Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quy định rõ trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo
Sáng 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Người có ảnh hưởng sẽ bị "siết" hoạt động quảng cáo
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự án Luật sửa đổi 4 điều, bổ sung 2 điều và 1 khoản để các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và bổ sung quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo. Theo đó, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận...
Dự thảo Luật cũng bổ sung về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, yêu cầu rõ trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. Cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm như: thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Về những quy định cụ thể, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Từ đó cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng. Trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng; tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên báo in
Về quảng cáo trên báo chí, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên báo nói, báo hình, dự Luật cũng tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.
Về hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, dự án Luật sửa đổi 3 điều, bổ sung 1 khoản. Cụ thể, dự Luật sửa đổi về hoạt động quảng cáo trên báo in với quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Theo báo cáo thẩm tra, về quảng cáo trên báo in, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện có 3 loại ý kiến. Trong đó, ý kiến thứ nhất tán thành với Ban soạn thảo điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí. Ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì việc tăng diện tích lên tới gần 1/2 tổng diện tích là quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí, chưa thật sự hợp lý và phù hợp với chức năng của báo chí nước ta cũng như bảo đảm quyền lợi của độc giả. Ý kiến thứ ba, nghiên cứu phương án lược bỏ quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.