Kỷ lục Guinness ngày càng… vớ vẩn
(Thethaovanhoa.vn) - Có những người lập kỷ lục… đeo được số tất lớn nhất trên một bàn chân (152 cái), bắt được nhiều bóng tennis nhất bằng một cái rổ đội trên đầu (48 quả), hay uống được 1 lít nước chanh qua ống hút nhanh nhất (24.41 giây).
- Thời trang... bao cao su đoạt kỷ lục guinness
- Kỷ lục Guinness mới về bánh hoa quả
- Người giữ nhiều kỷ lục Guinness nhất lại trổ tài
Tổng kết năm 2015, Los Angeles Times liệt kê “kỷ lục Guinness thế giới” trong số những thứ được đánh giá quá cao trong một năm qua, nhấn mạnh kỷ lục Guinness ngày càng chạy theo bề nổi và không còn đại diện cho những kỳ tích hay tiến bộ của nhân loại.
Những kỷ lục “để làm gì?”
“Kỷ lục Guinness từng có giá trị như một thứ phù phiếm nhưng cần thiết, chẳng hạn như một người đàn ông khoác áo choàng lái xe máy nhảy qua được bao nhiêu chiếc xe máy khác. Nhưng nay, nó chỉ như một sản phẩm giả tạo còn sót lại từ thời trước, giống như chương trình Battle of the Network Stars (Cuộc chiến của những ngôi sao mạng)” – Los Angeles Times bình luận.
“Đặc biệt đúng khi internet ngày nay đã đạt đến mức độ là sân chơi của những người muốn nổi tiếng thông qua các hành động rồ dại. Cần nghi ngờ tính thiết thực của kỷ lục Guinness. Chúng ta cũng chẳng cần thêm khích lệ cho những hành động rồ dại”.
Ví dụ của Los Angeles Times là kỷ lục Guinness về “màn trình diễn đồng bộ đông người nhất thế giới trong vòng 5 phút” của 10.000 học sinh, sinh viên ở trường Cao đẳng Khalsa, Ấn Độ hồi tháng 10. Có vô vàn kỷ lục dạng này: đông người nhất cùng làm một việc gì đó trong một khoảng thời gian nào đó, dù là những việc khiến người ta phải hỏi “Để làm gì thế?”.
Để được ghi danh kỷ lục Guinness, người ta nhốt mình trong những không gian kín có điều kiện khắc nghiệt để thử sức chịu đựng, làm những món ăn có kích thước khổng lồ (nghe có vẻ quen với Việt Nam), để râu 40 năm (Ram Singh Chauhan – kỷ lục bộ râu dài nhất thế giới)… Chiến thắng trong những cuộc đua này có ý nghĩa gì?
Những người như anh chàng Stuart Sobeske ở trên kia đã luyện tập hàng tháng trời với mục đích rất rõ ràng là được chứng nhận lập kỷ lục Guinness. Theo WWMT, Stuart “luôn mơ có tên mình trong sách Guiness”. Vì vậy, anh chọn những thứ mình giỏi nhất (đi xe đạp một bánh, chơi rubik) và kết hợp lại với nhau để làm nên kỷ lục độc đáo.
Elvis Presley, Michael Phelps và người uống nước chanh nhanh nhất thế giới
Năm 2015, Kỷ lục Guinness Thế giới tròn 60 năm ra đời. Trong lịch sử, nó đã ghi danh Elvis Presley với tư cách “nghệ sĩ đơn bán được nhiều đĩa nhạc nhất”, Edmund Hillary với tư cách “người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest (năm 1953)”, Michael Phelps – người phá 8 kỷ lục thế giới về bơi lội ở Olympic 2008.
Nhưng những cái tên đạt được thành tựu vì sự tiến bộ của loài người như vậy ngày càng trở thành thiểu số trong sách Guinness. Bao quanh họ là những cái tên như Stuart Sobeske và những người lập kỷ lục về đeo tất, bắt bóng tennis hay uống nước chanh.
“Có thể họ biết mình không có cơ hội đạt thành tựu theo cách thông thường, nên họ tìm những cách kỳ cục” - Ian Robertson, giáo sư tâm lý tại Đại học Trinity (Dublin, Ireland) nói. Trước Sobeske, kỷ lục về chơi rubik khi đi xe đạp một bánh là 28 khối, được lập vào năm 2010. Nghĩa là, trang Atlantic nhấn mạnh, dù vớ vẩn cỡ nào thì cũng có ít nhất 2 người đã cố gắng phá kỷ lục này.
Và kỷ lục Guinness vẫn là cuộc cạnh tranh khốc liệt, đằng nào đó cũng là danh hiệu chính thức. Trong số 40.000 đến 50.000 hồ sơ mà Guinness nhận được mỗi năm, công ty này chỉ công nhận 5% trong số đó.
Craig Glenday, biên tập viên của Guinness, kể về những hồ sơ kỳ quặc nhất mà họ nhận được: “Người ta gửi thư cho chúng tôi về miếng khoai tây chiên mà họ cho rằng lớn nhất thế giới trong một gói khoai tây đóng hộp, hay một tràng từ do đứa con 1 tuổi của họ phát ra mà họ nghĩ là câu nói dài nhất thế giới từ một đứa bé 1 tuổi. Hay 400 cú nhảy gậy pogo liên tiếp của họ là nhiều nhất thế giới”.
Một trong những đặc điểm quan trọng của Guinness là kỷ lục phải được đo đếm bằng số lượng. Một khi người ta tạo ra thước đo bằng số lượng, họ tạo ra sự cạnh tranh. Kỷ lục Guinness cũng đánh vào nhu cầu “muốn độc nhất vô nhị và dán nhãn bản thân” của con người, theo giáo sư tâm lý Stephen Garcia của Đại học Michigan, Mỹ.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa