Kỷ niệm ngày 21/6: Ấn tượng khó quên ở làng đình chiến Panmunjeon
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ một tháng sau ngày đặt chân lên đất nước Hàn Quốc với nhiệm vụ là phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Seoul, tôi đã có chuyến công tác khó quên tới làng đình chiến Panmunjeon trong Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đầu năm 2018 đã có sự thay đổi đáng kể. Không còn những lời lẽ "đao to búa lớn" chỉ trích hay đe dọa lẫn nhau cũng như những vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, mà thay vào đó là các hoạt động ngoại giao dồn dập, các cuộc đối thoại mang tính xây dựng từ cấp chuyên viên cho tới cấp cao.
Cả thế giới lúc đó đang dõi theo, chờ mong hồi kết của kịch bản hòa bình mà kể cả những người lạc quan nhất trước đó khoảng nửa năm cũng không thể nghĩ tới. Trong không khí hòa bình, thân thiện giữa hai miền, nhiều người thậm chí nghĩ tới việc có thể được chứng kiến hồi kết cuộc chiến tranh Triều Tiên chia cắt hai miền kể từ năm 1953. Mọi việc đang diễn ra nhanh chóng với các kết quả tích cực không ngờ tới. May mắn là tôi nhận nhiệm vụ phóng viên CQTT đúng vào thời điểm đó.
Phóng viên đã đi là phải viết, phải tác nghiệp, đặc biệt là những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Ý thức được điều đó cũng như tầm quan trọng của khu vực này đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vừa đặt chân lên Hàn Quốc ngày 26/3/2018, tôi đã lao ngay vào công việc, viết tin gửi về ngay hôm sau.
Nếu viết tin, chụp ảnh thì tôi không lo lắng, song dẫn hiện trường tin truyền hình thì thú thực đó là lần đầu tiên tôi thực hiện. Hồi còn ở trong nước, giai đoạn chuẩn bị, vì ít thời gian nên một số công đoạn tôi chỉ học qua lý thuyết mà chưa được thực hành nhiều. Cũng may, lần ghi hình đầu tiên là “ăn ngay”, không phải làm lại lần thứ hai.
Bên cạnh việc đảm bảo tin tức, tôi thực hiện công tác bàn giao, làm những giấy tờ cá nhân cần thiết như thẻ phóng viên nước ngoài, ổn định cuộc sống. Ở Hàn Quốc, phải có thẻ cư trú trước (được cấp sau 16 ngày đăng ký) thì mới làm được các giấy tờ khác cũng như có số điện thoại liên lạc. Trong hơn nửa tháng này, việc phóng viên không có thẻ tác nghiệp, không điện thoại di động quả thực là một khó khăn lớn. Có lần, do không có điện thoại để phát wifi trên tàu điện ngầm, tôi buộc phải xuống tàu để phát tin ngay tại nhà ga, vì chỉ ở nhà ga mới có sóng wifi ổn định.
Đợt thông tin Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Hòa bình thuộc làng đình chiến Panmunjeon ngày 27/4/2018 đã trở thành dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời làm báo của tôi. Từ sự kiện này, tôi mới thấy rõ không có thẻ tác nghiệp khó khăn đến thế nào.
- Chủ tịch nước biểu dương các cơ quan báo chí trên 'mặt trận phòng, chống dịch Covid-19'
- Báo chí góp phần thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' của Thủ đô
- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng TTXVN nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Qua tìm hiểu, tôi được biết phải có thẻ tác nghiệp thì nhân viên an ninh mới cho vào bên trong khu vực dành cho các nhà báo tác nghiệp. Mặc dù không có thẻ trong tay, song tôi vẫn quyết định đến DMZ để cảm nhận không khí ở đây, quang cảnh xung quanh, việc đảm bảo an ninh cũng như công tác chuẩn bị cho cuộc gặp. Rất may là qua màn hình bên ngoài, tôi vẫn thấy được những gì đang diễn ra bên trong để làm tin.
Ngày hôm đó, trong tôi tràn ngập cảm xúc lẫn lộn khó tả: lo lắng vì không biết mình có hoàn thành hết số “đơn” đặt hàng của các đơn vị thông tin ở nhà hay không, từ tin nhanh, tin phổ biến, tin tham khảo, bài "theo dòng thời sự", tin hình cho phòng Media, Ban biên tập tin Thế giới, talk, điểm báo, đến chương trình bình luận Thế giới 360 độ để phát trên Truyền hình Thông tấn (Vnews); cảm giác hồi hộp khi hai nhà lãnh đạo sắp gặp nhau và niềm vui khi hai bên trò chuyện cởi mở cũng như ra được tuyên bố chung, thể hiện sự hòa giải và quyết tâm kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Vui sướng hơn nữa khi tất cả các sản phẩm thông tin của tôi đều được các đơn vị ở nhà sử dụng. Đợt tác nghiệp đó mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm, là cơ hội quý giá để tôi rèn giũa nghiệp vụ, nhất là tại những sự kiện lớn. Chuyến tác nghiệp không thể nào quên tại làng đình chiến Panmunjeon đã giúp tôi trưởng thành, để sau này, trong bất kỳ sự kiện hay đợt tuyên truyền nào nào, đặc biệt là khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, các phóng viên CQTT chúng tôi vẫn luôn vững vàng và chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ thông tin.
Mạnh Hùng - Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc