympich trong lịch sử cũng đủ nói lên sức mạnh của nền thể thao Cuba. Việt Nam, với trên 90 triệu dân, mới chỉ có một HCV Olympich, của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
(Kỳ 3: Xứ sở của y tế và du lịch)
Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa