Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Sớm khắc phục hạn chế, tồn tại của lĩnh vực thông tin và truyền thông
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính
Làm rõ thêm những nội dung chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả khích lệ. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn là nhiều kết quả chưa như mong đợi.
Trước tình hình trên, năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2025, trong đó có tập trung hoàn thiện thể chế. Đến thời điểm thích hợp, Chính phủ sẽ nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật Chính phủ điện tử.
Vấn đề rất quan trọng khác là nền tảng hạ tầng công nghệ, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sẽ sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Đây là điều rất quan trọng để các cơ quan, các nhà mạng căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo các phần mềm được kết nối. “Hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an ninh thông tin. Hạ tầng dùng chung, hiện đã có mạng truyền số liệu cho các cơ quan Đảng, chính quyền”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm hiện cơ bản hoàn thành, đã tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm; cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hiện đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện liên quan đến Thuế, Hải quan. Còn hai nội dung lớn liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì để nghe Bộ Công an báo cáo, tháo gỡ. Đồng thời, bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho việc này. Cơ sở dữ liệu quốc gia, đất đai cũng đang tiếp tục xem xét.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh thực trạng hiện nay các cơ sở dữ liệu vừa phân tán vừa tập trung. Ví dụ như cơ sở dữ liệu quốc gia từ dân cư tập trung giao Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm giao cho Cơ quan bảo hiểm. Một số khác phân tán tại các địa phương, các thành phố. “Vì đây là cơ sở quản lý để thành các thủ tục liên quan đến phục vụ nhân dân và các cơ sở dữ liệu khác hiện vẫn đang do các bộ, ngành, địa phương quản lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để triển khai thành công Chính phủ điện tử đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, lựa chọn những dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.
Theo lộ trình, cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời điểm này có thể đưa một số các dịch vụ lên Cổng như nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, cấp điện trung áp, hạ áp… Tiếp theo, quý 1 năm 2020, sẽ thực hiện cung cấp danh mục dịch vụ công thuế thu nhập cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy…
Liên minh, liên kết để đối phó an ninh mạng
Giải trình về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đây là một vấn đề toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề này và không có một diễn đàn quốc tế nào từ Liên hợp quốc cho đến các diễn đàn khu vực không có chủ đề bàn về an ninh mạng.
“Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào có đủ lực để đối phó với vấn đề an ninh mạng mà đều phải liên minh, liên kết với nhau để xử lý”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng. Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành luật, nghị quyết… để đảm bảo an ninh mạng và phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Liên quan tội phạm mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là loại tội phạm ẩn danh, hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế văn hóa xã hội, không chỉ khủng bố tuyên truyền, chia rẽ phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng mà thậm chí còn can thiệp bầu cử như một số nước trên thế giới. Ngoài những lĩnh vực đã và đang đấu tranh xử lý, hiện nay, lực lượng Công an quan tâm đến một số vấn đề khác đang có chiều hướng phát triển ở Việt Nam như thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, buôn lậu trốn thuế trên không gian mạng; vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ đã vượt lên trên sự quản lý của ngân hàng, vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia thế; tội phạm cờ bạc, xâm hại trẻ em... Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang phối hợp với các ngành để triển khai các công tác để bảo đảm an ninh, an toàn.
Đối với trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Bộ Công an đang tập trung xây dựng thông tin dữ liệu quốc gia, triển khai hiệu quả những vấn đề của Luật An ninh mạng và các văn bản dưới luật, từng bước hướng dẫn, yêu cầu người dân sống và làm việc trên mạng tuân thủ đúng các quy định của Luật An ninh mạng.
Bộ Công an ủng hộ sự phát triển về công nghệ mạng, coi công nghệ mạng là hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch quan trọng như cơ thể đời sống con người đối với hệ thông tin, hệ mạng quốc gia. “Để duy trì sự sống, các bác sĩ tim mạch phải làm mọi cách giữ hệ tuần hoàn thông suốt, đảm bảo không cho nó đột quỵ, không đứt mạch, không tắc nghẽn’, Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.
Sôi nổi, thẳng thắn
Kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc về lĩnh vực thông tin - truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 43 đại biểu đặt câu hỏi, 12 đại biểu tranh luận và còn 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi tại hội trường. Với những chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho các đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, có tính xây dựng, thực tiễn cao và đã tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai lĩnh vực thông tin và truyền thông được đưa ra chất vấn trong nhiệm kỳ này nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là lần đầu tiên được đăng đàn. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ được hơn 1 năm nhưng với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm, có những giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông là nội dung có tính chất đặc thù, là những vấn đề mang tính thời sự, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, đời sống kinh tế, cuộc sống của từng người dân và đang có nhiều bất cập trong thực tiễn. Vấn đề hôm nay có những nội dung đã được nêu trong Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, tuy nhiên, trong triển khai thực hiện chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhất là trong điều kiện sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn, tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp, khắc phục hạn chế, tồn tại của lĩnh vực thông tin và truyền thông để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Báo chí, Kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, bảo đảm phát huy yêu cầu, mục đích đề ra; quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc “báo hóa” tạp chí...
Các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các điều kiện cấp phép trong lĩnh vực báo chí; xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận; có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: 'Tàu 67' làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
- Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Vụ phát hiện 39 thi thể ở Anh - còn 21 người Nghệ An chưa có thông tin
Các bộ, ngành tiếp tục có các biện pháp hữu hiệu để làm tốt công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội, phát huy mặt tốt và hạn chế mặt xấu của loại hình, phương tiện thông tin này; rà soát, hoàn thiện quy định về an ninh mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc; thông tin mạo danh, tin giả, có các giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật, các game đánh bạc trên mạng, phát hiện đấu tranh xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng...
Các đơn vị có các giải pháp về kỹ thuật nâng cao trách nhiệm của nhà mạng để xử lý sim rác, tin nhắn rác, các cuộc gọi rác; khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; triển khai Trung tâm tiếp nhận thông tin xấu, sai trên mạng và có các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời trang bị kỹ năng sử dụng thông tin trên mạng, nhất là các hoạt động giáo dục trong gia đình trong nhà trường và cũng cần có biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các đơn vị tăng cường hỗ trợ để hình thành các mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh, hướng dẫn hỗ trợ để người Việt tiếp cận dễ với mạng xã hội trong nước; có chính sách hỗ trợ để phát triển các doanh nghiệp số, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu; xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu Quốc gia dùng chung kết nối giữa các địa phương và các bộ, ngành để làm tốt công tác chia sẻ dữ liệu kết nối...
Hạnh Quỳnh – Phan Phương