Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt: Mốc son chói lọi trong lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 968, sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) đã đánh dấu một mốc son chói lọi, mở ra một thiên sử mới trong sự nghiệp dựng nước độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, gắn với lễ hội Hoa Lư năm 2018.
Khẳng định nền độc lập, tự chủ
Về sự kiện quan trọng của đất nước cách đây 1050 năm, Đại Việt sử ký toàn thư còn chép rõ: "Năm Mậu Tuất (968), vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế". Vị trí đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300 ha, là vùng chiêm trũng được bao quanh bởi các dãy núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín.
Kinh đô Hoa Lư là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc. Năm 970, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thống nhất.
Sau khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã bắt tay vào xây dựng và tổ chức bộ máy chính quyền gồm 3 cấp gồm: Triều đình Trung ương - Đạo (trung gian) - Giám, xã (cơ sở); xây dựng quân đội đông và mạnh. Mặt khác, triều Đinh còn chú trọng xây dựng hệ thống luật pháp, phát triển kinh tế với việc phát hành đồng tiền đầu tiên của đất nước với tên Đồng Thái Bình Hưng Bảo, quan tâm phát triển văn hóa, đối ngoại...
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập ra triều tiền Lê với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Tống (981) và bình định Chăm-pa (982). Đến năm 1005, vua Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh lên ngôi vua tại vị từ năm 1005 - 1009. Năm 1009, sau khi Lê Long Đĩnh chết, triều đình đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu mới về phát triển nhà nước phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin, quyết tâm của dân tộc trong việc giữ vững nền độc lập.
Cùng với tinh thần, ý chí đó, năm 1054, nhà Lý (vua Lý Thánh Tông) đổi tên nước là Đại Việt. Như vậy, quốc hiệu Đại Cồ Việt tồn tại trong lịch sử dân tộc 86 năm, từ năm 968 đến 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh, tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý.
Dưới triều tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển về mọi mặt; nền độc lập, tự chủ của dân tộc được củng cố vững chắc.
Viết tiếp trang sử hào hùng
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất và con người Ninh Bình đều để lại những dấu ấn đặc biệt, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu Công nguyên đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này, xứng đáng là quê hương Anh hùng của dân tộc Anh hùng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh liên tục có những bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần nông nghiệp.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,95%, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 8.800 tỷ đồng; 2/8 huyện, thành phố về đích và hoàn thành xây dựng nông thôn mới... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện năng, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa...
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tỉnh tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực.
Theo kế hoạch, các hoạt đọng kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt sẽ được tổ chức cao điểm từ ngày 24 đến 27/4 (ngày 9 đến 12/3 âm lịch), kết hợp với Lễ hội Hoa Lư truyền thống được tổ chức thường niên nhằm ngày 10/3 âm lịch. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã thống nhất giang sơn, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.
TTXVN/Đức Phương