Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc: Một cây bút minh họa kỳ tài
(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cây đại thụ - họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc (25/12/1918 - 25/12/2018), Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin gửi tới độc giả bài viết về ông của họa sĩ Lương Xuân Đoàn.
1. Trong những mảng sáng tác của cố họa sĩ Sỹ Ngọc, người ta không thể nhắc đến một lĩnh vực đặc biệt: Nghệ thuật minh họa báo chí
Thật khó quên những thập niên năm mươi, sáu mươi, bảy mươi rồi tám mươi của thế kỷ trước. Thời tiết xã hội và nghệ thuật cùng khuynh hướng sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn hiện diện nguyên nét trong bức tranh toàn cảnh thu nhỏ trên các mặt báo, đặc biệt là Tuần báo Văn nghệ và Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn.
Cùng với các đồng nghiệp đồng niên đồng tuế như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Nguyễn Văn Tỵ, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến… họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc vẫn có một đóng góp đặc sắc và riêng biệt cho Nghệ thuật Minh họa báo chí nước ta từ những năm tháng ấy.
Sống nặng tình tri kỷ tri âm với bạn bè văn nghệ cùng thời, ông có biệt tài ghi giữ trong trí nhớ những nét cô đọng nhất về tính cách, dung mạo, nghiệp phận của một Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Kim Lân, Tế Hanh, Xuân Quỳnh…
Chỉ cần vài nét xuất thần, hóm hỉnh và sắc sảo từ ngọn bút của ông, họ đã hiển lộ, bỏ mặc sự nghiệt ngã vô tình của thời gian để lẳng lặng hóa thạch, như những giá trị chính sử miên viễn trong cuốn Đại sử ký bằng tranh của nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
2. Sỹ Ngọc là người đọc nhiều, biết rộng và hiểu thấu chuyện đời, chuyện người, rồi cả chuyện nhân tình thế thái nơi cõi trần, cõi tạm của người Việt mọi thời. Ông yên nhiên thả bút phóng khoáng và quả quyết trong những không gian nhỏ của tranh minh họa mà đâu nghĩ mình vừa thêm duyên thật tình cờ cho các sáng tác, với ngôn ngữ thị giác tinh tế từ ngọn bút đen trắng thanh đạm.
Dù là truyện ngắn, bút ký, phóng sự, ký sự, là tản văn và thơ của các tác giả trong nước hay trang văn học dịch của tác giả nước ngoài, các sáng tác ấy đều được ông nâng tầm bằng sự tài hoa của mình.
Hiện thực cuộc sống đã được ông bảo trọng như những trang đời vui buồn, thấm đẫm chất nhân bản, nhân văn trong tâm hồn. Đó là những người quê mang nét quê, là thiếu nữ thị thành ẩn nét kiêu sa mà vẫn khó cũ nét đẹp thuần Việt, là những cuộc đời có thật của anh bộ đội, của bà bủ bà bầm, của lão nông ở làng, của người thợ lò và cô công nhân mỏ ở nơi ta đã qua, những lần ta đã gặp, rồi ta ngỡ quên… Những nét đẹp thường ngày ấy đã vụt trở lại, lay động miền ký ức của bạn và tôi khi đặt nó vào trục dọc của thời gian theo ngọn bút minh họa kỳ tài của Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc.
Phẩm cách và tài năng toàn vẹn của ông, sau rất nhiều thăng trầm đương nhiên của lịch sử xã hội và nghệ thuật, vẫn nguyên vẹn những chân nét đẹp đẽ nhất - dù chỉ là những minh họa nho nhỏ trên mặt báo của một thời đã qua. Trăm năm sau, thế hệ họa sĩ hiện thực hậu sinh vẫn được thừa hưởng nguyên cốt những giá trị hiện thực của nghệ thuật Hội họa và Minh họa ông để lại.
Họ còn ước ao rằng biết đâu, trong những cuộc rượu ngà ngà say tỉnh của thế hệ mình, ông vẫn đi về, mách bảo, khi để ngỏ những trang mở nhãn cho Thế kỷ mới của người Việt.
Vài nét về cố họa sĩ Sỹ Ngọc (1918 - 1990) Sinh ra tại Thanh Trì (Hà Nội), Sỹ Ngọc từng theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII. Suốt cuộc đời mình, ông luôn đồng hành cùng nền mỹ thuật Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau: Phụ trách công việc ở đoàn kịch kháng chiến thời chống Pháp, làm giảng viên tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, làm họa sĩ cho báo Văn nghệ... Nổi bật nhất trong các sáng tác của Sỹ Ngọc là các tác phẩm thể hiện hình tượng người lính quân đội nhân dân Việt Nam, tình quân dân cũng như cảnh lao động sản xuất của công nhân ở vùng than. Ngoài ra, ông còn làm công việc vẽ tranh minh họa cũng như tham gia viết bài về các đề tài mỹ thuật. Họa sĩ Sỹ Ngọc đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, huy chương vì những đóng góp của mình. Đặc biệt, năm 2000, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Tình quân dân hay Cái bát, Đổi ca, Chiến dịch Điện Biên Phủ và Một ngày mới lại bắt đầu. |
Lương Xuân Đoàn