Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận hai dự án Luật
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Sau đó các đại biểu thảo luận về dự án Luật này.
- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo khi tham gia CPTPP
- Tuần làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Không có lợi ích nhóm trong xử lý các dự án kém hiệu quả
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp này, dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Về hệ thống cơ sở giáo dục đại học dự kiến gồm trường Đại học và Đại học, Học viện và các cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó trường Đại học được coi là hạt nhân cơ bản, nền tảng của hệ thống.
Về đẩy mạnh tự chủ đại học: dự thảo quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng; quy định cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học; bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản.
Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật Công an nhân dân trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 7 chương, 48 điều; trong đó có một số quy định còn nhiều ý kiến khác nhau như quy định về công an xã, thị trấn chính quy; về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; về cấp bậc hàm đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Trong đó, về cấp bậc hàm đối với giám đốc công an cấp tỉnh, hiện nay có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, đề nghị quy định Giám đốc công an cấp tỉnh (trừ Giám đốc Công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, vì trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014 đã thống nhất quy định cấp bậc hàm của công an và quân đội ở cấp tỉnh, huyện là tương đương.
Loại ý kiến thứ hai cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật vì trong thời gian vừa qua Bộ Công an đã thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, không còn mô hình cấp Tổng cục mà tập trung phân cấp thẩm quyền và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho công an cấp tỉnh.
Việc quy định mở như dự thảo sẽ tạo thuận lợi việc bố trí đội ngũ cán bộ đang công tác tại các Cục, Tổng cục sau khi được sắp xếp lại, cũng như trong công tác luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ với công an cấp tỉnh trong thời gian tới, không làm tăng số lượng cán bộ có quân hàm cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân.
TTXVN/Quỳnh Hoa