Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Khắc phục tình trạng 'vào dễ, ra khó' trong quản lý viên chức
(Thethaovanhoa.vn) - Theo chương trình làm việc, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Bảo đảm cơ chế cạnh tranh
Nội dung được dư luận xã hội quan tâm trong dự thảo Luật là đề xuất bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hay còn gọi là viên chức suốt đời.
Theo đó, Tờ trình Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn, kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2. Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo phương án này.
Phương án 2 quy định viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với Phương án 1 mà Chính phủ đưa ra và cho rằng phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu, thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”. Phương án 1 sẽ khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, theo phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới. Các ý kiến tán thành phương án này cũng đề nghị làm rõ quy định đối với số viên chức cũ đã tuyển dụng (ký hợp đồng) thì áp dụng như Bộ luật Lao động hiện hành, giữ nguyên hợp đồng dài hạn đã ký.
Thu hút người tài vào bộ máy nhà nước
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong những giải pháp gỡ “nút thắt” về thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.
Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã có những quy định về chính sách đối với người có tài năng và một số nghị định của Chính phủ cũng có quy định chi tiết về vấn đề này. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó, một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
- Đồ họa: Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
- Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Sẽ thông qua 7 dự án luật
Nhất trí cao với việc cần có chính sách thu hút nhân tài nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội... đã có chính sách để thu hút nhân tài. Trong tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã được xét tuyển. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, để có chính sách thỏa đáng đối với người có tài năng, Chính phủ phải căn cứ vào thực tiễn thi hành chính sách này thời gian qua, có định lượng để xác định được người có tài năng là thế nào; trong đó phải có khái niệm cơ bản, có định nghĩa khái quát để tránh gây tranh cãi thế nào là có tài, thế nào là không có tài.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, chính sách đối với nhân tài là nội dung được nhiều người quan tâm. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện chính sách này trước khi quy định trong dự thảo Luật. Cùng với đó, cần có một khái niệm, định nghĩa như thế nào là nhân tài. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật phải đưa ra được các nguyên tắc để thu hút, sử dụng người tài, trong đó phải quy định cơ chế đặc biệt để chọn người tài, nhất là cơ chế thi tuyển. Đặc biệt, phải luật hóa nội dung thi tuyển các chức danh lãnh đạo để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
PV/TTXVN