Kỷ niệm ngày truyền thống ngành VHTTDL: Cần chuyển tải thông điệp về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới
“Thời gian từ nay cho đến Ngày truyền thống của ngành VHTTDL không còn nhiều, các đơn vị cần thể hiện sức mạnh đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo tiến độ các đầu việc. Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống phải diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả; khẳng định vị thế của ngành Văn hóa”…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị nội dung các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và hướng đến kỷ niệm Quốc khánh 2/9, diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8.
Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Chuyển tải thông điệp về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới
Ba hoạt động chính được tổ chức trong dịp này là: Chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc; Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 và Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Báo cáo tiến độ công việc, Chánh văn phòng Bộ VHTTDL Lê Đức Trung cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các hoạt động, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan vẫn đang được khẩn trương triển khai để đáp ứng tiến độ cũng như chất lượng các công việc đặt ra.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương báo cáo tiến độ chuẩn bị tổ chức Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương báo cáo về tiến độ và dự kiến nội dung chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc. Theo đó, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện kịch bản chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa với chủ đề Giai điệu Tổ quốc và chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Trình bày cụ thể về chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc, ông Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cho biết, với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, thành tựu của ngành Văn hóa, kịch bản dự kiến gồm 3 chương. Trong đó, chương 1 có chủ đề Tổ quốc và mẹ, gồm các tiết mục hát, múa sử dụng âm nhạc cổ điển và nhạc cụ dân tộc, nói về quá trình dựng nước, giữ nước và vẻ đẹp con người Việt Nam từ bao đời nay luôn cần cù, yêu lao động, đoàn kết để vượt qua các biến cố; khát vọng về một cuộc sống bình yên. Chương 2 dự kiến có chủ đề Tre Việt hoặc Hồn Việt, là sự kết hợp giữa kịch và ca múa nhạc, sử dụng hình tượng cây tre để nói lên ý chí người Việt luôn vươn mình đứng dậy, gắn kết, tạo thành khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trải qua bao trận cuồng phong, cây tre Việt vẫn luôn đứng vững và che chở, đùm bọc người dân Việt. Chương 3 Giai điệu Tổ quốc gồm những tiết mục thể hiện tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn biết nâng niu, trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc; luôn coi văn hóa là nguồn sức mạnh để đoàn kết, cùng nắm tay nhau dũng mãnh đi lên…
Đối với kịch bản chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, NSƯT Quỳnh Trang cho hay, chương trình sẽ gồm các tiết mục nói về quê hương Việt Nam với những góc nhìn ấn tượng về truyền thống lịch sử, về dân tộc.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định: Các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ vẫn đang tích cực triển khai những công việc được lãnh đạo Bộ giao. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chuỗi các sự kiện sẽ chuyển tải những thông điệp về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới; đạt yêu cầu về hiệu ứng lan tỏa.
Tổ chức chuỗi sự kiện bài bản, chất lượng, có chiều sâu
Sau khi lắng nghe báo cáo tiến độ chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023) và hướng tới kỷ niệm Quốc khánh 2.9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, về cơ bản, công việc đang đạt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới sẽ còn rất nhiều công việc phải làm. Các hoạt động phải tiếp tục được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, làm đến đâu chắc đến đó. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phải thường xuyên rà soát, đảm bảo chuỗi các sự kiện sẽ diễn ra thiết thực, trang trọng; không dàn trải mà phải có điểm nhấn, đúng chủ đề.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục thể hiện rõ trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm đối với các cơ quan, đơn vị; bảo đảm không chồng chéo; đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì và các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức.
Liên quan đến chương trình nghệ thuật Giai điệu Tổ quốc và chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu kịch bản phải được rà soát, chú trọng tư duy về nghệ thuật. Bên cạnh đó, các tiết mục được đưa vào trình diễn phải được dàn dựng công phu, nêu bật đóng góp của ngành Văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm sao để người xem thấy được những nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua. Kịch bản cần có ý tưởng bao quát, và xuyên suốt chương trình là ngợi ca đất nước, quê hương. Phải xác định đây là dịp để quảng bá, giới thiệu những thành tựu đã đạt được của đất nước, trong đó có thành tựu của ngành Văn hóa; tôn vinh những tấm gương, điển hình trong ngành thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Sau khi được duyệt kịch bản, lập tức bắt tay vào luyện tập trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm thành lập ngành cũng là dịp đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa thời gian qua, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp cho những năm tiếp theo, trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhân đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ Trung ương đến địa phương sẽ ôn lại quá trình hình thành, phát triển, cống hiến của ngành; đồng thời nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Đây đồng thời là cơ hội để toàn ngành cùng nhau đánh giá tình hình triển khai những ưu điểm, kết quả nổi bật; bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 2 năm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Qua đó, đề xuất chủ trương, giải pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Ngoài ra, đây là dịp để toàn ngành nhận diện các mô hình xây dựng môi trường văn hóa điển hình để nhân rộng, lan tỏa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Về cơ bản, công việc đang đạt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ còn rất nhiều công việc phải làm. Các hoạt động phải tiếp tục được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, làm đến đâu chắc đến đó. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phải thường xuyên rà soát, đảm bảo chuỗi các sự kiện sẽ diễn ra thiết thực, trang trọng; không dàn trải mà phải có điểm nhấn, đúng chủ đề. Cần tiếp tục thể hiện rõ trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm đối với các cơ quan, đơn vị; bảo đảm không chồng chéo; đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì và các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức.
(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)