Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bổ sung nguồn tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao
Sáng 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Luật sư, giảng viên,... là nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao
Một vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình và cho ý kiến tại hội trường là về quy định mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp; bổ sung luật sư, giảng viên đại học… là "nguồn" để tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Điều 96 dự thảo Luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Đáng chú ý, khoản 2 điều này đã mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Cụ thể, người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân Tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao khi thuộc một trong những trường hợp: Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức Trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng: "Nhiều nước trên thế giới đều quy định nội dung này khi tuyển chọn Thẩm phán. Vì nếu tận dụng được nguồn lực này thì sẽ giúp Tòa án nâng cao được chất lượng trong hoạt động xét xử bởi họ có trình độ chuyên sâu, chuyên nghiệp, có trải nghiệm. Tòa án không phải đào tạo mà lại có nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cũng cho rằng việc mở rộng "nguồn" bổ nhiệm Thẩm phán từ chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ cao ở các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… là phù hợp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm về lĩnh vực, ngành học, kiến thức, trình độ về vấn đề liên quan để bổ nhiệm thẩm phán.
Nêu quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn Nghị quyết 27 yêu cầu: "Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp". Ngoài ra, thực tiễn công tác xét xử của Tòa án nhân dân Tối cao đang rất cần luật sư, giảng viên đại học, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan, tổ chức chính trị… để giải quyết các vụ việc ngày càng phức tạp trong tình hình mới.
Còn nhiều ý kiến về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa
Một quy định khác trong dự thảo luận cũng được dư luận, báo chí rất quan tâm là về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Về vấn đề này, Điều 141 dự thảo của Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội tại kỳ họp 6 quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp".
Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa,... Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp...
Một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành (Phương án 2 không quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 141 trong dự thảo Luật, mà thực hiện theo quy định của luật tố tụng và pháp luật có liên quan).
Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị quy định khoản 3 Điều 141 như sau: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp…"; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn…
Cũng tại phiên họp, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận là việc Toà án nhân dân tối cao - cơ quan chủ trì soạn thảo - đề xuất đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm. Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.