Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 177 phường của Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển, yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.
Theo Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại tất cả các phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội.
Quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Cụ thể, đối với chính quyền ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp: tại thành phố Hà Nội và các quận, thị xã thì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính ở phường là UBND) để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công.
Đối với chính quyền ở nông thôn (huyện, xã), giữ nguyên mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND tại huyện, xã; đối với thị trấn, tuy là đô thị nhưng là đơn vị hành chính thuộc huyện nên vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Phù hợp với quá trình đô thị hóa
Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Các đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu đánh giá, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm nay sẽ tạo sự chủ động cho Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường thuộc quận và thị xã là phù hợp với quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội, đòi hỏi phải cải cách bộ máy tinh gọn, giảm tầng lớp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, khắc phục thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tăng quyền hạn và trách nhiệm cho Chủ tịch UBND quận. Dẫn chứng trên địa bàn quận Cầu Giấy có 7.000 người nước ngoài cư trú, đại biểu Trần Thị Phương Hoa bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn khi Chủ tịch UBND mới chỉ tập trung vào công tác hành chính. “Phải tăng trách nhiệm cho Chủ tịch UBND quận để UBND quận phải lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết, kịp thời, thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về Đề án chính quyền đô thị thành phố Hà Nội. Đây là nội dung lớn, quan trọng, mang tính chính trị xã hội sâu sắc.
Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội là nội dung hệ trọng, mang tính chính trị, pháp lý cao. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan có sự chủ động trong công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt dư luận để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lôi kéo, kích động, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đề nghị giữ nguyên tên gọi UBND phường
Về tên gọi của UBND phường khi thực hiện thí điểm, có ý kiến băn khoăn khi vẫn giữ tên gọi cơ quan hành chính ở phường khi không tổ chức HĐND là UBND sẽ không phân biệt với UBND nơi có tổ chức HĐND, mặc dù vị trí, tính chất, thẩm quyền giữa hai cơ quan hành chính này là khác nhau. Trong khi đó, nhiều đại biểu nhất trí vẫn giữ tên gọi là UBND nhằm thực hiện đúng Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Theo đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội), nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi UBND thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của thành phố Hà Nội (như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ thường trú, tạm trú của công dân…) sẽ phải thay đổi, dẫn đến sự lãng phí, tốn kém, gây khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho rằng không nên thay đổi tên gọi của UBND phường. Theo đại biểu, việc thực hiện thí điểm, Quốc hội mới thống nhất tiến hành trong một khoảng thời gian xác định. Việc để nguyên tên gọi là thuận lợi, không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề quản lý cán bộ, công chức của phường và đề nghị Chính phủ làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ, công chức của phường khi thực hiện thí điểm. Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu quan điểm: “Cán bộ, công chức phường do cấp quận tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí việc làm. Khi thực hiện thí điểm, những người này có còn là công chức phường nữa không hay là công chức quận?”. Đại biểu đề nghị trong Nghị quyết này phải nghiên cứu bổ sung quy định về việc thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm,… đối với đội ngũ cán bộ, công chức phường đảm bảo chặt chẽ; nếu cần thiết thì sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức.
Tính toán hợp lý tỷ lệ đại biểu chuyên trách
Qua thảo luận tại tổ, đa số đại biểu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung 15/105 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Nhiều đại biểu tán thành việc giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị sửa theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ.
Tham gia 4 khóa với tư cách đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nên xem xét kỹ tại sao quy định cũ là mức tối thiểu 35% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vẫn chưa đạt được. “Nếu các đại biểu Quốc hội chuyên trách toàn tâm, toàn ý vào công việc thì rõ ràng công tác xây dựng luật được đầu tư tốt hơn”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh cần tính toán tỷ lệ đại biểu chuyên trách hợp lý. “Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, số lượng đại biểu chuyên trách không thấp hơn 35% và vì vậy có thể tăng cao hơn. Vậy sao chúng ta không quy định tỷ lệ cao hơn vào dự thảo Luật”, đại biểu băn khoăn.
Từ thực tiễn hoạt động Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận thấy đa phần đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động hiệu quả vì có nhiều thời gian nghiên cứu, được bồi dưỡng. Trong khi đó, đại biểu không chuyên trách bận công việc chuyên môn nên khó đảm bảo thời gian để theo sát vấn đề cử tri quan tâm.
Theo đại biểu, một số luật xây dựng vừa qua có sai sót về kỹ thuật lập pháp, phải sửa liên tục cũng một phần là thiếu đại biểu chuyên trách để đánh giá, thẩm tra kỹ. “Vì vậy, việc đưa tỷ lệ đại biểu chuyên trách vào luật để có cơ sở pháp lý, động lực để tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên. Tôi đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 37-40%”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ.
Phương Phương/TTXVN