Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Tối 23/4, tại Quảng trường 24/4 huyện Đăk Tô (Kon Tum), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Điểm cao 1015 (đồi Charlie) và Điểm cao 1049 (căn cứ Delta).
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã ôn lại chiến công hào hùng của quân và dân ta tại chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh; khẳng định đây là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy và của Bộ Tư lệnh chiến dịch; là tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang, quân và dân tỉnh Kon Tum; là thắng lợi của ý chí quyết tâm với khí thế “Trường Sơn chuyển mình – Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
“Đã 50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và trở thành nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định.
Tại buổi Lễ, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ, trong 10 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Trung tướng chủ yếu ở chiến trường Kon Tum. Nếu không có đồng bào che chở, thì bộ đội ta khó có thể giành được chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh 1972, mà không có chiến thắng 1972 thì không có 30/4/1975, bởi những năm 1969 – 1970, bộ đội ta đã phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng cũng như tình trạng thiếu thốn lương thực.
“Trong ngày Lễ trang trọng này, thay mặt cho các anh em đã chiến đấu ở Kon Tum, tôi xin cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của bà con nhân dân trong Chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh. Bây giờ, tôi lại xin được cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Tum sau 50 năm vẫn luôn nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để có một Kon Tum phát triển như ngày hôm nay”, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước xúc động nói.
Sau 50 năm, từ đống tro tàn sau chiến tranh, Đăk Tô đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế của tỉnh Kon Tum. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 850 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 900 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 151,26 tỷ đồng, ước đạt 140,37% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, hộ nghèo của huyện theo chuẩn 2016 - 2020 là 4,68%, giảm 2,54% so với năm 2020; hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025 là 15,04%. Huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông A Chính (dân tộc Xơ Đăng, sinh năm 1945, trú xã Văn Lem, cựu chiến binh tham gia lực lượng bộ đội địa phương đánh trận Đăk Tô – Tân Cảnh) cho biết, khi giải phóng, toàn bộ khu vực thị trấn Đăk Tô và xã Tân Cảnh ngày nay đều bị tàn phá nặng nề, cây cối không mọc được. Tuy nhiên, sau 50 năm, quân và dân Đăk Tô đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng Đăk Tô ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Ông Chính và cộng đồng người Xơ Đăng nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn huyện đều cảm thấy tự hào về những thành tựu mà huyện đã đạt được sau 50 năm giải phóng.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 cho huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Đăk Tô – Tân Cảnh là hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2 được Mỹ - Ngụy xây dựng từ năm 1957 – 1972. Ở bờ Tây sông Pô Kô, cách căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh 10 km về phía Tây Nam là các căn cứ hỏa lực như căn cứ Charlie (đồi Sạc Ly – điểm cao 1015) và căn cứ Delta (điểm cao 1049).
- Huyện Mù Cang Chải đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm
- Phú Yên đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành đá đĩa
Sau khi chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi ở điểm cao 1015 vào ngày 15/4/1972 và điểm cao 1049 vào ngày 21/4/1972, quân ta với lực lượng chủ lực là các đơn vị thuộc Sư đoàn 320, Sư đoàn 2 và 4 trung đoàn địa phương đã quyết định tấn công vào cứ điểm E42. Đêm 23, rạng sáng 24/4/1972, ta bất ngờ từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch. Các vị trí trọng yếu của địch như kho đạn, kho xăng, khu trung tâm thông tin lần lượt bị quân ta tiêu diệt, phá hủy. Gần 6 giờ sáng 24/4/1972, ta đã làm chủ được Đăk Tô – Tân Cảnh.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được xem là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chỉ trong thời gian rất ngắn, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Đăk Tô - Tân Cảnh, bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh, trong đó có rất nhiều sĩ quan cấp úy, cấp tá.
Chiến thắng đã mở thêm vùng giải phóng rộng lớn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ-Ngụy ở Tây Nguyên, làm cho thế trận của địch ở phía Bắc bị rối loạn, ở phía Nam bị uy hiếp nhiều phía, làm suy yếu trận địa phòng ngự của địch. Chiến thắng này cũng là tiền đề để Mỹ phải “xuống nước”, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, tạo bàn đạp cho Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TTXVN