Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Không có lợi ích nhóm trong xử lý các dự án kém hiệu quả
(Thethaovanhoa.vn) - Không có chuyện bao che dù ở bất cứ cấp nào với những cá nhân và tổ chức vi phạm; không có lợi ích nhóm trong việc xử lý đối với các dự án kém hiệu quả. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 31/10.
- Trực tiếp kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Ngày thứ hai chất vấn các Bộ trưởng
- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội
* Tiến độ xử lý dự án chậm
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết, trong các phiên chất vấn trước đây, ông đã đặt vấn đề xử lý các dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương. Đến nay, mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều ý kiến chỉ đạo triển khai xử lý nhưng tiến độ còn chậm, đặc biệt tại Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tiến độ tiến hành thoái vốn dự án trong năm 2018 nhưng đến nay đã là quý IV/2018, vẫn chưa được thực hiện. "Sự chậm trễ ở đây là gì? Có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài thoái vốn tại doanh nghiệp để trục lợi?", đại biểu đặt câu hỏi.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân nghi ngờ tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xảy ra tại các dự án này. "Đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ băn khoăn này", đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xác nhận, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 bị chậm so với tiến độ chung của 12 dự án do quá trình triển khai rất phức tạp. Bộ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân là do các tranh chấp pháp lý giữa Tổng Công ty thép Việt Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC (là tổng thấu nước ngoài). “Có khả năng sẽ phải giải quyết tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu, vì có nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai dự án qua nhiều giai đoạn. Vấn đề này rất phức tạp, có những việc làm không đúng trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu", Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước ra khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, cơ quan chủ sở hữu của Công ty Gang thép Thái Nguyên và cũng là chủ đầu tư Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 còn vướng mắc. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực rà soát để triển khai việc thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại vướng vào vấn đề mới, liên quan đến cam kết bảo lãnh của Tổng Công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên trong Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỉ đồng của Vietinbank. Nếu thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nước, vì Tổng Công ty Thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này. “Phải giải quyết xong được khoản giải chấp đối với bảo lãnh này thì mới tiến hành thoái vốn được. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án mới cho phù hợp", Bộ trưởng Công Thương giải trình.
Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có nghiêm minh hay không, có sự bao che hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, tất cả 12 dự án đã làm đồng bộ và toàn diện về các khía cạnh. Trong đó, có rà soát về pháp lý và xem xét trách nhiệm kể cả các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, có 4 dự án đã chuyển cơ quan công an để điều tra; khởi tố vi phạm tại 2 dự án (PVTex Đình Vũ và Nhiên liệu sinh học Phú Thọ). Ngoài ra, cơ quan chức năng đang điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc…
Thông tin thêm về nhiều cá nhân đã bị tạm giam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Chắc chắn không có chuyện bao che dù ở bất cứ cấp nào với những cá nhân và tổ chức liên quan. Tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Không có lợi ích nhóm trong việc xử lý tồn tại, vướng mắc của các dự án".
* Hỗ trợ doanh nghiệp phòng vệ thương mại
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu câu hỏi về việc thương trường là chiến trường, các quốc gia đều có biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất. Bộ đã có giải pháp gì để bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn Bộ Công Thương về việc Bộ sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển trước sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu: Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sắp tới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước, có cơ chế phối hợp với các hiệp hội, tổ chức thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại quốc tế...
Trả lời đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Công Thương cho biết, hoạt động phát triển thị trường thương mại nội địa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. "Mặc dù chúng ta có điều kiện bảo lưu với Tổ chức Thương mại thế giới nhưng nguyên tắc vẫn phải mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia", Bộ trưởng nêu rõ và cho biết thêm, trong báo cáo trình Bộ Chính trị về đề án phát triển hàng Việt Nam và phát triển thương mại nội địa, Bộ đã có hàng loạt giải pháp trong đó có việc hoàn thiện hạ tầng thương mại, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực… Điều quan trọng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nội địa, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sản phẩm công nghiệp…
Phương - Hạnh/TTXVN